Đưa nhà Gươl vào trường học

TP - Tại các huyện miền núi ở Quảng Nam, những căn nhà Gươl - nhà truyền thống của người dân tộc Cơ Tu, Ve, Tà Riềng đã được dựng lên ngay trong khuôn viên nhà trường. Ở đó, những nét đẹp văn hóa độc đáo, lễ hội, cồng chiêng, cách dệt thổ cẩm được lồng ghép đưa vào chương trình học, góp phần gìn giữ nét văn hóa truyền thống của người dân. 
Học sinh Trường Dân tộc bán trú tiểu học liên xã La Dêê - Đắc Tôi sinh hoạt trong nhà Gươl của trường

Trường Dân tộc bán trú tiểu học liên xã La Dêê – Đắc Tôi (huyện Nam Giang) nằm giữa núi rừng. Đầu tuần, sau lễ chào cờ, học sinh tham gia sinh hoạt tập thể tại căn nhà Gươl vừa được trường dựng lên trong những tiếng cồng chiêng do chính học sinh đánh. Ngôi nhà Gươl do trường đề xuất ý tưởng, phụ huynh người góp thanh gỗ, bó lá, bó tre, nứa, ngày công. Căn nhà truyền thống hoàn thành trong niềm vui lớn của thầy và trò nơi đây. 

 

Cô giáo Hiệu trưởng Kring Lưu, tâm sự: Đối với học sinh đến từ các bản làng xa xôi, xa nhà, học bán trú việc có nhà Gươl ngay tại trường khiến các em rất vui, ham học hơn. Những giờ ngoại khóa, sinh hoạt tại nhà Gươl, em nào cũng háo hức tham gia. Việc dựng nhà Gươl góp phần gìn giữ nét văn hóa của người dân tộc vùng cao vốn đang bị mai một dần. Em Alăng Thị Hòa, học sinh lớp 5, cho biết: “Từ ngày có nhà Gươl, được nghe tiếng trống chiêng, em đỡ nhớ bản làng, bố mẹ anh chị rất nhiều”. 

Hằng tuần, ngoài các giờ sinh hoạt ngoại khóa, nhà trường thường tổ chức lễ kết nạp đội viên mới, tổ chức sinh nhật cho các em học sinh… ngay tại nhà Gươl, góp phần xây dựng môi trường học tập thân thiện với các em. Nhà Gươl cũng trở thành không gian gắn bó với cả những thầy cô giáo trẻ từ dưới xuôi lên đây gieo con chữ. 

Tây Giang là huyện miền núi xa nhất của tỉnh Quảng Nam, cách trung tâm TP Tam Kỳ gần 200km, giáp biên giới Lào, với gần 95% là người đồng bào Cơ Tu. Đến nay, 90% trường học trên địa bàn huyện biên giới này đều có nhà Gươl, có đội văn nghệ trống, chiêng, có đồng phục Cơ Tu chào cờ đầu tuần.

Trường phổ thông dân tộc Nội trú huyện Tây Giang khang trang sạch đẹp, 361 học sinh của nhà trường chia làm nhiều khối, mỗi khối lớp đều có đội trống chiêng riêng của mình để dự thi với nhau trong các dịp lễ hội. Ngay góc sân trường một nhà Gươl mái lá truyền thống được dựng lên, cùng với những bậc thềm gỗ và bếp lửa giữa nhà, không khí bản làng xưa hiện diện ngay trong sân trường. 

Thầy Trần Quốc Tuấn, Phó hiệu trưởng, cho biết: “Công nghệ thông tin đang phát triển, quán internet mọc lên ngày càng nhiều, việc nhà trường tạo các sân chơi truyền thống cũng là cách để giáo dục các em tránh xa những cám dỗ của công nghệ với nhiều mặt trái”. 

Cũng theo thầy Tuấn: “Để có nhà Gươl, thầy cô đóng góp nhiều ngày lương, phụ huynh góp tranh, tre, nứa, lá và công sức để dựng lên. Tổng trị giá của căn nhà khoảng 100 triệu đồng. Từ ngày có nhà Gươl học sinh rất hào hứng tham gia các hoạt động, số lượng học sinh bỏ học cũng giảm hẳn”.

Post by Báo Tiền Phong.