Tết này, không xảy ra tai nạn nghiêm trọng từ các phương tiện chở khách nhưng vẫn có hàng chục người bị cướp đi mạng sống mỗi ngày. Tai nạn chủ yếu xảy ra với xe máy ở các đường liên thôn, liên xã do tình trạng uống rượu bia, không đội mũ bảo hiểm, chở 3 - 4 người ở nông thôn diễn ra tràn lan.
Bất chấp tính mạng
Đến thời điểm này, có thể nói, Tết Giáp Ngọ trôi qua với tình hình đi lại dễ thở hơn. Xe khách bớt nhồi nhét; nhà tàu thừa vé; hàng không giảm giá, khuyến mãi ngay trong cao điểm Tết. Tuy nhiên, tình hình tai nạn giao thông vẫn nóng lên từng ngày.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, đặc thù của Tết Giáp Ngọ là không xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng với các phương tiện chở khách mà chủ yếu xảy ra với xe máy tại khu vực nông thôn.
“Tình trạng thanh niên uống rượu bia, không đội mũ bảo hiểm đèo 3-4 diễn ra tràn lan ở nông thôn. Dù có sự chuẩn bị trước, chỉ đạo nhưng ở khu vực nông thôn vẫn có dấu hiệu buông lỏng. Riêng Hà Nội, giảm hơn 30% ở cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và bị thương) nhưng 90% số vụ tai nạn xảy ra ở khu vực ngoại thành như huyện Phúc Thọ, Thường Tín”, ông Hiệp nói.
Trong buổi làm việc với Bộ trưởng GTVT, Phó chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Đinh La Thăng ngày 3/2, PGS - TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cũng nhấn mạnh đến tình trạng tai nạn giao thông gia tăng ở khu vực nông thôn. Theo ông Quyết, tại Bệnh viện Việt Đức trong 749 ca nhập viện trong 5 ngày liên tục có 409 ca do tai nạn giao thông. Hầu hết các ca bệnh nặng (277 trường hợp phải mổ) đều liên quan đến xe máy ở khu vực nông thôn, đường liên thôn, liên xã.
Trao đổi thêm với PV Tiền Phong, ông Quyết đưa ra một con số đáng lo ngại, trong 277 trường hợp trên có 100 trường hợp không đội mũ bảo hiểm; số còn lại, có đội nhưng mũ bảo hiểm không bảo vệ hoàn toàn được não bộ khi tai nạn xảy ra. “Vấn đề đặt ra của tai nạn giao thông Tết năm nay là ý thức tham gia tại khu vực nông thôn”, ông Quyết nói.
Nông thôn bị quên đến bao giờ?
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, qua đợt Tết này đặt ra nhiều kinh nghiệm để cải thiện tình hình giao thông dịp Tết những năm sau như kiến nghị với Chính phủ xem xét kéo dài ngày nghỉ như đã áp dụng cho năm nay để giảm áp lực cho hành khách, công bố số đường dây nóng trong cả ngày thường để người dân tham gia giám sát.
Trước mắt, để ngăn chặn việc gia tăng tai nạn sau Tết khi lượng phương tiện tham gia giao thông tăng cao, mùa lễ hội xuân bắt đầu, Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ ban hành công điện yêu cầu các ngành, địa phương tăng cường các biện pháp tuần tra kiểm soát vi phạm và xử lý khi tai nạn xảy ra.
Nạn nhân Bùi Văn Thái, 25 tuổi, quê Vĩnh Lộc, Thanh Hóa nhập Bệnh viện Việt Đức chiều 4 Tết. ảnh: Sỹ Lực
Với tình trạng gia tăng tai nạn giao thông nông thôn do rượu bia và ý thức tham gia giao thông chưa cao là vấn đề không mới nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Để giải quyết vấn đề này, ông Hiệp cho rằng ngoài việc tuyên truyền, lâu dài cần những biện pháp mạnh hơn trong quản lý.
Theo ông Nguyễn Văn Thuấn, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, Bộ GTVT, với địa bàn rộng như nông thôn, chỉ trông chờ vào lực lượng công an chuyên nghiệp là không đủ; thời gian tới cần tăng cường thẩm quyền cho lực lượng công an xã trong việc phát hiện, xử lý vi phạm giao thông.
Dưới góc độ người quản lý bệnh viện chuyên chữa trị cho các ca tai nạn giao thông hiểm nghèo, đặc biệt là chấn thương sọ não, PGS - TS Nguyễn Tiến Quyết cho rằng, loại mũ bảo hiểm che phủ nửa đầu lỏng lẻo, không đủ để bảo vệ được bộ não. Ông Quyết đề nghị chỉ cho duy trì duy nhất loại mũ bảo hiểm che phủ toàn bộ đầu người.
Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, trong 6 ngày Tết (từ 28 đến mùng 3), số người chết mỗi ngày là 27 người, bằng trung bình chung toàn năm 2013. Tuy nhiên, bước sang ngày 3/2 (tức mùng 4 Tết) có biến động lớn khi số người chết tăng lên 49 người. Ngày 4/2 (mùng 5 Tết), số người chết là 41 người.