Động lực phát triển vùng
Vành đai 3 TPHCM dài hơn 70km kết nối TPHCM và các tỉnh vùng Đông Nam bộ được kỳ vọng giúp các doanh nghiệp vận tải, logistic giải được bài toán chi phí di chuyển khi phân luồng giao thông quá cảnh qua TPHCM. Dự án hoàn thành đồng thời góp phần giúp hoàn chỉnh hệ thống giao thông trong khu vực khi kết nối với hầu hết các tuyến cao tốc, quốc lộ khác trong khu vực như Bến Lức - Long Thành, Quốc lộ 1, 13, 22…
Tiến độ dự án vành đai 3
Dự kiến trong tháng 7, Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết triển khai dự án để cụ thể hóa các cơ chế đặc thù mà Quốc hội đã thông qua.
UBND TPHCM cùng UBND các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An cũng đã đề xuất Chính phủ thêm một số cơ chế để đẩy nhanh tiến độ của dự án và sớm khởi công công trình (sớm hơn nửa năm so với kế hoạch ban đầu), dự kiến tháng 6/2023.
Việc bàn giao mặt bằng dự kiến bắt đầu từ ngày 1/10/2022 đến 30/12/2023 (trong đó bàn giao tối thiểu 70% mặt bằng) và đến tháng 3/2023 sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng.
Theo kế hoạch phối hợp, tháng 6/2023, các địa phương phấn đấu khởi công dự án. Thi công hoàn thành, thông xe kỹ thuật tuyến cao tốc vào tháng 10/2025. Dự kiến đến tháng 6/2026 sẽ thi công hoàn thành toàn bộ dự án. Bàn giao, quyết toán dự án hoàn thành vào năm 2027.
Theo các chuyên gia, khi hoàn thành, đường Vành đai 3 sẽ mang lại lợi ích đến các địa phương mà nó đi qua. Đầu tiên kể đến là TPHCM, ví dụ như sân bay Quốc tế Long Thành nằm ở Đồng Nai, ga xe lửa lớn nhất nằm ở Bình Dương, cảng biển lớn nhất nằm ở Bà Rịa - Vũng Tàu… nhưng khi có đường vành đai 3 kết nối, TPHCM sẽ kết nối được thị trường hơn chục triệu dân của mình với hạ tầng để cùng phát triển và từ đó tạo sự lan tỏa về phát triển đô thị, cư dân và thu hút đầu tư.
TS. Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho rằng, dự án này khi đi vào hoạt động đầy đủ sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí logistic, thúc đẩy lưu thông hàng hóa và dịch vụ hiệu quả hơn, từ đó khuyến khích các ngành nghề và doanh nghiệp mới hình thành ở các khu vực lân cận. Cơ sở hạ tầng chất lượng và liên kết vùng tốt còn giúp thu hút thêm đầu tư nước ngoài cho TPHCM và các địa phương trong toàn vùng.
TPHCM và 3 tỉnh phối hợp ra sao?
Theo quy chế phối hợp thực hiện dự án, UBND TPHCM (cơ quan đầu mối) chủ trì, phối hợp UBND các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An thực hiện các nội dung liên quan dự án.
Đối với vốn, UBND TPHCM trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh vốn ngân sách Trung ương đã có (17.146 tỷ đồng) từ Bộ GTVT và giao vốn ngân sách Trung ương chưa được bố trí (14.233 tỷ đồng) về các tỉnh, thành phố để kịp thời triển khai thực hiện dự án.
Công việc tại các địa phương, sẽ chỉ đạo cơ quan tham mưu thống nhất khung tiêu chuẩn áp dụng cho toàn dự án, đảm bảo tính đồng bộ, chất lượng, thẩm mỹ; tổ chức lập hồ sơ khảo sát mỏ vật liệu và các vật liệu xây dựng đảm bảo trữ lượng khai thác, chất lượng, tiến độ cung cấp phù hợp với tiến độ thực hiện các dự án thành phần; thống nhất về đơn giá bồi thường tại các khu vực giáp ranh đảm bảo sự tương đồng trên cơ sở tuân thủ quy định pháp luật…
UBND TPHCM sẽ thay mặt các tỉnh trình Chính phủ, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm về tình hình triển khai thực hiện dự án. Trong trường hợp cần điều chỉnh theo quy định, UBND TPHCM là cơ quan đầu mối thực hiện công tác tổng hợp; UBND các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An có trách nhiệm báo cáo UBND TPHCM các nội dung điều chỉnh liên quan để UBND TPHCM thay mặt báo cáo Chính phủ xem xét, trình cấp thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.