Doanh nghiệp kiến nghị nhiều chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ

TPO - Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp tư nhân cho rằng, để thúc đẩy lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trong thời gian tới, Chính phủ và các bộ, ngành cần có thêm các cơ chế để thúc đẩy ngành sản xuất ô tô sử dụng năng lượng sạch và ngành công nghiệp phụ trợ, đáp ứng các tiêu chuẩn mới về xanh hoá, bảo vệ môi trường.

Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước ngày 21/9, lãnh đạo các tập đoàn kinh tế tư nhân đã đề xuất nhiều sáng kiến với Chính phủ và các bộ, ngành để chung tay phát triển lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Tại hội nghị, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn VinGroup Phạm Nhật Vượng đề xuất Chính phủ cần có các cơ chế để hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để họ có đủ điều kiện ban đầu tham gia vào chuỗi công nghiệp hỗ trợ. Nếu đẩy mạnh được vấn đề này, Việt Nam sẽ có nền công nghiệp phụ trợ rất mạnh.

Theo ông Vượng, sản lượng của VinFast hiện nay là 80.000 xe/năm, rõ ràng vượt qua ngưỡng mà các doanh nghiệp hỗ trợ có thể kinh doanh có lãi. Chủ tịch Vingroup cũng khẳng định VinFast sẵn sàng cam kết bao tiêu toàn bộ những linh kiện đó. Đây là cơ hội để Việt Nam có thể thúc đẩy nền công nghiệp hỗ trợ và phát triển.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với lãnh đạo các doanh nghiệp lớn tại hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với lãnh đạo các doanh nghiệp lớn tại hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với lãnh đạo các doanh nghiệp lớn tại hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc.

Cùng nêu quan điểm về việc có thêm cơ chế hỗ trợ để phát triển ngành ô tô và công nghiệp hỗ trợ, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO) đưa ra các kiến nghị liên quan đến thúc đẩy ngành sản xuất ô tô sử dụng năng lượng sạch và ngành công nghiệp phụ trợ.

Theo ông Dương, ngành ô tô đang có nhiều thay đổi về công nghệ, đặc biệt ô tô sử dụng năng lượng mới hướng đến xanh, sạch, phù hợp với COP 26 (Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26). THACO hiện đang xây dựng trung tâm sản xuất ô tô cho các hãng xe quốc tế tại Việt Nam và bán ra các khu vực, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á (ASEAN).

Về công nghiệp hỗ trợ, ông Dương cho biết, để đầu tư lĩnh vực này, đòi hỏi về sản lượng lớn và rất nhiều về công nghệ. Theo ông, công nghiệp hỗ trợ hiện đã có trong rất nhiều ngành nghề, và Trường Hải may mắn "đi sớm" vào lĩnh vực cơ khí.

Chúng tôi đang triển khai tiếp khu công nghiệp sản xuất về cơ khí công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam. Bởi hiện nay, các dự án FDI đưa sang Việt Nam lắp ráp và chuyển về rất nhiều, trong số đó, chúng ta sản xuất từ 35-40% các chi tiết linh kiện, phụ tùng…", ông Trần Bá Dương thông tin.

Ông cũng cho biết, tập đoàn ưu tiên cho phát triển công nghiệp hỗ trợ để giảm giá thành ô tô, bao gồm khung thân vỏ, nội ngoại thất, đặc biệt là các thiết bị điện tử và nền tảng số về thông minh, an toàn. "Xe với giá dưới 700 triệu đồng, tỷ trọng bán là chủ yếu. Như vậy nếu tính về giá trị thị trường, giảm đến 50%. Đối diện với mức giảm như thế, kế hoạch chiến lược đầu tư về công nghiệp hỗ trợ và năng lượng mới sẽ gặp những khó khăn nhất định", ông Dương cho hay.

Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải.

Theo ông Dương, hiện THACO đang đầu tư 7 nhà máy và năm 2025 tới sẽ thêm 3 nhà máy, nâng tỉ lệ nội địa hóa xe du lịch lên 45%. Với xu hướng xe xanh là tất yếu, ông cho rằng cần có lộ trình và thời gian đầu tư cho hạ tầng, gia tăng an toàn, chất lượng, sự tiện dụng trong sử dụng.

Phân tích những yếu tố để phát triển công nghiệp hỗ trợ, Chủ tịch THACO cho rằng, để đầu tư đòi hỏi sản lượng và công nghệ. Với lợi thế triển khai sản xuất cơ khí từ sớm, xuất khẩu được gần 140 triệu USD trong năm nay nhưng thời gian qua doanh nghiệp “rất vất vả” để phòng vệ thương mại, kiểm soát kỹ các hàm lượng, đặc biệt nguyên vật liệu và linh kiện phụ trợ từ Trung Quốc.

Với dự định tăng gấp đôi sản lượng về công nghiệp hỗ trợ trong năm tới, Chủ tịch THACO Trần Bá Dương tiết lộ đang triển khai khu công nghiệp sản xuất cơ khí công nghiệp hỗ trợ tại miền Nam. Việc này nhằm tận dụng lợi thế các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tư, lắp ráp các dây chuyền mới, để sản xuất, cung ứng từ 35-40% các chi tiết, linh kiện phụ tùng.

Theo đó, Chủ tịch THACO cho rằng công nghiệp hỗ trợ chưa có chiến lược rõ ràng. Lĩnh vực cơ khí đi sâu vào đời sống công nghiệp, mang tính lan tỏa, nên Chính phủ cần xem đây là cơ hội để phát triển công nghiệp nền tảng của Việt Nam cũng như xuất khẩu để có chính sách hỗ trợ. “Năm 2024, THACO đã bán linh kiện phụ tùng ô tô cho các nhà sản xuất ô tô trong nước như: Hyundai, Ford, Toyota, Isuzu, mang về doanh thu là 13 triệu USD, dự kiến gia tăng doanh thu trong năm tiếp theo”, ông Dương cho biết.

Cần chính sách đặc thù để nuôi dưỡng doanh nghiệp

Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long nhìn nhận, để doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn nữa, cần tích cực tháo gỡ về thể chế chính sách, tạo dựng môi trường kinh doanh ngày càng tốt hơn cho doanh nghiệp. Về phát triển công nghiệp hỗ trợ, ông Trần Đình Long mong Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, ngành có các chính sách cụ thể, rõ ràng ủng hộ, bảo hộ sản xuất trong nước trên cơ sở phù hợp các thông lệ quốc tế, có các chính sách đặc thù để nuôi dưỡng, phát triển các doanh nghiệp lớn.

Long kiến nghị Chính phủ cần đẩy nhanh tiến độ phát triển các mỏ sắt trong nước để giảm chi phí nhập khẩu quặng sắt cho doanh nghiệp, cụ thể là cần thiết đưa mỏ sắt Quý Xa (Lào Cai) vào hoạt động. Chủ tịch Hòa Phát cũng bày tỏ, về vấn đề kỹ thuật, Hòa Phát đủ năng lực để sản xuất thép cho đường ray các đường sắt tốc độ cao.