> Người Việt muôn phương đón Tết
Trương Hữu Quang (du học sinh tại Mỹ) chia sẻ: Năm mới Tân Mão này, lần đầu tiên mình ở xa gia đình, bạn bè đêm giao thừa. Từ khi sang Mỹ học, mình thấy điều kiện quá lý tưởng so với ở nhà, đặc biệt là việc giảng dạy của các trường bên này. Mình mong, năm mới, nền giáo dục của chúng ta sẽ khởi sắc hơn.
Trong năm mới Tân Mão, mình mong đất nước đẹp mãi mùa xuân, đường xá cải thiện, đỡ ùn tắc. Mình mong lớp trẻ thật nhiều hoài bão.
Lê Cẩm Huyền (Cựu du học sinh tại Pháp): Đúng là Tết đến Xuân về trong lòng mỗi người Việt Nam chúng ta thường tràn ngập cảm xúc và những hy vọng cho một tương lai tốt đẹp và tốt đẹp hơn nữa.
Cũng như mọi người Việt Nam, Tết luôn mang đến cho mình cảm giác đầm ấm, yên vui. Tết là thời điểm chuyển giao “nhắc nhở” mình xây dựng và hoàn thiện kế hoạch cho năm mới.
Với bản thân, mình mong muốn sẽ khỏe mạnh và tràn đầy năng lượng như bây giờ, thậm chí hơn nữa, để hoàn thành tốt các vai trò trong gia đình và xã hội.
Được gọi là người “nghiện công việc”, mình luôn khát khao có thể đóng góp một phần nhỏ bé ở bất cứ vị trí nào, với trách nhiệm công dân của mình. Là người được giáo dục và đào tạo bài bản về đào tạo, về lãnh đạo và quản lý giáo dục, mình đã có những kinh nghiệm nhất định. Mình có niềm tin sâu sắc, năm mới đến, đất nước sẽ đổi mới, phát triển. Đặc biệt, mình rất mong được chứng kiến “khuôn mặt mới” của giáo dục đại học.
Trần Đàm Anh (nghiên cứu tiến sĩ tại Đại học New South Wales (Úc): 2011 là Năm Thanh Niên, mình hi vọng, thanh niên sẽ thực sự đảm nhiệm trọng trách này, biết kế thừa và phát huy truyền thống của dân tộc, để luôn luôn là lực lượng tiên phong trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.
Cảm xúc của một du học sinh xa quê được về ăn Tết khó có thể diễn tả được hết. Ở Sydney, Tết nguyên đán cũng có bánh chưng, dưa hành, thịt đông, thậm chí cả đào, mai, hương vòng, những thứ mà tưởng khó kiếm ở Úc. Nhưng, hương vị Tết với gia đình, người thân, bạn bè ở quê hương mình thì không đâu có thể so sánh được.
Tết ở quê hương có "mùi" riêng; "vị" riêng, có "hồn dân tộc", không đâu có được. Có đi xa, sống xa quê hương mới cảm nhận được hết.
Mình từng có những cái Tết ở Queensland, nằm hát một mình, khóc òa lên vì nhớ nhà, nhớ bố mẹ, thèm được ngửi, được nếm "Tết", thèm được nhìn thấy bố mẹ lọ mọ, tất bật chuẩn bị Tết.
Năm mới, mình dự định phải đăng thêm hai bài báo nữa trên tạp chí Y học quốc tế. Điều này rất khó và mình sẽ phải cố gắng hết sức, vì phải có kết quả nghiên cứu thực sự, được kiểm định thì mới được đăng.
Nguyễn Xuân Quyền (Học viện khoa học công nghệ Hàn Quốc): Quyền đặt nhiều mục tiêu và kì vọng trong năm mới. Quyền sẽ tiếp tục tập trung vào việc học và hy vọng có một hoặc hai bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế.
Ngay từ khi học đại học, Quyền đã mong muốn được học ở một môi trường thật chuyên nghiệp. Năm ngoái, Quyền đã toại nguyện khi học thạc sĩ về công nghệ thông tin tại Hàn Quốc.
Quyền cũng không ngần ngại đặt ra cho mình mục tiêu phải học thật tốt thạc sĩ và nếu có cơ hội sẽ nghiên cứu tiến sĩ. Quyền cho biết, sẽ theo đuổi ngành công nghệ thông tin để có thể về làm việc tại Việt Nam.
Quyền mong muốn: “Nhà nước tạo điều kiện du học sinh, sau khi trở về, có thể đóng góp cho đất nước. Chúng mình đi học ở nước ngoài, muốn về xây dựng đất nước nhưng đãi ngộ chưa được như mong muốn”.
Phạm Phạm Xuân Hoàn (Trường Đại học Luật và Kinh doanh quốc tế - Hàn Quốc): Đây là năm cuối của khóa học thạc sĩ về Luật quốc tế, vì thế Hoàn sẽ phải cố gắng rất nhiều.
Tự tin về bản thân và thấy được cơ hội về ngành luật ở Việt Nam rất lớn, Hoàn cho biết, sau khi học xong sẽ về Việt Nam làm việc.
“Mình thấy nghề luật ở Việt Nam có rất nhiều cơ hội lớn, có thể phát triển nhưng ngành luật nước ta chưa cạnh tranh được trên thế giới, một phần vì ngoại ngữ kém. Trong năm mới, mình sẽ cố gắng học tốt ngoại ngữ hơn nữa để về nước làm việc tốt hơn”.