Đổi mới, rút ngắn quy trình bầu nhân sự

TPO - Rút kinh nghiệm từ kỳ họp thứ nhất, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cần nghiên cứu cải tiến, đổi mới, rút ngắn một số khâu trong thực hiện quy trình về công tác nhân sự.  
Nghiên cứu cải tiến, đổi mới, rút ngắn một số khâu trong thực hiện quy trình về công tác nhân sự

Báo cáo về việc đánh giá kết quả kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đánh giá: Sau 8 ngày làm việc, với tinh thần đoàn kết, dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm cao, kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV đã kết thúc tốt đẹp, hoàn thành chương trình đề ra. Với những kết quả đạt được, kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV tiếp tục khẳng định tư tưởng cải tiến, đổi mới không ngừng, với tinh thần đoàn kết, sáng tạo và hành động để ngày càng nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động, hoàn thành tốt những nhiệm vụ của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.

Tuyên thệ: khẳng định trách nhiệm, cam kết mạnh mẽ

Việc xem xét, quyết định về tổ chức, nhân sự là nội dung trọng tâm của kỳ họp. Các thông tin liên quan đến nhân sự rõ ràng, được cung cấp kịp thời, tạo cơ sở thuận lợi để Quốc hội xem xét, quyết định. Nhân sự được bầu và phê chuẩn với sự tín nhiệm cao, thể hiện sự đồng thuận, được dư luận xã hội và cử tri quan tâm, ủng hộ; đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực, trình độ...

Các vị đại biểu Quốc hội đã dành thời gian nghiên cứu, trao đổi dân chủ, thể hiện rõ chính kiến, sáng suốt lựa chọn những người xứng đáng đảm nhận các công việc quan trọng; đồng thời kỳ vọng vào bộ máy sau khi được kiện toàn sẽ là nhân tố mới góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển trong bối cảnh nước ta đang hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới như hiện nay.

Sau khi được Quốc hội bầu, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã thực hiện thủ tục tuyên thệ trong không khí trang trọng, nghiêm túc; thông điệp của các nhà lãnh đạo đã khẳng định trách nhiệm, cam kết mạnh mẽ, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ, tạo sự phấn khởi, củng cố lòng tin cũng như kỳ vọng của cử tri và nhân dân vào một nhiệm kỳ mới với tinh thần tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, thực hiện thắng lợi mục tiêu đã đề ra.

Lo ngại ô nhiễm môi trường từ sự cố Formosa

Quốc hội đã dành thời gian thỏa đáng để xem xét, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2015 và những tháng đầu năm 2016. Là kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ nhưng không khí thảo luận sôi nổi, ý kiến phát biểu tâm huyết, chất lượng, thể hiện sự chủ động, trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội, tạo điều kiện cho các vị đại biểu Quốc hội mới dễ dàng tiếp cận và có thêm nhiều kinh nghiệm.

Từ sự cố Formosa, đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại trước tình trạng ô nhiễm môi trường do các công trình, dự án đầu tư, nhất là những công trình, dự án ven sông, ven biển gây ra; đồng thời cũng chỉ ra những điều kiện không thuận lợi như tình hình biến đổi khí hậu, diễn biến phức tạp ở Biển Đông sau phán quyết của Tòa trọng tài thường trực...

Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, rút kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành để có giải pháp sát thực trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội những tháng còn lại của năm 2016, phấn đấu đạt được mục tiêu kế hoạch đã đề ra. Quốc hội lưu ý Chính phủ cần tăng cường chỉ đạo, có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn để khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý thu, chi ngân sách nhà nước, giảm bội chi, bảo đảm an toàn nợ công.

Hồ sơ chức danh nên có chương trình hành động

Bên cạnh kết quả đạt được, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc tổ chức kỳ họp thứ nhất vẫn còn một số hạn chế cần tiếp tục được rút kinh nghiệm:

Trước tiên cần nghiên cứu cải tiến, đổi mới, rút ngắn một số khâu trong thực hiện quy trình về công tác nhân sự. Một số tờ trình (như về cơ cấu tổ chức Chính phủ, về số lượng thành viên Chính phủ) nên có thông tin đầy đủ hơn; trong hồ sơ từng chức danh nên có chương trình hành động trong nhiệm kỳ để tạo điều kiện cho đại biểu Quốc hội tin tưởng, thuyết phục cao hơn trong việc xem xét, quyết định.

Việc bố trí chương trình kỳ họp có phiên họp sử dụng không hết thời gian, nhưng có những nội dung thiếu thời gian thảo luận (như phiên thảo luận về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Chương trình giám sát, kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước).

Việc tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội còn sai sót kỹ thuật trong quá trình đánh máy. Việc cung cấp một số thông tin chưa đáp ứng được yêu cầu của đại biểu Quốc hội, do phải tổ chức nghiên cứu dưới dạng chuyên đề, với nội dung chuyên sâu bao gồm cả vấn đề lý luận và thực tiễn hoặc cần thuê chuyên gia...

Theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, trong thời gian tới cần phát huy hơn nữa vai trò, trí tuệ và trách nhiệm các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội; sự đóng góp của nhân dân, cử tri cả nước trong quá trình chuẩn bị và tiến hành kỳ họp.

Tiếp tục nghiên cứu, đổi mới cách thức chuẩn bị, tiến hành kỳ họp để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của kỳ họp nói riêng và hoạt động của Quốc hội nói chung, nhất là tăng cường tính đối thoại, tranh luận.

Nâng cao hơn nữa chất lượng giám sát, bảo đảm thực chất và hiệu quả; chú trọng hậu giám sát để tạo sự chuyển biến tích cực; tổ chức Đoàn giám sát việc thực hiện các kiến nghị của Quốc hội khóa XIII để tiếp tục kiến nghị lại nếu xét thấy cần thiết...