Đinh Hoài Xuân xinh đẹp trong vai trò đại sứ cho… sách về Beethoven

TPO - Trong không khí toàn thế giới kỷ niệm 250 năm ngày sinh của nhà soạn nhạc thiên tài Ludwig van Beethoven (1770-1827) với nhiều hoạt động ý nghĩa diễn ra khắp mọi nơi. Ở Việt Nam, cuốn Beethoven: âm nhạc và cuộc đời của nhà âm nhạc học người Mỹ Lewis Lockwood vừa ra mắt. Đặc biệt cuốn sách có đại sứ hình ảnh là nghệ sĩ cello Đinh Hoài Xuân.

Được mời làm đại sứ cho cuốn sách công phu Beethoven- Âm nhạc và cuộc đời, cảm xúc của bạn thế nào?

Xuân cảm thấy mình may mắn và vinh dự khi trở thành đại sứ cho cuốn sách phát hành lần đầu ở Vietnam, dày gần 800 trang. Đó là niềm vui khi biết mình cũng sẽ góp phần nhỏ trong việc lan toả âm nhạc cổ điển qua cuốn sách đến các độc giả yêu nhạc cổ điển, bởi đơn giản âm nhạc cần cho tất cả mọi chúng ta, khiến tâm hồn chúng ta đẹp đẽ và bao dung hơn. Cuốn sách dành cho mọi lứa tuổi và không chỉ những người yêu âm nhạc cổ điển. Nó còn đậm tính nhân văn, cổ vũ tinh thần vươn lên vượt qua rào cản nghịch cảnh của cuộc đời để đạt được thành tựu trong đời.

Đinh Hoài Xuân và cuốn sách Beethoven Âm nhạc và cuộc đời

Phần nào của cuốn sách hấp dẫn bạn nhất?

Sách có nhiều đoạn hấp dẫn lắm, nhưng chương 5 nói về bệnh điếc của đại thiên tài giai đoạn 1798-1802 , thực sự khiến tôi rung cảm. Đó là sự thiệt thòi đau khổ cả thể xác lẫn tinh thần của nhạc sĩ. Ông luôn thấy tiếng vo ve trong đầu, những ai nói nhỏ nhẹ đều khiến ông gần như không nghe được, hay đến khi gần điếc hẳn ông chỉ biết tác phẩm mình đã thành công khi nhìn thấy toàn bộ khán giả đứng dậy vỗ tay mà không hề nghe được gì mấy khi tác phẩm của mình được vang lên...

Đã có nhiều sách về thiên tài soạn nhạc này. Vậy ở cuốn này có chi tiết nào trong chưa từng được công bố trước đây?

Nếu so với các sách đã phát hành ở Việt Nam về Beethoven thì công trình này có nhiều chi tiết chưa được công bố. Với khả năng nhận biết còn ít ỏi của mình về nội dung các cuốn sách khác đã phát hành tôi có thể ví dụ như các bức thư Beethoven viết cho nhà bảo trợ, viết cho một bé gái, viết cho một người bạn với nội dung đầy đủ. Hay chi tiết thi hài của ông sau khi mất 1827 lúc đầu đặt ở gần nghĩa trang thủ đô, sau đó mới được di dời vào trung tâm thủ đô Viên của nước Áo.

Bạn đã nhận được phản hồi nào của độc giả về cuốn sách?

Nhiều bạn đọc mua sách ngay khi sách phát hành và đã chia sẻ khá nhiều với Xuân. Đến nay lượng độc giả vẫn đăng ký sách tăng đều. Cho thấy mức độ lan toả của sách bắt đầu được nhân lên. Đa số mọi người đều thích cuốn sách này về cả hình thức lẫn nội dung. Một số thấy có cảm hứng hơn cho công việc và cuộc sống. Một số kết hợp đọc sách và nghe nhạc,  khi đọc đến chương có tác phẩm nào thì mở tác phẩm đó ra nghe. Một số phản ánh, sách mang tính triết lý và đọc phần phân tích tác phẩm hơi khó hiểu một chút. Cũng còn nhiều ý kiến khác nữa nhưng trên cả là mọi người thích cuốn sách cộng với tinh thần ngưỡng mộ một đại thiên tài vượt lên nghịch cảnh trong cuộc sống, để lại cho hậu thế nhiều kiệt tác.

Riêng bạn có định làm gì khác để tôn vinh Beethoven trong dịp này?

Công việc đại sứ của Xuân thì ngoài làm công tác lan toả qua các buổi giới thiệu sách đến độc giả bằng hình ảnh, video clip, viết lời tựa... thì Xuân còn đến một vài trường học và một số điểm công cộng để giới thiệu âm nhạc Beethoven và biểu diễn tại đó. Cũng khá nhiều việc đấy.

Được mời vào một cương vị hiếm gặp ở tuổi đời còn trẻ, bạn có thấy mình đặc biệt?

Xuân nghĩ rằng bất kỳ ai theo đuổi nghiệp âm nhạc cổ điển tại Viêt Nam đều là một đại sứ cho âm nhạc cổ điển.  Các nghệ sĩ lão thành khác với sự đóng góp cho nền âm nhạc cổ điển Vietnam nói riêng và trên thế giới nói chung thì nghiễm nhiên là các đại sứ xuất sắc trong lĩnh vực này.

Bản thân tôi thấy mình may mắn và vinh dự khi được mời làm đại sứ cho cuốn sách này. Đây cũng là một hình thức sáng tạo mới góp phần lan toả âm nhạc cổ điển gần gũi với đông đảo khán thính giả cũng như các độc giả.