Rạng sáng 11/10, lũ quét đen sì chồm lên bản Hát; một cô giáo mầm non may mắn vọt lên mô đất cao. Quay lại, cô thấy bốn nếp nhà ở xã Hát Lừu thành bãi đá khổng lồ; suối Huổi Phăn hiền hoà lật ngược dòng một cách hung dữ. Cảnh ấy thấy ở huyện Trạm Tấu của Yên Bái, tỉnh miền núi phía bắc được cho là chuyên cạo rừng để bóc đá xuất khẩu, quyết hoàn thành chỉ tiêu năm sau phải cao hơn năm trước. Sáng 12/10, Yên Bái thống kê 22 người chết và mất tích thì Hoà Bình cấp báo một trận lở đất vùi 18 người.
Nghe uỳnh một phát, rồi tiếng đá, đất rào rào. Nửa quả đồi úp sấp xuống bảy mái nhà, lồ lộ cả vạt đất đá khổng lồ bên trong gần như khô khốc. Cạnh đó là dòng thác Khanh chảy quanh năm suốt tháng mà tỉnh nhà đang tính dùng để kích cầu du lịch. Ngó kỹ, hoá ra cả tảng xanh ngút tầm mắt cao 300m so với mặt nước biển ở xã Phú Cường của huyện Tân Lạc đều là rừng thứ sinh.
“Xét về giá trị sinh học và bảo vệ đất, rừng trồng với các loại cây có độ tàn che tốt đến mấy cũng không thể bằng rừng tự nhiên ngay cả khi chỉ ở dạng nghèo kiệt”, Th.S Phan Đình Nhã, Viện Tư vấn&Phát triển (CODE), nói. Rừng khắp nơi tiếp tục suy thoái bất chấp diện tích che phủ tăng khó nhọc. Hầu như rừng ven sông, suối, trên đất thấp thảy đều bị khai phá để trồng trọt, làm nhà. Những khu còn lại xuống cấp, trữ lượng gỗ thấp, và bị chia thành các đám nhỏ phân tán.
“Sự thật là chúng ta đề cập đến vấn đề rừng từ lâu rồi. Mất rừng, ta mất tất cả”, TS Nguyễn Hữu Ninh, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục&Phát triển Môi trường (CERED), nói. “Tuy nhiên, hầu như không ai quan tâm hoặc có biết nhưng lại không hành động. Hầu hết các nhà vạch chính sách chỉ tập trung phát triển kinh tế và các tổ chức hành chính chỉ hướng đến tập quyền mà thôi”, ông nhận định.
Một số rừng thứ sinh tự nhiên được phục hồi trong khi không ít rừng già bị xâm hại, đốn chặt, khai hoang. Đã thế, phần lớn diện tích tái sinh trồng loại cây mọc nhanh để phục vụ kinh tế, cây lấy gỗ ngắn ngày. Vắng bóng các ưu tiên chống suy thoái và bảo vệ rừng tự nhiên tại các vùng đầu nguồn.
34 năm đã qua kể từ khi “lá thư gửi đời sau” được đặt dưới chân đập thủy điện Hòa Bình khủng nhất Đông Nam Á. Nếu không quyết khôi phục và bảo vệ rừng tự nhiên, thủy điện Hòa Bình chưa chắc sống nổi đến năm 2100 như biểu tượng của một trong 10 đập thuỷ điện lớn nhất thế giới để hậu thế có thể mở lá thư lịch sử. “Chúng ta có nguy cơ thua to, hứng chịu thiệt hại khôn lường do thiên tai bất thường, trong cuộc chơi ở kỷ nguyên biến đổi khí hậu chỉ vì làm nghèo kiệt rừng”, TS Ninh cảnh báo.