Tai nạn liên hoàn vô hiệu cao tốc
Dịp Tết Giáp Ngọ vừa qua, Pháp Vân - Cầu Giẽ (Hà Nội) là tuyến đường bị phong tỏa do va chạm giao thông nhiều nhất trong các tuyến QL ở khu vực phía Bắc. Đặc biệt những ngày sau Tết, đã có 4 vụ va chạm dẫn tới ùn tắc nghiêm trọng khiến giao thông bị tê liệt nhiều giờ.
Cụ thể, 18h ngày 6/2 (tức mồng 7 tết) trong lúc mọi người đang hối hả trở lại Hà Nội làm việc sau kỳ nghỉ Tết thì tại khu vực km 184 xảy ra vụ tai nạn giao thông liên hoàn giữa 9 ô tô chạy theo hướng Đồng Văn - Hà Nội. Hậu quả, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ ùn tắc hơn 10km, chiều đường Đồng Văn - Hà Nội các phương tiện không thể di chuyển.
Để ùn tắc không kéo dài, CSGT đã phải phân luồng cho toàn bộ phương tiện đi vào QL1 cũ. Riêng trong ngày 4/2 (tức mồng 5 Tết) cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ xảy ra tới 3 vụ tai nạn, làm giao thông tê liệt và CSGT phải đứng ra làm hàng rào hướng dẫn phương tiện đi vào QL1 cũ.
Theo văn phòng Ban ATGT thành phố Hà Nội, hiện tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ là một trong những tuyến đường có số vụ ùn tắc, TNGT nhiều nhất trên địa bàn Hà Nội.
Hệ thống biển báo, vạch kẻ sơn đảm bảo giao thông trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ cũng đang trong tình trạng vá víu, nơi có nơi không. Tại khu vực cầu Khê thuộc km 215 có hơn 200m vạch sơn chia làn đường bị mất; hàng rào tôn lượn sóng tại km 200 bị cong vênh, không còn khả năng ngăn trâu bò, người đi bộ…
Phân tích nguyên nhân sơ bộ các vụ ùn tắc, TNGT trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ thời gian qua, Đại diện Đội CSGT số 8, Phòng CSGT, CATP Hà Nội cho biết, phần lớn là do hệ thống đảm bảo giao thông xuống cấp, mặt đường lún mấp mô, xẻ rãnh… khiến phương tiện đi lại không an toàn.
“Nền đường trên toàn tuyến đang xảy ra hiện tượng lún nứt, gờ hầm chui mấp mô, tại nhiều vị trí mặt đường còn xuất hiện ổ gà, ổ voi nên khi phương tiện lưu thông với tốc độ cao tình trạng va chạm dồn toa đã xảy ra”, trung tá Nguyễn Văn Tiến, Đội phó Đội CSGT số 8 cho biết.
Cũng theo ông Tiến, ngoài ý thức lái xe, tất cả các vụ tai nạn, va chạm giao thông trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ dịp Tết vừa qua đều có liên quan đến đường xấu.
Lún nứt toàn tuyến, chưa một lần được đại tu
Khảo sát trên toàn tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ những ngày qua, PV Tiền Phong ghi nhận, hiện tượng nứt, trồi lún không còn xảy ra cục bộ ở đoạn nào mà đã xảy ra trên toàn tuyến. Trên dọc tuyến, ở đâu cũng thấy mặt đường bị hàn vá, cắm biển sửa chữa. Tuy nhiên do chỉ dừng ở việc sửa chữa, khắc phục nên những lớp bê tông bù lún chỉ được một thời gian sau đó lại bị bong tróc, vỡ vụn tạo nên những ổ gà, ổ trâu.
Một số lái xe khách thường xuyên đi lại trên tuyến đường này cho biết, ban đầu họ thấy nền đường bị lõm, sau vài ngày các vết nứt xuất hiện rồi hình thành ổ gà. “Với những xe đi trên cao tốc với tốc độ cao gặp đường mấp mô, ổ gà rất dễ xảy ra tai nạn hoặc gây tai nạn liên hoàn cho các xe đi phía sau do lái xe giật mình tránh đường xấu”, anh Nguyễn Văn Thành, lái xe khách cho Cty Cổ phần Vận tải ô tô Ninh Bình nói.
Tại km 187 đến 200 đoạn đi qua huyện Thường Tín (chiều Pháp Vân - Thường Tín) hiện tượng lún nứt và ổ gà, ổ voi đã phủ kín cả hai làn xe cơ giới, để an toàn các ô tô chạy đến đây đã phanh chậm và dạt vào làn đường dừng xe khẩn cấp để đi.
Với đoạn từ km 196 đến 198 đi qua xã Liên Phương, huyện Thường Tín tuy nền đường đã được thảm lại nhưng hiện tượng lún nứt vẫn xảy ra. Điều này cũng xảy ra tương tự với mặt đường qua khu vực cầu Vạn Điểm, Thường Tín, cầu Khê… Riêng mặt đường đi qua khu vực cầu vượt Thường Tín, do có nhiều hố võng sâu nên mặt đường luôn bị đọng nước.
Cùng với đó, hệ thống biển báo, vạch kẻ sơn đảm bảo giao thông trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ cũng đang trong tình trạng vá víu, nơi có nơi không. Tại khu vực cầu Khê thuộc km 215 có hơn 200m vạch sơn chia làn đường bị mất; hàng rào tôn lượn sóng tại km 200 bị cong vênh, không còn khả năng ngăn trâu bò, người đi bộ…
Đánh giá về hiện trạng tuyến đường, đại diện Hạt quản lý đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, Cty CP Quản lý và Xây dựng Công trình giao thông 236, Cục quản lý đường bộ 1, Tổng cục đường bộ Việt Nam, cho biết, từ khi đưa vào khai thác từ năm 2001 đến nay (13 năm) tuyến đường vẫn trong tình trạng vừa khai thác vừa chờ lún. Cũng do lún mặt đường vẫn còn nên từ khi đưa vào sử dụng đến nay tuyến đường vẫn chưa được thảm lớp bê tông tạo nhám để phương tiện đi êm thuận.
Cũng theo Hạt này, hiện tượng hư hỏng đang xảy ra trên toàn tuyến, trong đó có 38 vị trí mặt đường bị lún nứt, hư hỏng nặng, nhiều đoạn việc hư hỏng trải dài hàng trăm mét. Các vị trí đường bị sạt lở, lún nứt đơn vị này thống kê cũng có trên 80 vị trí. Riêng vạch kẻ sơn bị mờ, bị mất có trên 100 vị trí với chiều dài hơn 6.000 mét.
Ông Vũ Tuấn Toàn, Phó giám đốc Cty CP Quản lý và Xây dựng Công trình giao thông 236, cũng thừa nhận, từ khi đưa vào sử dụng đến nay tuyến đường chưa một lần được đại tu, kinh phí đầu tư cho bảo trì hiện nay được tính theo tiêu chuẩn đường QL, nguồn kinh phí này chỉ đủ để tuyến đường hàn vá, sửa chữa nhỏ.