Dự kiến điểm sàn
Ông Trần Quang Bảo, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Lâm nghiệp Xuân Mai cho biết, dự kiến trường này sẽ tuyển một số ngành sát đến điểm sàn và sẽ xét tuyển nguyện vọng (NV) 2 cho một số ngành khó tuyển. Ông Bảo dự báo điểm sàn của năm 2014 như sau: khối A 13,0; khối B14,0 và khối A1 sẽ khoảng 13,5 điểm.
Ông Phạm Minh Hùng, Phó GĐ Đại học (ĐH) Vinh cũng cho biết, về cơ bản điểm chuẩn vào ĐH này (dự kiến) sẽ như năm trước, một số ngành khó tuyển sẽ tuyển điểm thấp nhất - sát điểm sàn. Ông Minh Hùng dự báo điểm sàn khối A năm 2014 khoảng 13,0-13,5 điểm. Tuy nhiên, ông Hùng nói, các ngành sư phạm ở ĐH này tối thiểu tuyển từ 15,0 trở lên; riêng Sư phạm Toán sẽ tuyển vào khoảng 19-20 điểm.
Phổ điểm chính rất khác nhau
Một trường nhiều năm có điểm xét tuyển của một số ngành ngang mức điểm sàn (dĩ nhiên trường này cũng có những ngành hot tuyển điểm cao) cho biết, phổ điểm chính của thí sinh thi vào trường này nằm ở mức 13-14 điểm, ngang mức điểm sàn mặc dù phổ điểm chính của các thí sinh thi đậu vào trường này là 15-16 điểm.
Trong khi đó, một ĐH thuộc hạng “đỉnh” như ĐH Ngoại thương có phổ điểm chính của bài làm thí sinh là 7-8 điểm.
ĐH Kinh tế Quốc dân có tới 43% số thí sinh đạt từ 21 điểm trở lên, cho thấy phổ điểm chính của trường này cũng nằm ở khoảng 6,5-8.
Thí sinh chọn nghề theo dư luận xã hội?
Ở trường ĐH Ngoại thương, thí sinh tập trung vào các ngành nghề về kinh tế, đặc biệt ngành kinh tế đối ngoại bao giờ cũng có điểm chuẩn cao nhất (thường là khối D chuẩn 24 đến 24,5 điểm; khối A chuẩn 26,0 đến 26,5 điểm).
Trường này có đào tạo các ngành ngôn ngữ nhưng thí sinh thi vào ít hơn và điểm chuẩn cũng dường như thấp hơn các ngành kinh tế. “Giả sử có một ngày nào đó, thí sinh đổ dồn vào thi các ngành ngôn ngữ và bỏ các ngành kinh tế thì đó mới là bất thường”, bà Lê Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Đào tạo trường này bình luận.
Ở một trường tốp sau, ĐH Lâm nghiệp, ông Trần Quang Bảo, Trưởng phòng Đào tạo nói: Thí sinh chủ yếu tập trung vào các ngành quản lý hoặc kỹ thuật hot, ví dụ: Khoa học môi trường, Quản lý tài nguyên thiên nhiên và quản lý đất đai.
Nhận xét về điều này, ông Trần Quang Bảo cho rằng, thí sinh chọn nghề theo xu hướng có việc làm, chọn những nghề mà xã hội còn có nhu cầu cao và thí sinh có thể công tác trong nhiều lĩnh vực, nhiều ngành nghề khác nhau.
Phân tích sâu sắc việc chuyển dịch chọn nghề nghiệp của thí sinh vài năm trở lại đây, ông Nguyễn Quang Dong, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng thí sinh không vững chắc mà thay đổi theo dư luận xã hội, theo xu thế chung của xã hội.
Chính vì vậy, ông Dong nhận xét, các ngành tài chính ngân hàng hay bất động sản số lượng thí sinh đăng ký dự thi đang suy giảm dần, trong khi ngành marketing đang có xu thế tăng lên mạnh và tăng một cách vững chắc. Nghề thí sinh yêu thích thực sự và chọn học hay không vẫn bị chi phối với dư luận xã hội rất nhiều, ông Dong nhận xét.
Nhiều trường đại học TPHCM dự kiến tăng điểm chuẩn
Chiều 28/7, trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM công bố điểm chuẩn dự kiến vào trường ở một số ngành. Đa số các ngành đều tăng điểm. TS Nguyễn Phương, Trưởng phòng Đào tạo cho biết, trường có 4 ngành giảm còn lại đều có điểm chuẩn tăng hoặc bằng so với năm trước.
Các ngành có điểm chuẩn dự kiến tăng là Chế tạo máy tăng 2 điểm (điểm chuẩn dự kiến là 19,5); ngành Kỹ thuật công nghiệp tăng 1,5 điểm; các ngành khác như Kỹ thuật điện tử truyền thông; Điện, điện tử; Công nghiệp thực phẩm; Kỹ thuật máy tính; Kỹ thuật ô tô… đều tăng 0,5 - 1 điểm.
Cùng ngày, Hội đồng tuyển sinh trường ĐH Ngân hàng TPHCM cũng công bố điểm thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014. Theo đó, phổ điểm của thí sinh ở mức 16 -18 điểm nên khả năng nhiều ngành sẽ tăng điểm chuẩn.
Tương tự, năm nay, Trường ĐH Kinh tế TPHCM dự kiến mức điểm chuẩn cho tất cả các ngành (khối A, A1) là 21 điểm, tăng 1 điểm so với năm 2013.
Trường ĐH Kinh tế TPHCM, trường ĐH Tài chính Marketing năm nay dự kiến cũng lấy một mức điểm chuẩn vào trường cho các ngành là 19 điểm (tăng khoảng 1,5 điểm).