Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: Tiếp tục cải cách thể chế, tập trung cho DN tư nhân
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: thông điệp xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, vì dân và doanh nghiệp (DN), Chính phủ mới đã có hàng loạt các giải pháp có tính chất đột phá nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Chính phủ kiến tạo với các quan điểm dứt khoát và chương trình hành động rõ ràng đã được nêu trong các Nghị quyết 19, Nghị quyết 35/2016 của Chính phủ… Thủ tướng cũng chỉ đạo rốt ráo các bộ ngành, địa phương xử lý các vấn đề cụ thể của DN. Cả nước đặt mục tiêu tạo một môi trường kinh doanh thuận lợi thuộc nhóm 4 nước đứng đầu ASEAN và 1 triệu DN hoạt động có hiệu quả vào năm 2020.
Các chương trình hành động trên bước đầu thực thi có hiệu quả, niềm tin với cộng đồng DN đã quay trở lại. Sự thăng hạng của Việt Nam trong về các chỉ số của Ngân hàng Thế giới (WB), Diễn đàn Kinh tế Thế giới và con số DN thành lập mới vượt ngưỡng con số 100.000 trong năm nay là những minh chứng sống động!
Năm 2017 sẽ tiếp tục là một năm khó khăn với cộng đồng DN. Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump tuyên bố không ủng hộ TPP, xu hướng chống toàn cầu hóa đang gia tăng, Quỹ dự trữ Liên bang Mỹ điều chỉnh tăng lãi suất và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang ập tới…
Những nhân tố đó có thể dẫn tới sự đảo chiều của thương mại và đầu tư quốc tế. Các nhà đầu tư có thể quay trở lại chính quốc, sử dụng công nghệ mới, chi phí thấp hơn, gần thị trường hơn. Ðiều đó sẽ ảnh hưởng lớn đến các nền kinh tế mới nổi, coi xuất khẩu và đầu tư nước ngoài là những động lực tăng trưởng chính như Việt Nam.
“Trong khi đó, dù chủ trương đổi mới, cải cách từ tầm Chính phủ là rất tích cực, nhưng tác động của cải cách đối với hoạt động của người dân và DN lại thể hiện qua hành động của các cấp chính quyền và công chức cơ sở. Sự thay đổi hành vi của đội ngũ công chức cơ sở vẫn chưa theo kịp yêu cầu cải cách, chỉ đạo của Thủ tướng”- ông Lộc nói.
Mặt khác tình hình kinh tế thực tế là khó khăn, và chúng ta chưa dự báo được. Cùng đó, cơ cấu, năng lực của các DN còn hạn chế, còn xa với năng lực của quốc tế. Vì thế, bên cạnh số lượng DN thành lập tăng vọt, số DN rút khỏi thị trường cũng lớn. Có đến gần 60% các DN, không phát sinh thuế thu nhập DN, cho thấy, phần lớn DN chưa cải thiện được hiệu quả của mình.
Theo Chủ tịch VCCI hiện nhiều chính sách kinh tế còn bất cập, thanh tra kiểm tra còn chồng chéo, thủ tục hành chính còn phiền hà, thực thi chưa nhất quán, sự thiếu minh bạch của môi trường kinh doanh và chi phí không chính thức còn cao… đang là những mối quan ngại lớn của cộng đồng DN. Bên cạnh, vẫn còn một khoảng cách khá xa về chỉ số môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh và số lượng DN của nước ta so với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.
Vì thế, yêu cầu về cải cách thể chế, khơi dậy nội lực, tập trung cho khối DN tư nhân trong nước, chính là một động lực tăng trưởng chủ yếu của Việt Nam trong năm 2017 và những năm tiếp theo.
Nguyên Ðại biểu Quốc hội - TS Trần Du Lịch: Không tận dụng cơ hội khó phát triển dài hạn
Tôi hoan nghênh Chính phủ từ đầu nhiệm kỳ tới nay đã nhấn mạnh vấn đề vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thị trường hiện nay, đó là nhà nước kiến tạo phát triển. Những nỗ lực của người đứng đầu Chính phủ là tín hiệu đáng mừng. Nhưng tôi vẫn lo, nếu không tiến hành cải cách sâu rộng hơn, bộ máy hành chính để tiếp tục cồng kềnh, chồng chéo chức năng thì hiệu quả quản lý vẫn sẽ thấp.
Thời cơ không chỉ năm 2017 và các năm về sau rất nhiều. Ðầu tiên, công cuộc cải cách thể chế kinh tế đã đi tới giai đoạn phát triển mới, với hơn 100 bộ luật liên quan tới kinh tế đã ban hành và đang đi vào cuộc sống. Những thay đổi đó đã nâng năng lực cạnh tranh của đất nước lên tầm mới. Ðồng thời, chúng ta đang bước vào thời kỳ hội nhập sâu rộng, thực hiện hàng loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới và Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Ðiều đó mở ra thị trường mới rất rộng cho Việt Nam, dù không có Hiệp định Ðối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thị trường cho Việt Nam vẫn rất rộng. Và qua 10 năm tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm, thành công.
Trước mắt cần giải quyết căn cơ nền tài chính trong đó có nợ công, đây là vấn đề đang bức xúc. Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng chủ yếu dựa vào vốn, ít dựa vào năng suất, nên chất lượng tăng trưởng kém. Nếu không thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế, hoặc làm chậm như hiện nay khó nâng cao được chất lượng và không thể cạnh tranh với nước khác. Ngoài ra, có xây dựng được nền hành chính liêm chính, nền công vụ phục vụ như chúng ta nói không, đó là thách thức lớn!
Quốc hội đã thảo luận và thông qua kế hoạch tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2017-2020, với các bước đi cụ thể, đúng hướng. Vì vậy, năm 2017 và các năm tiếp theo, cần rà soát hệ thống pháp luật hỗ trợ DN đang bị chậm hiện nay, như cơ chế hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ, hỗ trợ khởi nghiệp, DN nhỏ và vừa…
Ông Phan Ðức Hiếu, Phó Viện trưởng Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương: Không cải cách môi trường kinh doanh, Việt Nam sẽ tụt hậu
Ðánh giá về sự chuyển động, cải cách của các bộ ngành trong năm 2016, ông Phan Ðức Hiếu cho rằng, năm 2016, Chính phủ và bộ ngành bắt tay vào cải cách môi trường kinh doanh nhưng kết quả còn khiêm tốn, chưa đáp ứng kỳ vọng của người dân và DN. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng từ năm 2017 trở đi, nếu bộ ngành không có cải cách đột phá, Việt Nam sẽ tụt hậu.
“Bộ ngành, bộ máy quan chức cần thay đổi tư duy quản lý nhà nước, giảm thiểu tối đa việc gây khó khăn cho DN. Ðồng thời chịu trách nhiệm với các chính sách mà mình ban hành”.
Ông Phan Ðức Hiếu - Phó Viện trưởng nghiên cứu Quản lý Trung ương
Thông điệp của Chính phủ kiến tạo hành động đã đủ và cần có hành động cụ thể, mạnh mẽ để tạo ra thay đổi đột phá. Nhất là các bộ ngành cần chủ động rà soát tổng thể, bãi bỏ quy định điều kiện kinh doanh là rào cản cho DN. Hiện nay, chúng ta chỉ cải cách vòng ngoài, bỏ một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện, trong khi còn hàng nghìn điều kiện kinh doanh không còn phù hợp vẫn chưa được rà soát.
Ðợt cải cách năm 2016, sự chuyển động các bộ ngành chưa đáng kể, thiếu sự tự giác, chủ động mà do áp lực từ Chính phủ. Sáng kiến cải cách phải xuất phát ở 2 phía: Từ trung ương xuống và bộ ngành chủ động cải cách, trình Chính phủ bãi bỏ các quy định rào cản cho DN khi ra nhập thị trường. Thậm chí mạnh tay loại bỏ yếu tố lợi ích nhóm (nếu có).
Năm 2017, Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu rộng với quốc tế, thách thức từ bên ngoài rất lớn. Các nước cải cách mạnh mẽ để nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư. DN Việt Nam phải nâng cao năng suất lao động, giá trị sản phẩm, mở rộng quy mô… để cạnh tranh với DN nước ngoài trong quá trình tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
GS.TS Nguyễn Quang Thái, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Việt Nam: Không nên đặt kế hoạch to lớn kẻo mất niềm tin
Năm 2017, đất nước có nhiều thời cơ. Kinh nghiệm một năm sau tham gia Cộng đồng ASEAN (AEC) đã có một số chuyển biến tích cực, nhưng chưa nhiều. Năm tới nhiều nước đã và sẽ có cơ quan lãnh đạo mới nên tác động đa chiều tới Việt Nam. Các DN rất quan trọng, nhưng quy mô ngày một nhỏ hơn, không phải tất cả đều thích ứng với việc liên kết thành chuỗi sản xuất toàn cầu...
Các nghiên cứu gần đây trong và ngoài nước đều cho thấy, vấn đề tăng năng suất lao động có ý nghĩa quyết định đến nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trong khi đó, các vấn đề kinh tế phải xử lý trong một sự gắn kết tổng thể với các vấn đề xã hội và môi trường. Như sự cố môi trường biển ở các tỉnh Miền Trung vừa qua, vệ sinh an toàn thực phẩm đã đặt ra các vấn đề cực lớn cho sự phát triển hiện nay và tương lai. Ðó là chưa kể các vấn đề về đạo đức, lối sống và hội nhập văn hóa. Do đó, năm 2017 đòi hỏi một nỗ lực rất lớn của toàn hệ thống, không chỉ là “hệ thống chính trị” tính đến các tổ chức, bộ máy, mà là phải huy động được sự tham gia của toàn dân, của các giai tầng xã hội
Năm 2017, trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm (hay phục hồi rất chậm), hy vọng sự đột phá trong phát triển kinh tế Việt Nam có thể không thực tế. Hãy cố gắng làm hơn những gì đã đạt được các năm qua và năm 2016. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời, tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế (ngành, vùng, các loại hình sở hữu...) để phát triển theo chiều sâu nhiều hơn, tận dụng được các thuận lợi và thời cơ, chủ động ứng phó với các khó khăn và cả rủi ro mới xuất hiện. Không nên đặt ra các kế hoạch “to lớn” nhưng thực hiện kém có thể gây mất lòng tin.
Như đã nói, Chính phủ kiến tạo liên quan đến xây dựng thể chế theo nghĩa rộng. Chính phủ không kinh doanh bia, sữa mà chăm lo tạo môi trường thuận lợi cho người dân và DN kinh doanh. Ðiều đó đòi hỏi có những hành động kiên quyết và chuẩn bị kỹ lưỡng!