Cuộc thi do Trung tâm Văn hóa tỉnh Lâm Đồng phối hợp với một số địa phương tổ chức đã thu hút 16 kỵ mã tranh tài sau vòng sơ tuyển diễn ra trước đó trong cộng đồng người K’Ho sinh sống lâu đời trên cao nguyên.
Ở vòng đua cuối, các chú ngựa được chia thành 4 nhóm, mỗi nhóm 4 “chiến mã”. Các chú ngựa trong cùng một nhóm sẽ đua với nhau để chọn con về nhất. 4 chú ngựa thắng cuộc của 4 nhóm tham gia trận chung kết.
Kết quả, kỵ mã K’Truik và chú ngựa số 15 đã xuất sắc giành giải nhất. Kỵ mã Làng Ke đoạt giải nhì, kỵ mã Hôm giải 3 và kỵ mã Biêu giải 4.
K’Ho là tộc người duy nhất ở Tây Nguyên sở hữu môn thể thao đua ngựa không yên độc đáo. Không yên và cũng chẳng cần bàn đạp, những kỵ sĩ đầu trần chân đất cứ phóc lên lưng, nắm bờm, thúc chân vào bụng là các chú ngựa tung vó lao lên sườn đồi.
Trước cuộc đua, các chú ngựa đứng phía sau vạch xuất phát cứ nhấp nhổm không yên, thi nhau hí vang cả khu rừng ra chiều sốt ruột lắm. Có chú khịt khịt mũi, tung hai chân trước lên cao quá đầu rồi búng người nhảy về phía trước bằng hai chân sau như làm xiếc, thúc giục chủ nhân cho tung vó trên đường đua.
Sau cuộc đua, các kỵ sĩ chân đất cùng các chú ngựa còn có những màn biểu diễn ngoạn mục khiến người xem phấn khích.
Đua ngựa là cuộc chơi thể hiện sức mạnh, sự phóng khoáng của những người con núi rừng nam Tây Nguyên. Ai có ngựa hay, chiến thuật huấn luyện tốt và gặp may thì chiến thắng chứ người đua không dùng các chiêu thuật ép, chèn, kèm đối thủ…