Đề xuất nhiều quy định mới khi người có ảnh hưởng quảng cáo sản phẩm trên mạng xã hội

TPO - Khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ trên mạng xã hội, người có ảnh hưởng tham gia quảng cáo phải trực tiếp sử dụng sản phẩm.

Sáng 27/9, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 8 cho ý kiến, thông qua một số nội dung thuộc lĩnh vực ủy ban phụ trách.

Trình bày tờ trình về dự án Luật Quảng cáo sửa đổi, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết, dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung khái niệm người chuyển tải sản phẩm quảng cáo và bổ sung quy định về quyền, nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy. Ảnh: Nghĩa Đức

Lần sửa đổi này cũng đưa ra yêu cầu về trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng theo quy định của pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Qua đó, yêu cầu đặt ra là phải quảng cáo trung thực, chính xác về hàng hóa, dịch vụ, cung cấp tài liệu liên quan đến nội dung quảng cáo khi có yêu cầu. Người quảng cáo này cũng phải chịu trách nhiệm liên đới trong trường hợp nội dung quảng cáo không bảo đảm các yêu cầu.

Đáng lưu ý, khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về kết quả sử dụng mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng phải là người đã trực tiếp sử dụng sản phẩm.

Sửa đổi quy định về quảng cáo trên báo in

Về quảng cáo trên báo in, báo nói, báo hình, hiện nay với sự cạnh tranh của các hình thức quảng cáo trên mạng, nền tảng mạng xã hội, dẫn đến doanh thu từ hoạt động quảng cáo trên báo chí ngày càng suy giảm mạnh.

Trong khi đó phần lớn các cơ quan hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính nên phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong thực hiện cơ chế tự chủ, duy trì chất lượng nội dung thông tin.

Vì vậy, theo bà Thủy, dự án luật đã sửa đổi các quy định về diện tích quảng cáo trên báo in, thời lượng quảng cáo trên truyền hình trả tiền, đặc biệt trong các chương trình phim truyện để tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan báo chí cân đối nguồn thu từ quảng cáo để nâng cao chất lượng nội dung.

Cụ thể, dự luật tăng diện tích quảng cáo trên báo in không được vượt quá 30% tổng diện tích một ấn phẩm quảng cáo hoặc 40% tổng diện tích một ấn phẩm tạp chí, trừ báo tạp chí chuyên quảng cáo.

Đồng thời, dự thảo cũng bổ sung quy định cụ thể về hình thức quảng cáo trên mạng bao gồm quảng cáo trên báo điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng trực tuyến...

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Triệu Thế Hùng. Ảnh: Nghĩa Đức

Thẩm tra sơ bộ về quảng cáo trên báo in, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Triệu Thế Hùng cho biết, ủy ban tán thành tăng diện tích quảng cáo trên ấn phẩm báo, tạp chí để giúp cơ quan báo chí tăng nguồn thu, thực hiện tốt hơn cơ chế tự chủ tài chính.

Để đảm bảo quyền lợi của độc giả, cơ quan thẩm tra đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh theo hướng quy định cụ thể tỷ lệ diện tích, vị trí quảng cáo đối với từng loại ấn phẩm báo, tạp chí khác nhau để phù hợp.

Với quảng cáo trên báo nói, báo hình, ủy ban thẩm tra đồng tình theo hướng tăng thời lượng quảng cáo. Tuy nhiên, theo ông Hùng, cần tiếp tục rà soát căn cứ để bảo đảm tăng thời lượng quảng cáo trên kênh truyền hình trả tiền, số lần ngắt quãng trong chương trình phim truyện, các chương trình khác để đảm bảo quyền lợi khán giả.

Về quảng cáo trên mạng, cơ quan thẩm tra tán thành bổ sung quy định cụ thể, đồng thời, đề nghị tiếp tục rà soát với các luật chuyên ngành để đảm bảo tính thống nhất, bao quát hết các đối tượng quảng cáo trên mạng.