Điều chỉnh quy hoạch đất đai 'nơi nào cũng hợp lý' nhưng cứ sờ vào lại có vi phạm

TPO - Theo đại biểu Quốc hội Siu Hương (Gia Lai), thực tiễn cho thấy, việc điều chỉnh quy hoạch, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai diễn ra nhiều nơi, nơi nào cũng nói "hợp lý, có cơ sở" nhưng khi cơ quan chức năng vào cuộc lại có vi phạm.

Ngày 30/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành". Đại biểu (ĐB) Trần Việt Anh (Hà Nội) cho biết, theo báo cáo, việc điều chỉnh quy hoạch được kiểm soát “ngày càng chặt chẽ”. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế và phản ánh từ cơ sở thì các dự án, đặc biệt các dự án đô thị được điều chỉnh quy hoạch phát sinh rất nhiều bất cập.

Đại biểu Quốc hội Siu Hương (Gia Lai). Ảnh Như Ý

Thông thường chúng ta chỉ nhận thấy ngay lập tức các áp lực của sự gia tăng về giao thông đô thị cho khu vực, nhưng áp lực lớn nhất được đặt lên chính quyền địa phương tại khu vực đó là về an ninh, y tế, giáo dục hay thiết chế văn hóa, hạ tầng xã hội. Có những dự án sau điều chỉnh dân số tăng thêm gần 1 phường.

Qua đại dịch COVID-19 càng bộc lộ rõ, chúng ta không thể tăng thêm một đồn công an hay một trạm y tế được, trường học và các thiết chế sẽ từ từ bộc lộ, gánh nặng sẽ được đặt lên chính quyền địa phương và ngân sách nhà nước sẽ phải đầu tư nhiều năm để khắc phục và đảm bảo quyền lợi cho người dân, trong khi nhà đầu tư được hưởng ngay hạ tầng sẵn có của khu vực”, đại biểu Trần Việt Anh nêu.

Trên cơ sở đó, đại biểu đoàn Hà Nội kiến nghị, cần có khảo sát, đánh giá tác động đối với các dự án đô thị của các khu vực quy hoạch ổn định được điều chỉnh những năm gần đây để có góc nhìn chính xác về việc điều chỉnh quy hoạch.

Trong khi đó, ĐB Lê Thanh Hoàn (Thanh Hoá) cho rằng, một trong những nội dung quan trọng chưa được báo cáo rõ với Quốc hội, đó là công tác công bố, công khai thông tin quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn. "Một vấn đề tưởng chừng như đơn giản chỉ là một cú click chuột, nhưng việc thực hiện thì có vẻ rất khó khăn trên thực tế", ĐB đánh giá.

Theo ông, việc công bố, công khai thông tin quy hoạch ở một số địa phương còn chậm, chưa thường xuyên, liên tục, chưa tăng cường áp dụng công nghệ thông tin để công khai và cung cấp thông tin quy hoạch có hiệu quả.

Theo phản ánh của cử tri thì những gì dân muốn biết, dân cần thực sự thì rất khó để có thể tiếp cận. "Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiễu loạn thông tin, sốt ảo đất đai, đầu cơ, thao túng thị trường đất đai, gây bất ổn thị trường, khiếu kiện về đất đai dẫn đến mất an ninh trật tự tại một số địa phương", ĐB nêu bất cập.

Do đó, ông đề nghị trong dự thảo nghị quyết giám sát Quốc hội cần bổ sung quy định về biện pháp, chế tài xử lý cụ thể với những trường hợp chậm, hoặc không công khai thông tin quy hoạch, bảo đảm những quy định của pháp luật về quy hoạch được thực thi nghiêm túc trên thực tế.

Cùng mối quan tâm, ĐB Siu Hương (Gia Lai) cũng lưu ý, thực tiễn cho thấy, việc điều chỉnh quy hoạch, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai diễn ra nhiều nơi, nơi nào cũng hợp lý, có cơ sở nhưng khi cơ quan chức năng vào cuộc lại có vi phạm.

“Ở đây tôi không đề cập đến các vụ đã xảy ra và đang trong quá trình tố tụng mà chỉ mong muốn cần có biện pháp mạnh hơn để tránh tình trạng này", ĐB Siu Hương nêu góp ý.