Do đâu Mỹ dội bom nhầm khiến 62 lính Syria thiệt mạng?

Cuộc không kích nhầm của Mỹ đã khiến quân đội Syria ở Deir Ezzor thiệt hại nặng, tạo lợi thế chiến thuật cho phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS).
Một chiếc tiêm kích F-16 ném bom tấn công mục tiêu mặt đất.

Hôm 17/9, liên quân do Mỹ dẫn đầu đã không kích vào quân đội Syria làm 62 binh sĩ thiệt mạng và 100 người khác bị thương. Đây được coi là một sai lầm tai hại của liên quân, có thể ảnh hưởng tới lệnh ngừng bắn mong manh vừa được thực hiện ở Syria, cũng như nỗ lực chung nhằm tiêu diệt IS, theo WarIsboring.

Theo nguồn tin từ quân đội Nga, khoảng 17 giờ ngày 17/9, hai cường kích A-10 Warthog, một máy bay không người lái và hai tiêm kích F-16 xuất phát từ Iraq bắt đầu tấn công quân đội Syria ở một địa điểm cách sân bay Deir Ezzor khoảng 6 km về phía nam. Bộ Quốc phòng Australia cho biết các chiến đấu cơ nước này cũng tham gia vào đợt không kích.

Báo DW của Đức dẫn nguồn tin từ Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria ở Anh cho hay tiêm kích, cường kích liên quân liên tục bắn phá, dội bom vào các vị trí của quân đội Syria trong suốt 40 phút, phá hủy một số xe tăng, xe quân sự, 4 súng cối và một pháo phòng không.

Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ phụ trách giám sát các chiến dịch không kích ở Iraq và Syria cho biết họ đã thông báo trước cho phía Nga về cuộc tấn công, và Nga lúc đó không phản đối.

"Các lực lượng liên quân tin rằng họ đang tấn công một cứ điểm của IS mà họ đã theo dõi suốt một thời gian dài", tuyên bố của Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ cho hay.

Phía Nga sau đó liên lạc với các đối tác Mỹ, yêu cầu dừng cuộc không kích nhưng đã quá muộn. Các chiến đấu cơ liên quân đã sát hại hàng chục quân nhân Syria không nơi trú ẩn trên sa mạc.

Chuyên gia quân sự Robert Beckhusen cho biết tiền đồn bị không kích của quân đội Syria ở Deir Ezzor là một vị trí rất quan trọng ở miền đông Syria vì nó án ngữ các tuyến đường tiếp tế nối liền từ sào huyệt Raqqa của IS ở Syria sang Iraq

Deir Ezzor không phải là nơi xa lạ với quân đội Mỹ, bởi đặc nhiệm nước này từng đột kích và tiêu diệt trùm tài chính IS Abu Sayyaf tại đây vào tháng 5/2015. Điều đó đã dẫn tới những đồn đoán, cáo buộc rằng Mỹ đã cố tình dội bom vào vị trí của quân đội Syria.

Quân đội Syria gọi cuộc tấn công này là một "hành vi gây hấn nghiêm trọng và trắng trợn" và là một "bằng chứng có thể kết luận" rằng Mỹ và đồng minh đang hỗ trợ phiến quân IS.

Đại sứ Syria tại Liên Hợp Quốc Bashar Ja’afari hôm qua cho rằng cuộc không kích này "không phải là sai lầm mang tính kỹ thuật của Mỹ", mà là hành động cố ý nhằm "hủy hoại lệnh ngừng bắn".

Sai lầm của công nghệ

Nhiều chuyên gia quân sự cho rằng cuộc không kích này chỉ là một sai lầm của không quân Mỹ và liên quân, do phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ trinh sát từ trên cao.

Mỹ không có lực lượng bộ binh hoạt động ở gần Deir Ezzor để phát hiện và chỉ thị mục tiêu từ mặt đất, do đó họ phải phụ thuộc hoàn toàn vào các dữ liệu do máy bay không người lái thu thập được.

Theo Beckhusen, Mỹ đã tiến hành hơn 11.500 cuộc không kích ở Iraq và Syria trong hai năm qua, nhưng luôn gặp khó khăn trong xác định các mục tiêu trước khi ném bom, và đã nhiều lần phạm sai lầm khiến dân thường thiệt mạng.

Chuyên gia này cho rằng cuộc không kích nhầm trên là cái giá mà liên quân do Mỹ dẫn đầu phải trả do phụ thuộc quá nhiều vào các máy bay không người lái (UAV) để dẫn đường và chỉ thị mục tiêu cho chiến đấu cơ ở khu vực rộng lớn.

UAV thường không có độ tin cậy bằng bộ binh dưới mặt đất. Ngồi trước thiết bị điều khiển từ xa ở căn cứ không quân Creech, bang Nevada cách xa hàng nghìn km, các nhân viên điều khiển UAV Mỹ luôn phải căng mắt để phát hiện mục tiêu qua camera có tầm quan sát hạn chế, nhiều khi bị nhiễu bởi các đám mây. Việc họ khó có thể phân biệt được mục tiêu trên một chiến trường phức tạp như Syria, với rất nhiều bên tham chiến khác nhau, là điều có thể hiểu được.

Tuy nhiên, sai lầm này của Mỹ chắc chắn sẽ khiến tình hình Syria vốn đã phức tạp càng thêm rắc rối, Aaron David Miller, một chuyên gia phân tích tình hình Trung Đông ở Trung tâm Wilson, cho biết.

"Các cuộc không kích này sẽ củng cố thuyết âm mưu rằng Washington đang đứng về phía IS cũng như là cái cớ để Tổng thống Syria Bashar al-Assad không tuân thủ các cam kết theo thỏa thuận ngừng bắn, đồng thời tạo cơ hội cho Nga công kích Mỹ trước cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York trong tuần này", Miller nhấn mạnh.

Theo Theo Vnexpress