Dư luận ‘dậy sóng’ thế nào qua các lần trùng tu di tích

TPO - Không phải tới khi Văn Miếu - Quốc Tử Giám được quét vôi mới mới nảy sinh những tranh cãi trái chiều về việc phải trùng tu di tích lịch sử như thế nào. Trước đó, rất nhiều nhà nghiên cứu khoa học, lịch sử... đã lên tiếng phản đối việc trùng tu di tích Lam Sơn, Ô Quan Chưởng...

Người dân Huế đang băn khoăn về việc trùng tu bia Quốc học

Bia Quốc học hay còn gọi Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong nằm trên đường Lê Lợi, phía trước cổng trường THPT chuyên Quốc Học- Huế đã được tiến hành trùng tu sau thời gian dài xuống cấp. Theo nhiều người dân, việc trùng tu này khiến bia Quốc học mang "tấm áo" lòe loẹt và biến dạng. Tờ Dân Việt trích lời một cán bộ hưu trí ở Huế: "Cái hồn của công trình này là ở những họa tiết  đặc sắc đó, nhưng nay người ta đã cạo sạch. Không biết họ sẽ vẽ gì vào đó, nhưng như vậy là đã làm mất đi cái hồn cốt của công trình".

VnExpress.net đưa tin ngày 11/1, theo TS Trần Đình Hằng (Viện phó Phân viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam), bia là công trình có ý nghĩa lịch sử với các hoa văn đặc biệt kết hợp cả kiến trúc Đông và Tây, nhưng quá trình trùng tu, nhiều hoa văn tinh xảo bị bóc tách, thay mới. "Tôi không biết bên đơn vị thi công căn cứ vào hình ảnh tư liệu nào để sơn màu vàng tổng thể cho bia như hiện nay", ông Hằng nêu vấn đề.

Ông Lê Văn Quảng (Phó giám đốc Phân viện khoa học công nghệ xây dựng miền Trung, đơn vị tư vấn giám sát) khẳng định việc trùng tu tiến hành theo đúng cấu trúc và kiểu hoa văn gốc. Riêng việc công trình có màu vàng chủ đạo như hiện nay là do mưa, sơn chưa khô. Khi có nắng thì sơn sẽ chuyển sang màu phù hợp. Đại diện chủ đầu tư cũng khẳng định, việc trùng tu công trình sẽ hoàn thành trước Tết nguyên đán.

Dư luận bức xúc khi thấy Văn Miếu có màu sắc ‘lạ’

Một câu chuyện trùng tu khác cũng đang được dư luận quan tâm nằm ở khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Hiện các bức tường bao, tường rào khu vực quanh giếng Thiên Quang, bia tiến sĩ được quét loại vôi trộn với than bùn, còn gọi là vôi sữa truyền thống. Họa sỹ Lê Thiết Cương là một trong những người không đồng tình với việc quét vôi trang trí như trên. Ông cho rằng, màu vôi mới phủ lên một số công trình chưa hài hòa với khung cảnh xung quanh. Với một di tích cổ như Văn Miếu thì màu vôi cần cũ hơn để tạo đồng bộ với các hạng mục không được tu sửa. Đây cũng là ý kiến của nhiều người quan tâm tới Văn Miếu - Quốc Tử Giám sau khi khu di tích này được "thay áo mới".

Trong một trao đổi với Zing.vn, GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, cho biết trùng tu, tôn tạo di tích xuống cấp là việc bắt buộc. Ông cũng cho biết, ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám khẳng định đây chỉ là lớp sơn diệt rêu: "Sau một thời gian, sơn này sẽ bay màu, trả lại màu sắc cổ kính cho di sản. Nếu không quét loại sơn, rêu sẽ ăn hỏng bề mặt tường các hạng mục di tích".

Bức bình phong "lạ" án ngữ lăng Ngô Quyền (Hà Nội)

Năm 2014, câu chuyện về bức bình phong "lạ" ở đền thờ Ngô Quyền (Sơn Tây - Hà Nội) và "quái thú" trên đó nhận được sự quan tâm đặc biệt từ dư luận. Trong quá trình trùng tu di tích này, có những chi tiết bị sai so với ban đầu và không phù hợp với tinh thần văn hóa lịch sử. Đặc biệt là chiếc bình phong với hình ‘quái thú’ xấu xí án ngữ. Trước mộ một vị vua đặc biệt của dân tộc mà đặt bức bình phong xây bằng xi măng với hình hổ không ra hổ, rồng chẳng giống rồng thì khó chấp nhận được.

Bức bình phong lạ ở lăng Ngô Quyền.

Trả lời báo Thể thao Văn hóa ở thời điểm đó, cụ Dương Hữu Số - người trông coi đền thờ Ngô Quyền (Sơn Tây, Hà Nội) nói giọng nghèn nghẹn: “Con vật trên tấm bình phong xi măng này không thể gọi là con hổ. Đã 3 năm trông đền, 6 tháng gần đây nhìn người ta dựng bình phong rồi đắp lên “con thú lạ” này trong lăng Ngô Quyền, tôi và người Đường Lâm nhìn mà đau. Đau mà bất lực...”.

Còn theo nhà nghiên cứu di sản văn hóa Trần Lâm Biền, họa hình trên tấm bình phong tệ cả về mặt mỹ thuật và mặt tâm linh. “Theo kiến trúc truyền thống, hổ trên bình phong trấn yểm phải ngồi, mặt quay về phía trước oai linh mới trấn được quỷ. Còn con vật không ra báo cũng chẳng ra chó sói, đuôi vắt vẻo trên một cái cành yếu ớt này trông quá thảm hại. Con vật này không thể gọi là quái thú mà nó trông như một con quỷ”- ông Biền nói.

Sau thời gian ồn ào dư luận, bức bình phong đã bị đập bỏ.

Trùng tu đình Quang Húc: Thêm một lần "quái thú" xuất hiện ở di tích quốc gia

Câu chuyện của ngôi đình cổ từ thế kỷ XVII ở Bà Vì - Hà Nội cũng xảy ra vào năm 2014. Trong quá trình trùng tu, đơn vị thi công đã để xảy ra nhiều sai phạm cơ bản. Họ đã đưa vào những hiện vật mới nhưng cẩu thả và không đúng kích cỡ ban đầu trong khi nhiều chi tiết có giá trị văn hóa lịch sử và mỹ thuật hoàn toàn có thể tiếp tục sử dụng. Nghê cũ bị thay bằng nghê mới. Xà, cột khi ghép vào rời nhau mấy phân, dột tứ tung. Mảng chạm cổ kính sơn bằng sơn ta nay thành tươi rói phản cảm vì sơn tây.

Theo thông tin trên Thể thao Văn hóa năm 2014, ông Nguyễn Đức Bình - cán bộ Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Bộ VHTT&DL và là người chuyên nghiên cứu đình làng, đã tới nghiên cứu lần đầu đình Quang Húc hàng chục năm trước, thở dài: "Tôi choáng khi thấy một số tượng nghê, thanh xà trước gác lửng của đình Quang Húc sau khi đã trùng tu. Họ chạm lại một cách thô thiển!"

Các nhà khoa học phản đối việc trùng tu di tích Lam Kinh (Thanh Hóa)

Năm 1994, Lam Kinh - một di tích của triều Lê ở Thanh Hóa - bắt đầu được trùng tu. Tất cả các hạng mục đều sử dụng vật liệu xây dựng hiện đại, khiến nhiều nhà nghiên cứu lịch sử rất bất bình.

Trả lời VnExpress ở thời điểm năm 2001, nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết: "Có thể coi Lam Kinh như một quần thể di tích duy nhất còn lại của nhà Lê, vì vậy chúng ta phải ứng xử một cách tôn trọng. Trong việc trùng tu, người ta không quan tâm đúng mức đến khảo cổ học. Công trình bổ trợ (như nhà trưng bày) không ăn nhập với di tích".

Trong khi đó, PGS Hoàng Đạo Kính khẳng định: "Trước khi làm công tác tôn tạo, tu bổ, cần phải tiến hành nghiên cứu, xây dựng hồ sơ khoa học. Nguyên tắc là như vậy, nhưng ở Lam Kinh người ta làm khác. Họ đã làm cho di tích bị biến dạng và như vậy là "cắt cầu" với quá khứ". 

Trong một lần trả lời báo chí, PGS.TS Trần Lâm Biền (nhà nghiên cứu di sản văn hóa) từng chia sẻ: "“Thái độ sai, trình độ kém, nhận thức yếu thì không thể trùng tu được di tích”. Nhắc tới riêng trường hợp đang nhận nhiều ý kiến trái chiều là di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, ông cho biết: “Trước đây Hà Nội bị phản đối kịch liệt khi sơn lại Tháp Rùa. Đó là một bài học lớn chẳng lẽ Hà Nội đã quên. Và bây giờ, tôi cảm thấy vô cùng khó hiểu khi họ phủ màu lên di tích Văn Miếu cổ kính, một di tích lớn của Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng”