Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông: “Hãy để giáo viên góp ý thẳng“

Góp ý về dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới được Bộ GD-ĐT công bố, ông Nguyễn Văn Ngai, Nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho rằng vừa mừng, vừa lo.
Kế hoạch giáo dục của chương trình mới

Đã có điểm mới nhưng còn nặng

Theo ông Ngai, dự thảo chương trình phổ thông tổng thể đã có nhiều điểm mới so với chương trình phổ thông hiện hành, thể hiện quyết tâm đổi mới của lãnh đạo GD-ĐT, nhưng nhìn chung vẫn còn khá nặng. 

Cấp tiểu học có nhiều môn, nội dung bắt buộc, chưa kể các môn bắt buộc có phân hóa và môn tự chọn như tiếng Việt, Toán, ngoại ngữ 1, giáo dục lối sống, cuộc sống quanh ta, tìm hiểu xã hội, tìm hiểu tự nhiên, tìm hiểu công nghệ.

Ở cấp học này tuổi các cháu còn quá nhỏ, nên áp dụng phương châm “chơi mà học, học mà chơi”. Chỉ học một số môn bắt buộc như tiếng Việt, Toán, ngoại ngữ 1, khoa học thường thức (những kiến thức cơ bản phù hợp với lứa tuổi về tự nhiên, xã hội, cuộc sống quanh em), giáo dục đạo đức (những vấn đề cơ bản, thực tế cần thiết phải phù hợp với lứa tuổi), thể dục, âm nhạc.  Ngoài ra có thể có môn tự chọn như làm quen với vi tính, vẽ, tiếng dân tộc.  

Ở các cấp học khác cần tinh gọn hơn, học những gì cần thiết trong cuộc sống trong đó chú trọng thực hành, học qua việc làm cụ thể, qua cuộc sống thực tế quanh ta.

Đừng để trẻ em thành “chuột bạch” 

Ông Ngai cho rằng, đổi mới giáo dục là cần thiết và nhất thiết phải làm, nhưng phải có sự chuẩn bị thật chu đáo, thận trọng vì sản phẩm cuối cùng là con người mới, sống trong thời đại mới. Đây là thời kỳ hội nhập quốc tế, vừa là công dân toàn cầu nhưng vẫn phải được bản sắc tinh hoa của con người Việt Nam. Do vậy, để việc cải cách đạt kết quả tốt đẹp cần phải làm thực chất và chu đáo rất nhiều việc.

Chân dung" học sinh sau năm 2017

Trước hết phải đánh giá chính xác, trung thực tình hình thực trạng giáo dục hiện nay. Nội dung nào đạt được, nội dung nào chưa, hoặc không đạt được so với yêu cầu, mục tiêu đề ra. Đồng thời, phải phân tích nguyên nhân cái đạt được, cái chưa đạt được, để từ đó xác định việc cải cách giáo dục sắp tới cần đạt mục tiêu gì? Tiếp theo, phải xây dựng chương trình theo mục tiêu đã xác lập. Biên soạn sách giáo khoa, sách giáo viên, sách cho phụ huynh học  sinh, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, đội ngũ nhà giáo…

Việc đưa dự thảo lấy ý kiến cần làm thực chất trên tinh thần cầu thị nghiêm túc, có chọn lọc, tránh làm qua loa với tinh thần bảo thủ, cho có. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT và các cơ quan không quên những bài học kinh nghiệm ở những lần đổi mới, cải cách trước đây để việc cải cách lần này mang lại hiệu quả tốt nhất, tránh lãng phí thời gian, công sức, kinh phí một cách vô ích trong khi đất nước ta còn quá nghèo. 

Đặc biệt, đừng biến trẻ em thành "chuột bạch" vô bổ trong cải cách giáo dục. Riêng thời điểm tiến hành triển khai "chương trình giáo dục phổ thông mới" cũng cần xem xét lại để chọn một thời điểm phù hợp, sau khi hoàn tất cơ bản cần làm.

Rà soát lại giáo viên thừa, thiếu, cần

Theo ông Ngai, để đổi mới hiệu quả việc đào tạo mới, đào tạo lại, bồi dưỡng theo chuyên đề cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và đội ngũ nhà giáo rất quan trọng. Việc này trước đây chưa thực hiện nghiêm túc, đồng bộ giữa bên đào tạo là các trường sư phạm và bên sử dụng các cơ sở giáo dục. Vì vậy cần làm trước thời điểm triển khai chương trình giáo dục phổ thông đổi mới. 

Ông Nguyễn Văn Ngai, Nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM (Ảnh: Như Hùng)
Trước khi triển khai cần rà soát, đánh giá đúng thực trạng về số lượng và chất lượng giáo viên hiện có ở từng trường, từng tỉnh, thành so với yêu cầu đổi mới. Từ đó có một kế hoạch tổng thể trong việc sắp xếp đội ngũ giáo viên hiện có. Đồng thời xác định nhu cầu giáo viên cần có theo yêu cầu đổi mới để tổ chức đào tạo mới giáo viên các môn học mới, giáo viên cho các môn còn thiếu kể cả đào tạo lại. Hiện nay các cấp có trách nhiệm chưa trả lời đã làm đến đâu? Các trường có khoa sư phạm đào tạo giáo viên đã vào cuộc hoặc có động tĩnh gì chưa?    

Các Sở trường cần rà soát, đánh giá đúng thực trạng về chất lượng và số lượng giáo viên hiện có. Đây là việc không ai làm thay. Phải xác định số giáo viên thiếu, thừa, nhu cầu giáo viên cần khi tiến hành thực hiện chương trình giáo dục phổ thông đổi mới để từ đó có kế hoạch đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng. 

Ngoài ra, các Sở và các cơ sở giáo dục phải có kế hoạch  nâng cấp, xây mới trường, lớp, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học đáp ứng yêu theo chương trình mới. 

Đặc biệt làm tốt công tác tư tưởng cho đội ngũ trong ngành và phụ huynh, học sinh về quan điểm, mục tiêu, yêu cầu đổi mới và đặc biệt là kết quả sau đổi mới có gì tốt hơn hiện nay.

Hiện nay rất còn rất nhiều người trong và ngoài ngành chưa an tâm trước việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Vì vậy trước mắt các Sở và các cơ sở giáo dục mạnh dạn, thẳng thắn có ý kiến góp ý xây dựng trên tinh thần trách nhiệm cao trước xã hội, trước tương lai học sinh đối với bản dự thảo chương trình phổ thông mới.

Cho giáo viên phải góp ý thẳng thắn

Theo ông Nguyễn Văn Ngai, các thầy giáo, cô giáo cần nghiên cứu quán triệt được tinh thần đổi mới để xác lập tâm thế, trách nhiệm của bản thân mình khi tham gia thực hiện chương trình đổi mới với trách nhiệm và quyết tâm cao. 

Trước mắt, cần mạnh dạn, thẳng thắn trên tinh thần xây dựng, trách nhiệm cao trong việc góp ý cụ thể cho bản dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ vừa công bố. 

Ngoài ra, giáo viên cần nghiêm túc thực hiện kế hoạch về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên theo yêu cầu và sắp xếp của ngành, kết hợp với việc tự nghiên cứu, tự bồi dưỡng để đáp ứng tốt nhất yêu cầu đổi mới. 

Theo Theo Vietnamnet