Dũng sĩ… hát then

TP - Ông Vi Hồng Công, ba lần được phong “Dũng sỹ diệt Mỹ”, hai thế hệ đang phải chịu ảnh hưởng của dioxin, nợ nần chồng chất, cuộc sống gia đình rất khó khăn… Thế nhưng, với ông, cuộc đời vẫn nở hoa bằng những điệu Then, tiếng đàn tính mộc mạc, da diết từ CLB hát then do ông thành lập, phát triển.
Ông Công (thứ 4 từ trái qua) cùng CLB hát then thôn 13.

Những chiến công lừng trời

Tháng 9/1966, chàng thanh niên làng Ngang (xã Hương Lạc, Lạng Giang, Bắc Giang) Vi Hồng Công khi đó mới 19 tuổi đã hăng hái lên đường nhập ngũ và được điều về đơn vị 192 thuộc Quận III, Quảng Nam - Đà Nẵng. Đây là một đơn vị có chức năng trinh sát, luồn sâu vào các địa bàn để nắm tình hình và xử lý các tình huống nhạy cảm. Tháng 2/1969, Mỹ - ngụy càn quét, dồn dân thôn 5 và 6 (xã Điện Dương, Điện Bàn, Quảng Nam - địa bàn bám trụ của đơn vị) vào ấp chiến lược và san ủi, triệt phá hết làng mạc. Nằm dưới hầm bí mật,  Công nghe thấy rõ mồn một tiếng lưỡi xe ủi lướt qua đỉnh đầu mình nhưng không thể làm gì được. Trời vừa sập tối, Công rời hầm định thoát ra ngoài, chợt quan sát thấy địch dựng các lều bạt tạm rải rác gần đó. Công dùng hết sức lực, ném tất cả số lựu đạn có trên người vào quân địch. Những chớp lửa, tiếng nổ chát chúa hòa cùng tiếng địch kêu la là những gì anh nhìn thấy trước khi chạy khỏi khu vực. Sau này được cơ sở báo lên, trận đánh ấy anh diệt gọn một trung đội Mỹ (37 tên). Danh hiệu“Dũng sỹ diệt Mỹ” lần thứ nhất đến với anh tình cờ như thế.

“Gia đình nhà ông Vi Hồng Công đã quá vất vả. Không ai nghĩ được một dũng sĩ diệt Mỹ nhiều chiến công lại đang phải sống vất vả, khó khăn như vậy. Nhưng ông và gia đình vẫn gương mẫu, hết lòng vì cộng đồng, vì văn hóa. Con người ấy không dễ tìm trong thời buổi này”.

 Ông Nguyễn Thành Đô, Bí thư chi bộ thôn 13

Một chiều tháng 2/1972, anh cùng 3 đồng đội vào ấp chiến lược tuyên truyền chính sách của Đảng, Nhà nước và Mặt trận giải phóng. Cả nhóm hóa trang thành phụ nữ đi chợ và được trang bị súng ngắn, lựu đạn và quang gánh. Nhóm đang tuyên truyền thì bị địch phát hiện. Theo phương án, mỗi người chạy một ngả để bảo toàn lực lượng, sau đó sẽ tập kết theo kế hoạch. Bị truy đuổi, khi băng qua hết các dãy nhà và hàng rào dây thép gai dài gần 1km, anh lọt ra vùng cồn cát ven biển an toàn. Trời tối, Công tìm đến Cồn Chờ, ở sát biển giáp ranh với 2 xã Điện Dương và Điện Bình (tỉnh Quảng Nam) theo kế hoạch. Nhưng cũng thời điểm ấy, địch kéo nhau ra Cồn Chờ đón lõng. Nhận thấy địch đang dựng lều bạt rất sơ hở, anh quyết tâm đánh, đồng thời cũng nhằm để báo cho đồng đội không đến điểm hẹn nữa. Lợi dụng đêm tối, anh dò dẫm, tiến sát vị trí của địch, ném lựu đạn rồi nhanh chóng thoát khỏi trận địa, đến vị trí tập kết. Trận đánh này, anh diệt thêm 1 trung đội Mỹ và được phong tặng danh hiệu “Dũng sỹ diệt Mỹ” lần thứ 2.

Nhằm đánh bật lực lượng chủ lực của ta ở Bình Trị Thiên và hạ Lào, Đà Nẵng trở thành căn cứ hậu cần lớn của địch. Máy bay địch mang bom đạn, chất độc hóa học đi đánh phá nhiều nơi. Đơn vị anh được giao nhiệm vụ đánh vào sân bay Đà Nẵng với mục đích chia lửa với chiến trường, hạn chế sự tác oai, tác quái của không quân địch. Tại nơi xuất phát, mỗi người được nhận một quả DKB nặng 47 kg. Lúc đó Công là chàng trai rất khỏe, nhận luôn hai quả và kéo trượt trên cát tiếp cận hàng rào sân bay. Khi được lệnh khai hỏa, Công bắn liền 2 phát, cháy 2 máy bay vận tải của địch. Sau trận đánh, anh được tặng danh hiệu“Dũng sỹ diệt máy bay”. Cũng từ đó cái tên Vi Hồng Công đã trở thành nỗi khiếp đảm đối với nhiều đơn vị của địch.

Nỗi đau nối tiếp nỗi đau

Sau chiến tranh, Vi Hồng Công  trở về với cuộc sống đời thường. Hiện nay, ông gần 70 tuổi, được bầu là già làng thôn 13, xóm Trại Rộng, xã Hương Lạc, Lạng Giang, Bắc Giang. Nguồn thu nhập chính của cả gia đình ông phụ thuộc vào hơn 2 triệu đồng lương hưu và thương binh hạng 4/4. Cháu gái nội được hưởng thêm 405 nghìn đồng tiền trợ cấp hằng tháng dành cho người tàn tật. Hỏi vì sao ông không đi làm chế độ chất độc da cam cho các con, cháu để họ bớt khổ, ông kể câu chuyện cách đây vài năm. Hồi đó, ông làm hồ sơ để hưởng chế độ vì nghĩ so với những người cùng nhập ngũ khác, nhà ông thuộc diện bị “nặng” hơn cả. Chờ mãi cũng có một người đàn ông ăn mặc lịch sự đến hỏi thăm nhà: “Hồ sơ của chú khá đầy đủ rồi, cả giấy kiểm tra sức khỏe, cả giấy chứng nhận… Chú nộp trước cho cháu 10 triệu để cháu lo cho nhé”. “Nghe thấy thế tôi không chịu được, nghĩ mình đã như thế này mà còn không được nữa thì thôi. Tôi mà lại thèm “chạy” à? Với lại cũng chẳng kiếm đâu ra chừng ấy tiền để “chạy”. Giờ hồ sơ của tôi chắc vẫn nằm trên tỉnh!”,  ông Công bức xúc.

Căn nhà nhỏ bé của ông nằm sâu sau những quả đồi lô nhô. Bà Đồng Thị Tỵ, vợ ông, kể rằng, phải vay mượn rất nhiều mới làm được căn nhà, giờ vẫn còn nợ hơn 60 triệu đồng của bạn bè, người thân. Nhắc đến gia cảnh, bà Tỵ lại rơm rớm nước mắt.  Lấy nhau được hơn 40 năm, sinh được 4 người con. Con trai cả bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam tên là Vi Hồng Kỳ. Tính tình cứ thay đổi thất thường, khi tỉnh, khi mê, đôi mắt ngây dại. Rồi anh cũng lấy vợ, cũng sinh con. Thế hệ thứ hai, một đứa con gái cũng lại giống anh, ngây dại. Vợ anh sau một thời gian chung sống đã thay tính đổi nết hoặc không chịu được sự ngây dại ấy mà đuổi hai bố con anh khỏi nhà. Con trai út của ông bà là một chàng trai khôi ngô, hiền lành, chịu khó. Khi anh vừa cưới vợ, hai vợ chồng dẫn nhau ra Hà Nội làm ăn. Được vài hôm, hai người đèo nhau bằng xe máy về, báo với mẹ là về mua xe ga nhưng giữa đường bị tai nạn giao thông, mãi mãi nằm lại dưới đất sâu. “Mới vừa năm ngoái thôi chứ đâu xa...”, bà Tỵ gạt nước mắt. 

Ấm tình những điệu then

Ông Công và đồng đội bên những tập giấy khen cũ nát.

Năm 2007, ông Vi Hồng Công nghỉ hưu, nhưng bà con thôn 13, xóm Trại Rộng lại bầu ông làm già làng. Sau khi “nhậm chức”, ông đến từng gia đình để nắm bắt tâm tư nguyện vọng và động viên mọi người làm ăn, nghiêm chỉnh chấp hành chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước. Làng quê nghèo nên người dân ít khi để ý  các hoạt động văn hóa - văn nghệ, nhưng già làng Công lại nghĩ khác: C uộc sống sẽ bớt khó khăn, bớt nhọc nhằn nếu có thêm tiếng đàn, tiếng hát hàng ngày. Vốn là người dân tộc Nùng, ông quyết định thành lập CLB hát then bởi phù hợp với đa số người dân nơi đây, đồng thời giữ gìn được vốn quý của dân tộc. Ông cùng một vài người già tâm huyết lặn lội đi Lạng Sơn rồi đến nhiều huyện miền núi của Bắc Giang, Thái Nguyên để tìm, đặt mua đàn tính, đến các CLB hát then ghi âm lại lời hát, mua các đĩa hát then về để “bóc băng” lấy lời truyền dạy cho mọi người. Để có trang phục dân tộc, ông vận động người dân đóng góp rồi xin thêm tài trợ ở xã và đích thân bỏ ra 5 triệu đồng tích cóp được để mua vòng cổ, vòng tay, quần áo cho các diễn viên. Bà Tỵ thấy mọi người tập tành trong nhà cũng bớt phiền, tham gia luôn cùng đội hát then. Hiện nay, CLB hát then thôn 13 có 8 thành viên và đang hướng tới việc mở rộng thành viên ở nhiều độ tuổi. “Từ một đơn vị yếu nhất xã về các phong trào văn nghệ, nay xóm 13 đã trở thành một trong những hạt nhân văn nghệ của xã. Đợt vừa rồi Đại hội Đảng xã chúng tôi đã vinh dự được biểu diễn chào mừng. Ngoài ra, CLB hát then của thôn đã được đi biểu diễn giao lưu tại nhiều địa phương khác trong tỉnh”, ông Nguyễn Thành Đô, Bí thư chi bộ thôn 13,  tự hào nói.