Chiều 21/5, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức buổi họp trực tuyến đối thoại với hơn 300 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp để bàn về các viện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 và duy trì sản xuất kinh doanh.
Dự buổi họp có bà Hoàng Thị Thúy Lan - Bí thư Tỉnh ủy, ông Lê Duy Thành - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các ban ngành liên quan và sự tham gia của đại diện hơn 300 doanh nghiệp tại các điểm trực tuyến.
Có thể thấy, trước tình hình dịch bệnh còn phức tạp, tỉnh Vĩnh Phúc đã chủ động tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe nhân dân, đảm bảo môi trường an toàn cho phát triển kinh tế, duy trì ổn định, không để “đứt gãy” chuỗi sản xuất kinh doanh, giảm thiệt hại cho doanh nghiệp.
Mặc dù vậy, do số lượng lao động ngoại tỉnh làm việc trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh lớn, khoảng 12.000 công nhân, nhiều lao động đến từ các Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên nơi đang có tình hình dịch diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có mối quan hệ đối tác sản xuất, kinh doanh khá mật thiết với các doanh nghiệp tại các địa bàn trên. Do vậy, nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh vào các doanh nghiệp luôn thường trực, cần có những giải pháp phòng ngừa quyết liệt, mạnh mẽ hơn.
Nhân dịp này, các doanh nghiệp đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm, có các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp mạnh mẽ hơn để ổn định sản xuất, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng nguồn nguyên liệu; hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tuyển dụng lao động; đi lại làm việc của các chuyên gia, người nước ngoài; lưu thông, vận chuyển hàng hóa giữa Vĩnh Phúc với các tỉnh, thành, nhất là với các địa phương có dịch bệnh.
Song song, các doanh nghiệp mong muốn, Vĩnh Phúc sớm triển khai tiêm vắc xin miễn phí cho toàn dân; có các hướng dẫn cụ thể trong việc thực hiện cách lý y tế đối với các chuyên gia; Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sử dụng xe đưa đón công nhân lao động ngoại tỉnh hoặc có các giải pháp hỗ trợ cụ thể giúp các doanh nghiệp khắc phục được tình trạng thiếu lao động khi tỉnh dừng việc thực hiện di chuyển lao động từ các địa phương.
Doanh nghiệp an toàn thì toàn tỉnh và cả nước an toàn
Tại buổi đối thoại, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc tiếp nhận hàng chục ý kiến, phản ánh và đề nghị của doanh nghiệp liên quan đến đảm bảo nhu cầu người lao động bị thiếu hụt, việc di chuyển của các chuyên gia, và xe đưa đón công nhân, giải quyết việc lưu thông hàng hóa với các địa phương để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng nguồn nguyên liệu… Đặc biệt, mong muốn của các doanh nghiệp hiện nay là sớm triển khai tiêm vắc xin miễn phí cho toàn dân để đảm bảo an toàn khi triển khai các kế hoạch lao động sản xuất.
Sau khi lắng nghe tất cả các ý kiến của doanh nghiệp, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan nhấn mạnh “để có một buổi đối thoại an toàn như hôm nay là nhờ sự chấp hành của người dân và doanh nghiệp với các quy định của UBND tỉnh khi công nhân các khu công nghiệp đều âm tính với SARS-CoV-2”.
Người đứng đầu Tỉnh ủy Vĩnh Phúc khẳng định: “Sức khỏe của người dân, người lao động phải ưu tiên đặt lên hàng đầu”.
Về vướng mắc trong việc đi lại của các chuyên gia, tỉnh đã có phương án yêu cầu doanh nghiệp phải cam kết các chuyên gia lưu trú tại Hà Nội phải có kết quả âm tính sau 3 ngày thì được di chuyển ra vào Vĩnh Phúc.
Đối với các chuyên gia lưu trú tại tỉnh, Vĩnh Phúc sẽ bố trí khách sạn và hỗ trợ giá, chất lượng dịch vụ phù hợp nhất. Riêng các chuyên gia ngoài địa bàn Hà Nội bà Lan đề nghị phải ở lại tỉnh Vĩnh Phúc và thực hiện nghiêm việc kiểm soát dịch bệnh.
Đề cập đến an toàn đối với nguồn nhân lực lao động, bà Lan khẳng định “với người lao động quê ở vùng dịch như Bắc Giang, Bắc Ninh… bắt buộc phải ở lại tỉnh nếu muốn tiếp tục làm việc tại các khu công nghiệp”. Ngoài ra, các lao động ngoài vùng dịch (địa bàn không có dịch), tỉnh sẽ sắp xếp có chỗ ở miễn phí với các trường hợp này để đảm bảo nguồn nhân lực đang thiếu hụt.
Ngoài ra, tỉnh đề nghị các lái xe, người đi cùng phải có kết quả âm tính trong 3 ngày thì mới được phép ra vào khu công nghiệp. Các xe phải được phun khử khuẩn, đảm bảo các biện pháp an toàn.
“Đề nghị các doanh nghiệp đồng thuận, ủng hộ tuyệt đối chủ trương của tỉnh, các doanh nghiệp phải có kế hoạch chống dịch cho từng đơn vị với mục tiêu hãy tự bảo vệ mình trước và tỉnh sẽ có biện pháp để kiểm soát việc này. Doanh nghiệp an toàn thì toàn tỉnh và cả nước an toàn”, bà Lan nói.