Theo đó, lãnh đạo tỉnh Bình Định quyết định phân công ông Trần Thanh Dũng - Giám đốc Sở GTVT làm tổ trưởng, tổ phó là ông Trần Vũ Thanh Hùng - Phó giám đốc Sở KH&ĐT.
Ngoài ra, tổ công tác còn có 10 thành viên khác là lãnh đạo một số sở ngành, địa phương.
Tổ có nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu hoàn thành phương án đầu tư xây dựng Dự án đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku, đoạn qua địa bàn tỉnh đảm bảo chất lượng, tiến độ báo cáo đề xuất UBND tỉnh.
Tổ trưởng, Tổ phó Tổ công tác được sử dụng con dấu của cơ quan mình công tác khi ký các văn bản trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.
Trước đó, theo thông báo ý kiến kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tự Công Hoàng tại cuộc họp nghe báo cáo phương án đầu tư dự án xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku, đoạn qua địa bàn, lãnh đạo tỉnh này đã có ý kiến phê bình Sở GTVT do chưa nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh trong việc phối hợp nghiên cứu đề xuất phương án đầu tư dự án, dẫn đến nội dung báo cáo rất sơ sài, phương án đề xuất mang tính chủ quan, không đáp ứng yêu cầu chất lượng trong công tác tham mưu của lĩnh vực ngành.
Lãnh đạo tỉnh này yêu cầu Sở GTVT khẩn trương phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan thành lập Tổ công tác nghiên cứu đề xuất phương án đầu tư dự án Xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn – Pleiku, đoạn qua địa bàn tỉnh, báo cáo đề xuất UBND tỉnh.
Bên cạnh đó, chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan và đơn vị tư vấn khảo sát, nghiên cứu kỹ về phương án hướng tuyến, quy mô đầu tư, lựa chọn điểm đầu dự án phù hợp, đảm bảo phát huy hiệu quả khai thác đối với dự án. Phối hợp làm việc với Sở GTVT Gia Lai để thống nhất một số nội dung về phương án hướng tuyến, điểm kết nối, quy mô đầu tư và các nội dung khác liên quan đến dự án.
Theo UBND tỉnh Bình Định, dự án xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn – Pleiku là dự án có ý nghĩa rất quan trọng trong việc kết nối hạ tầng giao thông theo hành lang kinh tế Đông – Tây giữa các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Camphuchia, các tỉnh Tây nguyên đến khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung, trực tiếp là tỉnh Bình Định, đóng vai trò tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng.
Do vậy, việc nghiên cứu phương án đầu tư dự án phải được xem xét kỹ lưỡng với đầy đủ các cơ sở dữ liệu về tổng thể kinh tế xã hội, hạ tầng giao thông, nguồn lực đầu tư, cơ chế thực hiện... để đề xuất phương án đầu tư tối ưu nhất phát huy tối đa hiệu quả đầu tư.