TS Nguyễn Thị Bích Yến, nhà báo Thường trú Báo Văn nghệ tại Áo, EU, Liên hiệp quốc tại Vienna, Chuyên gia nghiên cứu chiến lược truyền thông văn hóa và chính trị tại châu Âu tâm sự: “Mỗi dịp Tết đến xuân về, những kí ức, hình ảnh, âm thanh chuẩn bị Tết từ quê nhà lại khiến chúng tôi – những người con xa xứ nhớ người thân, nhớ quê mẹ đến cồn cào”.
TS Bích Yến chia sẻ, năm nào cũng vậy, gần đến Tết Nguyên đán, các Hội đoàn cộng đồng, các Đại sứ quán Việt Nam ở các nước đều tổ chức đón Tết cho bà con. Nhưng năm nay do tình hình dịch bênh COVID-19 diễn biến phức tạp, mọi người phải tự đón Tết ở nhà. Vì thế mà vọng thanh ấy, nỗi nhớ ấy càng nhân lên gấp bội.
Kiều bào đón Tết Việt nơi xứ người, mọi người đều thích thú khi mặc chiếc áo dài trong ngày đầu năm.
“Là một nhà báo, tôi có cơ hội được tiếp xúc với nhiều bà con kiều bào. Qua đó, tôi nhận ra rằng hầu hết họ đều có điểm chung. Đó là nếp văn hóa truyền thống đã ăn sâu vào suy nghĩ của họ. Vậy nên, cho dù cuộc sống ở nước ngoài có khắc nghiệt, có thực tế, có sòng phẳng đến mấy thì nhiều người vẫn giữ được lối sống ân tình, trọng nghĩa, giữ được đạo hiếu biết ơn dòng tộ, tổ tiên. Và Tết là một trong những dịp để bà con thể hiện điều đó, như tự tay chuẩn bị mâm cơm cúng Tổ tiên, tự tay làm những cành đào; tụ hội cùng gói bánh; đón giao thừa; động viên nhau vượt lên trong cuộc sống, công việc nơi xa xứ, hay là dành dụm gửi quà về quê hương biếu gia đình…” – TS Bích Yến trải lòng.
Không khí Tết Việt ngay trên xứ người.
Kiều bào cùng gói bánh chưng ngày Tết.
Tết năm nay, bà con kiều bào Ban dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu thực hiện một số việc như: dựng phóng sự Ngàn năm Tết Việt - là tập hợp các video chuẩn bị đón Tết của bà con kiều bào ở gần 10 quốc gia để trình chiếu trên các kênh truyền thông của Ban dự án, các Đài truyền hình, báo chí ở Việt Nam và kiều bào; Và chấm giải thưởng lì xì cho các video đón Tết phong phú nhất, giải thưởng truyền cảm hứng cho những người cha, người mẹ nơi quê nhà; Thiết kế một tấm thiệp chúc Tết đặc biệt - là tập hợp các lời chúc viết tay của bà con kiều bào và các chuyên gia quốc tế bằng 23 ngôn ngữ, từ 26 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới để gửi chúc Tết đồng bào, kiều bào.
Những chiếc bánh chưng sau khi thành hình.
Năm nay dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, không thể về quê nhà, chị Shurany Hồng bèn tự tay gói bánh chưng, nấu nồi thịt kho, bày dĩa mứt… để gia đình cùng quây quần trước thềm năm mới. Nào đậu xanh, nếp, lá chuối… chị Hồng mất cả buổi hì hục, cuối cùng những chiếc bánh chưng cũng “ngoan ngoãn” nằm yên trên bếp bập bùng; chị còn làm giò thủ, nem chả… đúng truyền thống tết Việt cho gia đình cùng thưởng thức.
“Chồng con mình rất thích các món ăn Việt và có thể ăn được nhiều món. Cộng đồng người Việt ở Israel không nhiều như các nước khác nên để mua được bánh chưng, bánh tét là không dễ dàng. Do đó, mọi người tự mua nguyên liệu về làm là chính” – chị Shurany Hồng tâm sự.
“Đón Tết xa quê cũng buồn, vì vậy tôi dành nhiều công sức để chế biến, nấu nướng những món ăn của quê mình trong ngày Mùng 1 Tết. Các con còn phụ mình trang trí cây quất, cây đào để trưng Tết. Nhờ đó, cả gia đình đều cảm nhận được không khí Tết cổ truyền đã đến thật gần, dù năm nay xa quê” – chị Shurany Hồng trải lòng.
Anh Harry Trần (kiều bào Úc), Giám đốc công ty xúc tiến thương mại đầu tư giữa 2 nước Úc – Việt Nam, Trưởng ban đối ngoại Hội Doanh nhân người Việt tại Sydney chia sẻ, anh đã định cư tại 8 năm ở Úc, trước đó là 6 năm ở Đức. Gần 15 năm bôn ba nơi đất khách, nhưng hễ đến Tết cổ truyền của Việt Nam, anh lại nôn nao, muốn về quê hương để đón đến cùng những người thân yêu.
“Vài năm trở lại đây, cứ mỗi độ Tết đến xuân về, tôi đều đưa vợ và các con về Việt Nam ăn Tết, không chỉ giúp các cháu học thêm tiếng Việt mà còn hiểu thêm về văn hóa và nguồn gốc của mình, cảm nhận được nét đẹp cái Tết trên quê hương” – anh Harry chia sẻ.
Năm nay, ảnh hưởng dịch bệnh, dù không thể đưa gia đình về Việt Nam, nhưng anh Harry vẫn chuẩn bị đầy đủ bánh chưng, hoa mai… để đón Tết Nguyên đán. “Hôm qua, tôi mới đưa cả nhà về ông bà ngoại ăn bữa cơm tất niên. Bà ngoại cũng nấu các món ăn Việt như canh măng, nem chả, bánh trưng… Mùng 1 Tết, chúng tôi sẽ đi chùa cầu bình an cho cả đại gia đình. Tất cả giống như ở Việt Nam mình hay làm trong những ngày Tết” – anh Harry bộc bạch.
Anh Harry Trần (ngoài cùng bên phải) cùng các kiều bào trong ngày họp mặt Tết 2021.
Mỗi năm, Đại sứ quán Việt Nam tại Úc đều tổ chức buổi gặp mặt những người Việt đang làm ăn, sinh sống tại Úc. Một bữa tiệc nho nhỏ với các món ăn quê hương, được gặp lại nhiều bạn bè từ các nơi ở nước Úc đến chung vui dưới mái nhà Sứ Quán mà ai cũng nghẹn ngào, ôn lại những kỷ niệm ngày tết với ước mong được về quê hương để “hít hà” mùi khói bếp, được canh nồi bánh chưng lúc giữa đêm lạnh…
Anh Harry Trần cho rằng, với mỗi người con Việt Nam, dù đi đâu xa, nhưng hễ nghe nhắc đến Tết là lại muốn về nhà, muốn đoàn viên cùng những người thân yêu.
“Tổ quốc mình, chẳng thể nào thay”, năm nay tôi không về được Việt Nam, đành vừa làm việc vừa xem chương trình “Xuân Quê Hương” lúc 1h30 sáng tại Úc mà nhớ nhà, nhớ Tết đến da diết. Những lúc như vậy, mới thấm ý nghĩa câu nói” “Ôi tổ quốc ta, ta yêu như máu thịt, như mẹ cha ta, như vợ như chồng”…” – anh Harry Trần bồi hồi như trải lòng về Tết quê nhà.
Khoe chậu mai vàng đã chúm chím nụ sẽ nở đúng vào mùng 1 Tết, chị Linda Báo (kiều bào Singapore) cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi mua được mai thật để chưng Tết nên vui lắm. Dù năm nay không được về quê hương đón Tết cổ truyền, nhưng tôi vẫn bày biện mâm ngũ quả, trái như hồi ở Việt Nam, để các con cùng mừng năm mới”.
Không chỉ có bánh chưng, dưa kiệu, nhành mai… chị Linda Báo còn tự tay khắc lên quả dưa hấu dòng chữ “Vạn sự như ý”, cầu mong những điều tốt đẹp sẽ đến gia đình và mọi người trong năm mới.
Ở Singapore có rất nhiều mặt hàng của Việt Nam – chị Linda Báo cho biết – do những người Việt buôn bán. Do vậy, khi cần mặt hàng nào, chỉ cần đặt trên mạng là được giao tận nhà. Thấy được những sản vật Việt Nam nơi đất khách càng thấy ấm áp trong lòng.
Chị Linda Báo kể, các con đều mong đợi đến ngày Mùng 1 Tết để được “diện” áo dài, nhận lì xì và gọi điện thoại về Việt Nam để chúc Tết ông bà, cô bác... “Tôi muốn các con biết các phong tục, tập quán tốt đẹp của người Việt Nam, nhất là mỗi dịp Tết đến Xuân về. Cả gia đình sẽ cùng quây quần bên nhau, cùng họp mặt, ăn bữa cơm đoàn viên… Đón Tết xa quê nhưng mình không buồn, vì những giá trị truyền thống tốt đẹp ấy, mình vẫn giữ và lưu lại cho các con cùng thực hiện” – chị Linda Báo bộc bạch.
"Những người con xa xứ của Ban dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu chúng tôi được gửi lời chúc yêu thương nhất đến toàn thể đồng bào, kiều bào, chúc bà con đón Tết mạnh khỏe, hạnh phúc và bình an, cùng đoàn kết động viên nhau vượt qua đại dịch, cùng chung sức, đồng lòng lan tỏa Tết Việt - giá trị văn hóa và phẩm hạnh của dân tộc Việt trên toàn cầu” – TS - Nhà báo Nguyễn Thị Bích Yến gửi gắm.