Hàng chục nghìn lao động bị ảnh hưởng
Chiều 15/7, báo cáo tại Hội nghị tham gia ý kiến dự thảo đề án “Định hướng phát triển ngành du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Tiến Dũng cho biết, trong 6 tháng đầu năm, do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển ở miền Trung, lượng khách du lịch đến Quảng Bình sụt giảm nghiêm trọng.
"Tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, khách sạn, nhà hàng trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn, ngành du lịch Quảng Bình bị ảnh hưởng nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống của hơn 4.000 lao động trực tiếp và 7.300 lao động gián tiếp”, ông Dũng báo cáo.
Để khắc phục khó khăn, Quảng Bình đã đưa ra các chương trình kích cầu du lịch, giảm giá các dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận chuyển, giảm 30% vé tham quan cho khách đến động Phong Nha, Tiên Sơn, Thiên Đường… Tuy nhiên, tổng số khách du lịch đến Quảng Bình chỉ đạt hơn 1,3 triệu lượt khách, giảm 20,3% so với cùng kỳ 2015.
Trước tình hình trên, Quảng Bình kiến nghị Chính phủ chỉ đạo giải quyết triệt để sự cố môi trường biển, tạo điều kiện để khôi phục các ngành kinh tế biển nói chung và du lịch nói riêng. Tỉnh này cũng kiến nghị có giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp về thuế, đất đai, tín dụng và cung cấp gói hỗ trợ cho tỉnh, bù đắp thiệt hại cho doanh nghiệp để khắc phục hậu quả sự cố môi trường biển do Formosa gây ra...
Chặn hướng dẫn viên xuyên tạc lịch sử Việt Nam
Ông Nguyễn Xuân Bình- Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết, Hải Phòng đã tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và có các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn những hiện tượng người nước ngoài trực tiếp tham gia vào các hoạt động kinh doanh lữ hành, hướng dẫn khách du lịch trái pháp luật; thậm chí xuyên tạc văn hóa, lịch sử Việt Nam hoặc sử dụng ngoại tệ trong thanh toán với khách du lịch.
“Không để các doanh nghiệp du lịch nước ngoài núp bóng hoạt động kinh doanh trên địa bàn thành phố làm ảnh hướng đến uy tín, chất lượng và thương hiệu du lịch Hải Phòng”- ông Bình nói.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Dung thì cho biết, thời gian gần đây trên địa bàn miền Trung, đặc biệt Khánh Hòa và Đà Nẵng đã xảy ra tình trạng hoạt động kinh doanh lữ hành và hướng dẫn viên trái phép của thị trường Trung Quốc và thị trường Hàn Quốc.
Nắm bắt được tình hình đó, Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế đã chủ động phối với hợp với công an tỉnh và các sở ngành tập trung thanh tra, kiểm tra các đơn vị, cá nhân người Trung Quốc, Hàn Quốc nghi vấn hoạt động lữ hành, hướng dẫn trái phép trên địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm các đơn vị lữ hành, khách sạn, hướng dẫn viên Việt Nam tiếp tay cho người nước ngoài hoạt động lữ hành trái phép.
Năm 2020, ngành du lịch sẽ đóng góp 9 – 10% GDP
Theo Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện, mục tiêu đề ra tại chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là: Đến năm 2020 du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bồ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực và trên thế giới. Phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia có ngành du lịch phát triển.
Mục tiêu cụ thể, về lượng khách du lịch quốc tế và nội địa: Phấn đấu đến năm 2020 thu hút 14 – 15 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng bình quân 12 – 14%/ năm trong giai đoạn 2015 – 2020. Về chỉ tiêu kinh tế, phấn đấu đến năm 2020 ngành du lịch sẽ đóng góp 9 – 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 29 – 32,5 tỷ USD, tạo ra 3 triệu việc làm trong đó có 1 triệu việc làm trực tiếp.