Dịp nghỉ lễ: Nạn ẩu đả gia tăng

TP - Ghi nhận tại các bệnh viện ở TPHCM những ngày nghỉ lễ vừa qua cho thấy số ca đả thương nhập viện tăng cao, lên tới hơn 300.
Hơn 300 người nhập viện vì ẩu đả tại TPHCM (Trong ảnh: Bệnh nhân được điều trị tại Khoa cấp cứu BV Chợ Rẫy). Ảnh: Lê Nguyễn

Sau 3 ngày nhập viện điều trị, hôm qua 3/5, Hà Gia P. 16 tuổi, học sinh lớp 10 Trường THPT Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TPHCM được bệnh viện 115 cho xuất viện về nhà. Trước đó, khuya 30/4, P. xin mẹ đi xem bắn pháo hoa với nhóm bạn. Do một trong số nhóm bạn của P. có mâu thuẫn từ trước với một nhóm thanh niên khác nên khi gặp nhau hai bên xảy ra xô xát. P. bất ngờ bị một thanh niên không quen biết dùng dao đâm thấu bụng và một nhát ở vai trái phải vào bệnh viện cấp cứu.

P. chỉ là một trong vô số những thanh niên nhập viện do ẩu đả trong những ngày lễ vừa qua. Bác sĩ Trần Quang Hiển - Khoa cấp cứu, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM cho biết trong 4 ngày lễ, từ 28/4 đến 1/5 nơi đây tiếp nhận hơn 500 ca tai nạn giao thông và hàng chục trường hợp bị thương ở tay, chân do các vết chém bằng dao để lại. “Có trường hợp bệnh nhân bị chém gần đứt lìa tay”- bác sĩ Hiển nói.

Chiều 1/5, Nguyễn Văn S, 29 tuổi ở Tân Uyên, Bình Dương cùng nhóm bạn về TP Thủ Dầu Một chơi. Trong lúc ngồi nhậu thì S. trêu ghẹo một cô gái ngồi bàn đối diện. “Nóng máu” vì bạn gái bị người khác trêu chọc, sẵn có hơi men trong người, một thanh niên ngồi ban bên cạnh cầm chai bia quất mạnh vào tay của S. khiến tay S. bị đứt. Sau khi được bạn đưa vào cấp cứu ở Bệnh viện đa khoa Bình Dương, S. được chuyển về Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình để nối lại mạch máu và một phần bàn tay bị đứt.

Bác sĩ Phan Dzư Lê Thắng - Khoa Vi phẫu, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM cho biết vừa phẫu thuật nối lại hai ngón tay trái gần đứt lìa cho bệnh nhân Trần G.B. 25 tuổi ở Long An. Theo bác sĩ Thắng, B. cho biết do ghen tuông với bạn gái trong dịp đi chơi lễ 30/4, B. dùng dao chặt tay sau đó được bạn gái đưa vào sơ cứu ở bệnh viện tỉnh trước khi chuyển lên đây nối lại.

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, theo khoa Cấp cứu của bệnh viện này, trong ngày 28/4 đến 30/4 nơi đây cấp cứu 50 trường hợp dùng dao, mã tấu đâm chém nhau nhập viện, đối tượng chủ yếu là thanh thiếu niên.

Ngồi bên giường bệnh, bà Hồ Thị Di, mẹ của nạn nhân Vương V.V, 23 tuổi ở Tiền Giang cho biết, tối 30/4, V. nói đi chơi với đám bạn. “2 tiếng sau, đứa cháu chạy về báo tin vào bệnh viện Mỹ Tho vì V. đang cấp cứu ở đó. Tôi đến nơi mới biết, con trai can ngăn hai nhóm bạn đánh nhau và bị đâm trúng ngực”, bà Di kể lại. Sau khi chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị, V. được các bác sĩ phẫu thuật nên đã qua nguy kịch, tuy nhiên theo các bác sĩ do vết đâm sâu nên cần phải theo dõi thêm.

Đâm chém lúc ăn nhậu

Sau 10 giờ đêm các khoa cấp cứu gần như làm việc hết công suất. Ngoài tiếp nhận các ca tai nạn do giao thông, sinh hoạt số còn lại từ những cuộc ẩu đả, đâm chém trong lúc ăn nhậu. Dù số ca nhập viện do đánh nhau có tăng lên so với ngày thường nhưng theo nhìn nhận của bác sĩ Trần Văn Song- Khoa cấp cứu, Bệnh viện Nhân dân 115 TPHCM, chưa ghi nhận ca tử vong. “Các trường hợp nhập viện đánh nhau chủ yếu là thanh niên, nguyên nhân phần lớn do mâu thuẫn sau khi có rượu bia. Nhiều người nhập viện do bị đâm ở vai, tay, có trường hợp bị đập chai bia vào đầu gây thương tích”- bác sĩ Song cho hay.

Nhìn nhận về sự gia tăng các chấn thương do đâm chém vào viện, bác sĩ Phan Dzư Lê Thắng cho rằng hầu hết các trường hợp mà ông phẫu thuật đều là thanh niên. “Chúng tôi thấy thanh niên hiện nay có tính khí rất hung hăng, họ lao vào nhau gần như tức thì mỗi khi có mâu thuẫn dù là nhỏ nhất. Tôi thấy có những lỗ hổng trong giáo dục từ gia đình đến nhà trường”, bác sĩ Thắng nhận định.

Trong khi đó, GS Vũ Gia Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng Văn hóa du lịch, nhìn nhận bạo lực hiện nay là do con người ít chịu kìm nén những vấn đề của xã hội và thường “bung” ra để giải quyết mâu thuẫn với nhiều mối quan hệ bằng mọi giá, từ áp đặt đến khống chế và cuối cùng là đâm chém, giết người.

“Dường như một bộ phận người trẻ đang “hụt” kỹ năng ứng xử, thiếu kỹ năng xử lý tình huống nên nhiều khi có những va chạm nhỏ nhặt, vấn đề cũng được đẩy lên đến xung đột bạo lực”, GS Vũ Gia Hiền nói. Theo ông Hiền, nhà trường và gia đình “không thể dạy cho con cái những thứ giáo điều mà cần dạy cho lớp trẻ những kỹ năng xử lý tình huống trong mọi hoàn cảnh”...    

Theo báo cáo nhanh của Sở Y tế TPHCM về tình hình công tác y tế dịp nghỉ lễ từ ngày 28/4 đến 2/5 cho thấy số người cấp cứu, tai nạn là 13.010 ca. Gồm 1.472 ca tai nạn giao thông, 1.565 ca tai nạn sinh hoạt, 303 ca đả thương, 27 ca ngộ độc và còn lại cấp cứu do nguyên nhân khác. Các ngày có số tai nạn giao thông, đả thương tăng cao là 30/4 và 1/5.             

 Quốc Ngọc