Nhân vụ Hồ sơ Panama với những cái tên Việt:

Điểm danh các 'chiêu' lách thuế tại Việt Nam

TP - Thông qua các công ty con lập tại các “thiên đường thuế” và đầu tư ngược vào Việt Nam, lợi nhuận kiếm được họ chuyển về công ty đặt tại nước có mức thuế thấp để “lách” mức thuế cao hơn nhiều nếu để tại Việt Nam.
Tập đoàn Casino Pháp thông qua công ty con đặt tại Hồng Kông để đầu tư vào hệ thống siêu thị Big C tại Việt Nam. Ảnh: Phạm Thanh.

Điểm mặt chỉ tên “thiên đường thuế”

Được biết, cách đây vài năm Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) đã lập danh sách các “thiên đường thuế” trên thế giới. Tuy nhiên, hiện việc định nghĩa đầy đủ thế nào là “thiên đường thuế” vẫn chưa rõ ràng. Một chuyên gia ngành thuế cho biết, các “thiên đường thuế” dùng mức thuế rất thấp để thu hút các nhà đầu tư tới đó lập công ty. Nước sở tại sẽ thu lợi từ tiền thuế (lấy số lượng bù chất lượng), chi phí cung cấp dịch vụ đi kèm, như cho thuê văn phòng, lao động, nhà hàng, khách sạn… để không cần sản xuất vẫn tăng trưởng và thu ngoại tệ.

Với các doanh nghiệp, lập công ty ở “thiên đường thuế” để đầu tư vào nước thứ 3 và chuyển lợi nhuận về đó nhằm hưởng mức thuế thấp. Như 1 công ty A tại Việt Nam có thể lập công ty con B tại Singapore, khi có hợp đồng công ty A sẽ chia sẻ một phần hợp đồng với công ty B. Sau đó lợi nhuận được chia sẻ để chuyển về Singapore và chỉ phải chịu mức thuế thấp tại nước này.

“Dù có biết doanh nghiệp lách thuế, nhưng rất khó chứng minh, vì trong hợp đồng ai biết công ty A làm gì, công ty B làm gì, họ khai sao biết vậy. Đây là vấn đề làm đau đầu cả thế giới, cũng là cách nhiều công ty đa quốc gia lách thuế”. 

Chuyên gia thuế phân tích

Dù việc chia sẻ hợp đồng chỉ trên danh nghĩa, công ty B thực chất không làm gì, nhưng vẫn được chia lợi nhuận. Và theo hiệp ước tránh đánh thuế 2 lần, khi lợi nhuận đã bị đánh thuế tại Singapore (có thể chỉ 5%) sẽ không bị đánh thuế tại Việt Nam (có khi lên tới 20%). “Dù biết doanh nghiệp lách thuế như vậy, nhưng rất khó chứng minh, vì trong hợp đồng ai biết công ty A làm gì, công ty B làm gì, họ khai sao biết vậy. Đây là vấn đề làm đau đầu cả thế giới, cũng là cách nhiều công ty đa quốc gia lách thuế”, một cán bộ ngành thuế chia sẻ.

Với nhà đầu tư nước ngoài, họ có thể lập công ty con ở Hồng Kông, và dùng danh nghĩa công ty con để đầu tư vào Việt Nam. Sau đó chuyển lợi nhuận kiếm được từ Việt Nam về Hồng Kông để hưởng mức thuế thấp hơn, thay vì đặt công ty đó ở Việt Nam hoặc chuyển về trụ sở chính có thể phải chịu mức thuế cao gấp nhiều lần.

Không nói đâu xa, vừa mới đây trường hợp Tổng cục Thuế đang điều tra nghi vấn chuyển giá của Cty BigC Việt Nam trước khi chuyển nhượng cho Tập đoàn Central Group (Thái Lan). BigC Việt Nam do Tập đoàn Casino Pháp sáng lập thông qua công ty con là Cty Cavi Retail (đặt tại Hồng Kông). Cty Cavi Retail lại sở hữu 3 công ty con tại Việt Nam gồm: Cty CP Bất động sản Việt Nhật (chuyên cho thuê mặt bằng 32 siêu thị Big C Việt Nam); Cty TNHH dịch vụ EB (chuyên phân phối hàng hóa cho hệ thống Big C Việt Nam) và hệ thống 32 siêu thị Big C trên toàn quốc. Vì vậy, Tổng cục Thuế vào cuộc nhằm làm rõ việc Big C Việt Nam có trốn tránh nghĩa vụ thuế qua các giao dịch liên kết (chuyển giá) giữa các công ty hay không.

“Thiên đường thuế” có hiệp ước với Việt Nam

Việt Nam hiện đã ký Hiệp ước tránh đánh thuế 2 lần với 74 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó đã có 63 hiệp ước có hiệu lực. Trong những đối tác Việt Nam đã ký hiệp ước, một số nước và vùng lãnh thổ áp dụng chính sách thuế thấp để thu hút đầu tư - được ví là “thiên đường thuế”, như: Singapore (có hiệu lực năm 1994), Thụy Sỹ (1997), Luxembourg (1998), Hồng Kông (2009), Bỉ (1999), Ireland (2009), New Zealand (2014)...

Với các hiệp ước tránh đánh thuế 2 lần, một số khoản thuế, như: Thuế thu nhập, thuế lợi tức, thuế chuyển lợi nhuận, thuế nhà thầu, thuế chuyển nhượng… khi một nước đã thu nước còn lại sẽ không thu (hoặc khấu trừ phần đã nộp ở 1 nước để tính thuế sẽ phải nộp ở nước còn lại). 

Như hiệp ước tránh đánh thuế 2 lần giữa Việt Nam và Anh, tiền thuế bản quyền Việt Nam được thu tối đa 10% (nếu sản phẩm công ty Anh làm ra tại Việt Nam), và Anh sẽ không đánh thuế nữa, hoặc đánh thuế với mức còn lại sau khi đã trừ 10% công ty đã nộp cho Việt Nam (nếu thuế bản quyền ở Anh là 20%, doanh nghiệp chỉ phải đóng thêm 10%, vì đã được trừ 10% thuế nộp tại Việt Nam).

Với việc ký hiệp ước tránh đánh thuế 2 lần, cơ quan thuế 2 nước có thể chủ động trao đổi thông tin về các cá nhân, tổ chức nghi vấn trốn hoặc lậu thuế. Tuy nhiên, tùy vào từng hiệp ước sẽ quy định mức độ trao đổi thông tin khác nhau. Nếu không có hiệp ước, hoặc hiệp ước không quy định, mọi thông tin về thuế muốn trao đổi phải thông qua con đường ngoại giao. Theo vị chuyên gia thuế kể trên, thông thường, cơ quan thuế Việt Nam chủ yếu trao đổi các thông tin thuế về cá nhân, tổ chức nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, vì thông tin thuế với các cá nhân, tổ chức Việt Nam ngành thuế nắm quá rõ.