'Đồi cán bộ', phố 'Trần Dư'

TP - “Đồi cán bộ”, phố “Trần Dư” là những nơi mà báo chí cách đây không lâu giật tít một cách chua cay trước những câu chuyện nhức nhối ở Đắk Nông (xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức) và Kon Tum (đoạn đường Ba Đình). Những cái tên không có thật, ngoài sự hiện hữu của các cán bộ ở đó. Đây cũng là thực trạng mà Tiểu ban nhân sự Đại hội XIII đang rất quan tâm trong khâu chọn lựa cán bộ.

“Đồi cán bộ” với hàm ý cán bộ lãnh đạo một ngành tại Đắk Nông bằng cách nào đó chiếm trọn. Vụ việc sau đó được cơ quan chức năng tỉnh này làm rõ. Còn phố “Trần Dư” lái lại là “trừ dân”, ở đó chỉ có những biệt thự lớn của lãnh đạo. Chuyện này đâu có hiếm ở các địa phương, đặc biệt phản cảm khi nó diễn ra tại các tỉnh nghèo như Đắk Nông hay Kon Tum. Khi ngân sách tỉnh dựa dẫm phần lớn trung ương, bộ máy chính quyền để rừng chảy máu, nhưng cá nhân có quyền nhà cao cửa rộng, xa hoa, sở hữu đồi nọ, núi kia; thử hỏi có xứng đáng trong vai trò lãnh đạo nhiệm kỳ tới? Tất nhiên là không, như Tổng Bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIII của Đảng vừa lưu ý: “Kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc; bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính…”.

Cuối năm ngoái, tỉnh nghèo Đắk Nông công bố kỷ luật 163 đảng viên và 9 tổ chức Đảng. Tỉnh này, có một số cán bộ, nhà gỗ lớn như biệt phủ, các vụ việc lùm xùm liên quan tới ngành y tế vẫn còn đó. Ở Gia Lai cũng có tình trạng, hàng loạt cán bộ đang chờ xử lý với những sai phạm chỉ có thể giải thích do tham lam. Yên Bái cách đây mấy năm cũng xôn xao “biệt phủ quan” to đối lập với ngân sách nghèo của tỉnh. Tất nhiên, nhiều quan tham bây giờ tinh vi hơn nhiều: Không dại gì xây “biệt phủ” lớn để bị lộ giữa dân nghèo. Nhóm này tìm cách tậu bất động sản cho người khác đứng tên tại các khu đô thị lớn, trung tâm kinh tế; tiện đầu cơ tích trữ, lại tránh được tai mắt của dân.

Về thực trạng cán bộ, Tổng Bí thư-Chủ tịch nước cũng đã chỉ rõ: “Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp cao, thiếu gương mẫu, uy tín thấp, phẩm chất, năng lực chưa ngang tầm nhiệm vụ, vi phạm nguyên tắc và quy chế làm việc, nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm”. Phải nói khâu lựa chọn cán bộ ở nhiều địa phương phức tạp. Có nơi, nửa Ban Thường vụ Tỉnh ủy gốc gác cùng quê nên biểu quyết vấn đề gì liên quan công tác nhân sự không đơn giản. Thế mới thấy, trong giai đoạn kiến quốc, từ năm 1946, Hồ Chủ tịch đã đăng tuyển người tài đức công khai trên Báo Cứu quốc. Cách tuyển chọn bí thư huyện ủy mới đây của tỉnh Đắk Lắk tuy được gọi tiên phong nhưng còn thua xa về cách thức nếu so thời điểm hơn 70 năm trước.

Sau khi đăng tuyển cán bộ 1 năm, Hồ Chủ tịch ra mắt tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”. Trong đó, Người nhấn mạnh việc “cán bộ là gốc của mọi công việc”; “Đảng phải nuôi dạy cán bộ như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu”.

Câu chuyện thời gian đầu lập quốc, cho đến trước thềm Đại hội Đảng lần thứ XIII vẫn còn nguyên giá trị. Bài viết “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng” của Trưởng tiểu ban nhân sự thực sự là một tiếng chuông cảnh báo.