Trưa 2/1, giữa trời nắng gay gắt, dẫn phóng viên Tiền Phong ra ruộng khoai lang nằm ngổn ngang dây, củ ngoài đồng, ông Ngô Hoàng Yến (61 tuổi ở ấp An Lạc, xã An Thạnh Tây Cù Lao Dung) mếu máo nói: “Hôm qua (1/1) thuê nhân công đào lên không ngờ bị sùng hết nên dỡ vài liếp rồi bỏ luôn. Nếu đào hết mà không bán được thì càng lỗ nặng”.
4 tháng trước, ông Yến đầu tư 35 triệu đồng để trồng 0,4 ha khoai lang bí, đến kỳ thu hoạch nhưng khoai bị sùng không bán được. Ông Yến cho rằng khoai bị hỏng là do tưới nước mặn. "Tháng trước mặn tràn vào kênh, nếu không tưới thì khoai chết héo, còn tưới thì không ngờ củ bị sùng", ông Yến than thở.
Gia đình ông Yến sống bằng nghề giăng câu lưới dưới sông để lấy ngắn nuôi dài. Hằng ngày, vợ chồng ông bán cá dành dụm mua phân thuốc đổ vào ruộng khoai lang. Năm trước, thời điểm này giá 700 - 800 nghìn đồng/tạ nhưng năm nay giảm còn 160.000 đồng/tạ, giá thấp lại còn bị thua lỗ do mặn xâm nhập.
“Tôi sống ở đây mấy chục năm nhưng chưa bao giờ thấy cảnh mặn đến sớm như năm nay. Năm 2016 hạn mặn cũng khốc liệt nhưng giáp Tết mới đến cao điểm, khi ấy hoa màu đã bán xong xuôi, có tiền ăn Tết. Không ngờ năm nay cuối tháng 10 âm lịch mặn đã về nên trở tay không kịp. Tối qua vợ chồng tôi không chợp mắt chút nào, mấy tháng trời làm dành dụm đổ vào đây hết, giờ trắng tay. Nếu hôm qua dỡ hết không biết lấy đâu mà trả tiền công, trong khi còn phải trả tiền cọc 2 triệu đồng lại cho thương lái”, ông Yến chia sẻ.
Cùng hoàn cảnh, ông Nguyễn Thanh Vũ ở ấp Phước Hòa A, thị trấn Cù Lao Dung có 0,2 ha khoai lang bị nhiễm mặn, giờ đến ngày thu hoạch nhưng không có ai mua. Ông rầu rĩ nói: "Kêu nhiều thương lái nhưng không ai hỏi mua. Chi phí đầu tư gần 15 triệu, giờ không ai mua không biết lấy đâu trả nợ. Mấy năm nay, cây mía lao đao phải chuyển sang hoa màu nhưng mặn xâm nhập, khó sống quá”.
Trao đổi với phóng viên, ông Đồ Văn Thừa, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Cù Lao Dung cho biết, mặn năm nay thậm chí sớm hơn cả năm đỉnh điểm 2015 - 2016. Mặn đã xâm nhập cách nay 1,5 tháng. ngày 2/1 độ mặn cao nhất trên địa bàn huyện tại xã An Thạnh Nam là 12 phần nghìn, trong khi cùng thời gian này của tháng trước là 18 phần nghìn.
Năm 2019, toàn huyện Cù Lao Dung diện tích sản xuất nông nghiệp là 13.530 ha, trong đó, 5.058 ha trồng hoa màu, mía 3.902 ha, cây ăn trái 3.638 ha, còn lại thủy sản.
Theo ông Thừa, năm nay mặn đến sớm và ngày càng tăng cao nên trong thời gian qua ngành nông nghiệp đã tuyên truyền cho người dân thường xuyên kiểm tra nguồn nước trên kênh, rạch trước khi lấy vào tưới nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do hạn, mặn gây ra.
“Những người chuyển đổi từ mía sang cây khác phần lớn là chủ động được nước tưới từ các giếng khoan, còn những người mới bị thiệt hại do họ chưa chủ động được nước tưới và có phần chủ quan”, ông Thừa chia sẻ.
Còn về lâu dài, ông Thừa cho rằng, địa phương đẩy mạnh đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó chú trọng chọn cây trồng, vật nuôi thích ứng biến đổi khí hậu. Đồng thời, nạo vét, gia cố các cống, đê bao ngăn mặn. “Chúng tôi đang đề xuất phối hợp với các nhà khoa học nghiên cứu để tìm những loại cây, con phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu trong điều kiện thực tế hiện nay", ông Thừa nói.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, mùa mưa năm 2019 trên lưu vực sông Mê Công xuất hiện muộn so với trung bình nhiều năm, dòng chảy về Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) từ đầu mùa khô đến nay giảm nhanh, hiện đang xuống ở mức rất thấp so với trung bình nhiều năm. Xâm nhập mặn ở ĐBSCL xuất hiện sớm hơn so với năm 2015, ở mức gay gắt và sẽ tiếp tục ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh.
Hôm nay, 3/1 tại Bến Tre, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị “Phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, đảm bảo sản xuất nông nghiệp và dân sinh khu vực ĐBSCL mùa khô năm 2019 - 2020” dự kiến do Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì.