Đem năng lượng sạch về quê hương
Năm chàng trai khoa điện - điện tử (ĐH Bách khoa ĐHQG TP.HCM) đã nghiên cứu, chế tạo hệ thống tự động tưới tiêu hoa màu sử dụng ánh sáng mặt trời.
Hệ thống này nhằm giúp bà con nông thôn Ninh Thuận tiết kiệm điện, bảo vệ môi trường.
Dự án vừa xuất sắc vượt qua 118 dự án của sinh viên toàn quốc, đoạt giải đặc biệt cuộc thi sáng tạo bảo vệ môi trường Holcim Prize 2012.
Quê ở Ninh Thuận, từ nhỏ Lương Văn Liêm - trưởng nhóm nghiên cứu - đã quen với cảnh người dân quê phải vật lộn trên cánh đồng nho với những phương pháp tưới nước thô sơ mà hiệu quả không cao. Ý tưởng nghiên cứu hệ thống tưới tiêu tự động sử dụng năng lượng mặt trời của nhóm được ấp ủ từ những trăn trở đó của Liêm.
Cùng học chung lớp kỹ sư tài năng, Liêm rủ bốn thành viên khác trong lớp nghiên cứu dự án và gửi tham gia cuộc thi Holcim Prize 2012, với mong muốn dự án của mình sẽ được áp dụng trên quê hương Ninh Thuận.
Gần một năm nghiên cứu dự án cũng là khoảng thời gian năm chàng trai trải qua biết bao thử thách. Liêm chia sẻ: “Lúc bắt đầu chúng tôi không nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào. Đã thế nhiều người còn khuyên cả nhóm nên bỏ cuộc. Nhưng càng nghiên cứu chúng tôi càng đam mê hơn và quyết tâm nỗ lực hết mình với lựa chọn của mình”.
Dự án mang tính khả thi cao vì tiết kiệm được chi phí, năng suất tưới tiêu cao và tiết kiệm sức người. Theo đó, hệ thống sử dụng năng lượng từ ánh sáng mặt trời để làm điện sinh hoạt và tưới tiêu tự động. Nguồn năng lượng này có thể dự trữ trong một ngày, khi có mưa hệ thống tưới tiêu sẽ ngưng hoạt động để tiết kiệm nước, trong điều kiện bình thường hệ thống này sẽ hoạt động nhỏ giọt để tránh úng cho cây, giúp phân bón tránh bị bốc hơi hoặc bị trôi.
Đoạt giải đặc biệt, Liêm và nhóm bạn được Công ty Holcim VN hỗ trợ 200 triệu đồng đưa dự án áp dụng vào thực tế. Liêm mong muốn hệ thống tưới tiêu tự động sử dụng năng lượng mặt trời không chỉ áp dụng với cây nho, không chỉ ở Ninh Thuận, mà sẽ còn bay xa hơn, áp dụng được ở mọi miền đất nước, với mọi loài cây khác nhau.
Theo Tuổi Trẻ