Đoạt 50 triệu đồng nhờ mê thú bông len

Từ một bầy 'quái thú' nhồi bông, nữ sinh Ngoại thương đã nung nấu ý tưởng một chiếc xe buýt chở thú bông len đến mọi người.

Đoạt 50 triệu đồng nhờ mê thú bông len

> Chàng 'phù thủy' đồ handmade bằng đất sét
> 9X không bằng đại học vẫn thành ông chủ

Từ một bầy 'quái thú' nhồi bông, nữ sinh Ngoại thương đã nung nấu ý tưởng một chiếc xe buýt chở thú bông len đến mọi người.

Nguyễn Thị Thanh Vy hiện là sinh viên năm 2 ĐH Ngoại thương TP HCM.

Dự án “Amibus - Mở rộng phát triển sản xuất thú len làm hoàn toàn bằng tay” của Nguyễn Thị Thanh Vy, sinh viên năm II, ĐH Ngoại thương TP HCM vừa xuất sắc vượt qua hàng nghìn thí sinh để thắng giải đặt biệt tại cuộc thi Giải thưởng tài năng Lương Văn Can với số tiền thưởng 50 triệu đồng.

Cơ duyên đưa cô nàng từng là học sinh chuyên Toán - Lý trường THPT Nguyễn Hữu Cầu, Hóc Môn đến với thú bông khá ngộ nghĩnh. Năm 2009, khi đang học lớp 9, Vy được chị gái hướng dẫn móc. Trong khi chị gái móc khăn, móc nón thì Vy chỉ biết móc… hình cầu. “Mày mò mãi, mình móc được một bầy thú tròn vo, có ba chân, mình không biết là con gì nên gọi là quái thú”, Vy chia sẻ về những kỷ niệm đầu tiên.

Lên cấp 3, thời gian học chiếm hết ngày nên Vy không móc len nữa. Đến tận khi chờ đợi kết quả thi đại học, có thời gian rảnh rỗi, dọn dẹp nhà cửa thì Vy thấy có đống len rớt ra cùng với mấy con gấu bông. Một ý tưởng chợt lóe lên trong Vy “Tại sao mình không móc thành mấy con gấu bông nhỉ?”.

Thanh Vy bên sản phẩm thú bông tự tay đan bằng len "siêu bự" của mình.

Nghĩ là làm, cô nàng mày mò móc được mấy con thú “siêu dễ thương”. Đến tháng 7/2012, Vy thành lập trang Facebook Vy và đồng bọn để khoe những con mình làm được cho bạn bè, người thân xem chơi. Sau đó Vy mới được biết đây chính là nghệ thuật móc len Amigurumi xuất phát từ Nhật Bản đã phổ biến ở các nước Hàn đới từ lâu.

Càng đi sâu tìm hiểu, Vy càng thấy thú vị vì phát hiện nhiều người có cùng sở thích. Cũng lúc đó, có nhiều người hỏi mua hàng, gợi ý kinh doanh, đặt tên sản phẩm. Và Amibus bắt đầu kinh doanh online thông qua Facebook, từ từ tham gia các hội chợ handmade nổi tiếng của thành phố như SaiGon Flea Market, Saigon Bazzar, chợ phiên Thanh niên ở Nhà văn hóa Thanh Niên diễn ra hằng tháng. Vy giải thích, Amibus là viết tắt của Amigurumi - nghệ thuật móc thú len xuất phát từ Nhật Bản và Bus là chiếc xe buýt chở thú bông len của em đến với khách hàng, chở niềm vui đến cho mọi người.

Những chú Minions cực xinh do Vy tự tay đan len.

“Hữu xạ tự nhiên hương”, dần dần khách hàng ngày một nhiều hơn, có cả những bạn ở các tỉnh xa như Vĩnh Long, Cần Thơ, Hà Nội, Đà Nẵng... Không vội vã ham làm nhiều vì sợ mất uy tín, Vy từng bước phát triển, lắng nghe ý kiến khách hàng để sản phẩm ngày càng hoàn thiện hơn.

Tháng 12 năm ngoái, Vy có chuyến đi đến một giáo xứ ở Đà Lạt. Nơi này có dạy trẻ mồ côi, khuyết tật thực hiện các sản phẩm thủ công. Vy ngỡ ngàng khi chứng kiến những người khuyết tật tỉ mỉ, khéo léo, cẩn thận cho ra các sản phẩm rất có hồn, có tâm.

Cô sinh viên nảy ra ý định giúp họ có việc làm kiếm thêm thu nhập nhờ việc móc thú len, nhưng mà muốn vậy thì phải có các lượng khách hàng bền vững. Vy hẹn với mình sẽ phát triển Amibus để hỗ trợ công việc cho những người như họ. Mà muốn vậy thì có kế hoạch chứ không như thời gian trước làm vì vui, vì yêu thích, không có định hướng phát triển rõ ràng.

Ban đầu kinh doanh, Vy gặp khó khăn trong việc sắp xếp thời gian giữa học, thi, hoạt động câu lạc bộ và cả việc giúp đỡ việc nhà. “Mọi thứ rối tung lên hết khi mà vừa có đơn hàng vừa thi cử, vừa chạy chương trình của câu lạc bộ. Thời gian đó em ngủ rất ít, chừng 3 - 4 tiếng 1 ngày”, Vy nhớ lại.

Chú "thỏ điên" Crazy Rabbit gây sốt trên mạng cũng là đề tài của Vy.

Sau thời kỳ khủng hoảng trong khoảng 1 tháng đó, đến cuối 2012 thì Vy thuyết phục chị gái, người đã “se duyên” cho Vy đến với đan len giúp đỡ. “Mình vừa làm vừa kiếm thêm bạn đồng hành tin cậy, thuyết phục chị gái tham gia hỗ trợ móc sản phẩm, lúc này thì chị ấy quên mất móc thế nào, mình phải hướng dẫn ngược lại cơ”, cô bạn tếu táo.

Sau đó một thời gian thì mọi việc suôn sẻ hơn, Vy biết phân chia thời gian hợp lý và mọi thứ mới đi vào guồng, giúp cô nàng có thể hãnh diện vì mình đã kiếm được tiền từ những thứ mình yêu thích.

Bằng những trải nghiệm thực tế của mình,Vy mang Amibus đến với cuộc thi Giải thưởng tài năng Lương Văn Can. Trải qua hai vòng thi gay go đầy tiên, Vy được lọt vào vòng 3 để đối diện chất vấn với ban giám khảo. Khi nhận được lời nhận xét “Sao em thật thà quá vậy, nhưng em rất thực tế, nó càng làm tăng tính khả thi của dự án của em. Rất có tố chất lãnh đạo, bài thi thuyết phục nhất từ lúc tôi làm giám khảo cuộc thi” từ phía ban giám khảo, Vy vỡ òa hạnh phúc. Từ những góp ý của các thành viên trong ban giám khảo, dự án của Vy được hiện thực hóa với số vốn đầu tư khoảng 40 triệu đồng.

“Quăng” mình vào đam mê, yêu thích, hãy tin vào bản thân, hãy lăn xả nhiều hơn để tìm cho mình những cơ hội, đó chính là phương châm phấn đấu của Vy.

Ảnh: NVCC
Theo Lê Phương
ione

Theo Đăng lại