Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia ‘kêu cứu’ sau mưa lũ
TPO - Sau trận mưa lũ vừa qua, di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật quốc gia đền Rậm ở Nghệ An bị xuống cấp, hư hỏng nặng nề, cần được khôi phục và sửa chữa.
Nằm trong vùng rốn lũ ở huyện Hưng Nguyên, Nghệ An hồi đầu tháng 10, di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật quốc gia đền Rậm bao gồm đền Rậm trong, đền Rậm ngoài, chùa và nhà thánh bị ngập sâu trong nước, nhiều hạng mục bị hư hỏng nặng nề.
Ông Phạm Văn Lục (SN 1944), người trông coi đền cho biết, đền Rậm được xây dựng vào năm 1831, hoàn thành vào năm 1832. Đền Rậm không chỉ là chốn linh thiêng, nơi người dân khắp nơi về thắp hương chiêm bái mà còn là công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc hiếm có. Năm 2008, đền Rậm được công nhận là di tích lịch sử kiến trúc, nghệ thuật quốc gia.
Cả một đoạn đường bờ, thanh chắn đòn tay và ngói trên mái trước hạ điện cảu đền Rậm ngoài đã bị gãy, rơi rụng xuống mái hồi.
Một phần vôi vữa đường bờ mái ngói hạ điện đã rơi xuống đất nằm lộn xộn dưới chân tường, phần còn lại đang nằm trên mái hồi.
“Trận lụt vừa qua, đền nằm giữa một vùng nước lũ mênh mông và bị ngập sâu hơn 1m. Do mưa lớn kéo dài, phần mái hạ điện của đền Rậm ngoài bị hư hỏng nặng nề. Nhà tứ quan cấu kiện gỗ đã mục, ngói bị vỡ gây dột khi có mưa. Chúng tôi rất lo lắng nhưng cũng không biết phải làm gì, chỉ mong sớm có dự án để trùng tu, sữa chữa”, ông Lục chia sẻ.
Đứng dưới nhìn lên, phần ngói mái hạ điện đền Rậm ngoài đã bị vỡ, rụng, để lại nhiều khoảng không trên mái nhà.
Một số thanh rui, mè cũng đã bị gãy, hư hỏng.
Do nằm trên địa hình trũng thấp, xung quanh là đồng ruộng bao phủ nên những lúc mưa lũ, đền đều phải chịu cảnh ngập lụt. Điều đó gây nên tình trạng mối mọt và xuống cấp nghiêm trọng. Trong hình, phần cánh cửa ở thượng điện của đền Rậm ngoài bị mối mọt đục ruỗng.
Theo thời gian, quần thể đền Rậm đã xuống cấp
Mặc dù cảnh quan và tổng thể kiến trúc của di tích xưa đã có sự thay đổi, mất mát hư hỏng nhưng quần thể đền Rậm vẫn chứa đựng những giá trị lịch sử văn hoá - kiến trúc nghệ thuật lớn lao.