Dòng người rưng rưng về địa chỉ đỏ Ngã ba Đồng Lộc

TPO - Dịp nghỉ lễ, dù thời tiết nắng nóng đỉnh điểm nhưng từng dòng người vẫn nối tiếp nhau, tay cầm hoa cúc trắng về với Di tích ngã ba huyền thoại Đồng Lộc. Từng đoàn du khách bày tỏ lòng tri ân các anh hùng liệt sĩ và rưng rưng nghiêng mình bên phần mộ "10 đoá hoa Đồng Lộc”.

Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, hàng nghìn du khách thập phương đã về dâng hương, tri ân các Anh hùng Liệt sĩ tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh).

Các đoàn khách đến với khu di tích được nghe giới thiệu về những câu chuyện lịch sử, những chiến công vang dội của quân và dân ta nơi chiến trường Đồng Lộc anh hùng.

Trong dòng người ấy có những cụ già, thân nhân liệt sĩ, những cựu chiến binh, thương binh và đông đảo học sinh, sinh viên, thanh niên từ mọi miền đất nước.

Du khách được các hướng dẫn viên giới thiệu về Ngã ba Đồng Lộc - tọa độ lửa "bom cày, đạn xới" một thời, giờ là Di tích lịch sử cấp cấp quốc gia, địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng.

Đoàn hơn 70 cựu chiến binh là chiến sỹ Trường Sơn ở các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng về Ngã ba Đồng Lộc. Trên gương mặt mỗi cựu binh đều rưng rưng, bồi hồi xúc động khi nghe lại câu chuyện về các Anh hùng Liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh ở nơi đây.

Cựu chiến binh Trần Ngọc Đối (trú tỉnh Bắc Giang, cầm míc) từng đi bộ đội chiến đấu ở chiến trường Khe Sanh (tỉnh Quảng Trị). Tại khu mộ 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc, ông Đối đã hát bài “Cúc ơi”, khiến bao đồng đội, du khách xúc động, nghẹn ngào.

“Tôi đã về Ngã ba Đồng Lộc lần này là lần thứ 3. Lần nào tôi cũng nghẹn ngào, xúc động trước sự hy sinh anh dũng của những người đồng đội. Chúng tôi may mắn hơn khi được lành lặn trở về sau chiến tranh”, cựu binh Trần Ngọc Đối nói.

Thời tiết Hà Tĩnh nhiều ngày qua ghi nhận các đợt nắng nóng đỉnh điểm, song các đoàn du khách vẫn nườm nượp về Ngã ba Đồng Lộc hành hương. Những chiến sĩ Trường Sơn năm xưa không giấu nổi cảm xúc, khóc trước mộ các nữ anh hùng TXNP.

Từ cuối tháng 4/1965, quốc lộ 1A bị chia cắt hoàn toàn, ngã ba Đồng Lộc trở thành con đường duy nhất để hậu phương miền Bắc chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Từ đó, ngã ba này trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt nhất của đế quốc Mỹ trên toàn tuyến Quân khu 4.

Từ tháng 4 đến tháng 10.1968, không quân Mỹ tập trung mọi phương tiện đánh vào khu vực Đồng Lộc 1.863 lần. Mảnh đất nhỏ bé này phải hứng chịu một khối lượng bom khổng lồ với gần 50.000 quả các loại. Bình quân, mỗi mét vuông đất tại Đồng Lộc phải gánh chịu ít nhất 3 tấn bom. Lúc cao điểm nhất, tại ngã ba này đã tập trung 1,6 vạn người, phần lớn là bộ đội pháo binh và thanh niên xung phong làm nhiệm vụ phá bom, mở đường.

Trưa 24/7/1968, Tiểu đội 4 - Thanh niên xung phong (thuộc Đại đội 2, Tổng đội 55) gồm 10 cô gái được giao nhiệm vụ san lấp hố bom và sửa đường để thông xe sau các đợt ném bom của máy bay địch. Chiều cùng ngày, trận bom thứ 15 dội xuống Đồng Lộc, một quả bom rơi trúng cửa hầm nơi các nữ thanh niên xung phong trú ẩn. Hầm sập, các chị hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, người trẻ nhất mới 17, ba chị lớn nhất cùng 24 tuổi.