> 79% cán bộ, công chức có thu nhập ngoài lương
> Hà Nội 'nói không' với tại chức, dân lập
Đề tài này do ông Phạm Trọng Đạt - cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ - làm chủ nhiệm và đã được hội đồng nghiệm thu nhất trí thông qua, đánh giá xếp loại xuất sắc.
79% cán bộ, công chức có thu nhập ngoài lương
Đề tài này cho biết tại cuộc khảo sát xã hội học do Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Thế giới thực hiện năm 2012 đối với gần 2.000 cán bộ, công chức ở 10 địa phương và năm bộ, ngành cho thấy thực trạng: 79% cán bộ, công chức có thu nhập ngoài lương và các khoản phụ cấp theo lương; 20% không có; 1% khó trả lời.
Trong các khoản thu ngoài lương thì trên 60% là do tiết kiệm được các khoản từ chi theo khoán định mức; trên 50% là tiền bồi dưỡng từ các cuộc họp; khoảng 5% tiền được chia từ các khoản hoa hồng hoặc quỹ riêng của đơn vị; khoảng dưới 5% tiền được biếu tặng và 40% từ các nguồn khác.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy 82,7% số người được hỏi có khoản thu nhập ngoài lương thấp hơn 50% lương; 11,1% có thu nhập ngoài lương bằng 50-100% tiền lương; 2,1% có thu nhập ngoài lương cao hơn lương nhưng tối đa không quá năm lần tiền lương...
Đề tài nêu rõ: “Từ kết quả khảo sát nêu trên, mặc dù chưa đại diện cho tổng thể người có chức vụ, quyền hạn ở VN, nhưng phần nào cho thấy thực trạng thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Số cán bộ, công chức có thu nhập ngoài lương chiếm tỉ lệ cao. Mức thu nhập ngoài lương so với lương và nguồn thu nhập cũng khá đa dạng”.
Trong phần giải pháp, đề tài đưa ra nhiều đề xuất liên quan đến phương thức kiểm soát, đơn cử như thực hiện mở tài khoản cho người có chức vụ, quyền hạn để tiếp nhận các khoản thu nhập phát sinh; yêu cầu kê khai các khoản thu nhập không qua tài khoản và quà tặng (kiểm soát đầu vào).
Bên cạnh đó là quy định việc sử dụng tài khoản để chi tiêu các khoản có giá trị lớn (kiểm soát đầu ra), đồng thời quy định trách nhiệm giải trình về thu nhập, tài sản, tiêu dùng của người có chức vụ, quyền hạn và tài sản, tiêu dùng của người thân thích. Đề tài cũng đề xuất lập thiết chế độc lập để thực hiện việc theo dõi, giám sát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.
Theo đề tài, đối với VN, cần thiết phải nghiên cứu, xây dựng một đạo luật riêng về kiểm soát tài sản, thu nhập theo đúng quy định của Luật phòng chống tham nhũng năm 2005.
Trước mắt cần khẩn trương hoàn thiện đề án kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, đồng thời tiến hành ngay các bước chuẩn bị, xây dựng dự thảo luật để đến khi sửa đổi toàn diện Luật phòng chống tham nhũng (dự kiến năm 2015) thì đồng thời ban hành được luật về kiểm soát tài sản, thu nhập.
Nên ban hành các quy định về hành vi làm giàu bất chính
Trao đổi với Tuổi Trẻ về đề tài nêu trên, TS Nguyễn Hữu Khiển - nguyên phó giám đốc điều hành Học viện Hành chính quốc gia - cho rằng nên ban hành các quy định về hành vi và tội phạm làm giàu bất chính.
“Mục đích của việc kiểm soát thu nhập người có chức vụ, quyền hạn khác với kiểm soát thu nhập của các đối tượng khác trong xã hội ở chỗ nhằm phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tăng thu nhập, nhất là thu nhập bất hợp pháp. Mà đã là bất hợp pháp thì chúng ta khó kiểm soát bằng các biện pháp thông thường, ví dụ hối lộ bằng tiền mặt, bằng suất du học, suất việc làm vị trí tốt cho con em... Vậy thì tôi không cần biết thu nhập của anh từ đâu, lương của anh chừng này mà anh mua nhà, mua xe giá trị lớn, con anh du học nước ngoài bằng tiền gia đình, vậy thì anh phải giải trình” - ông Khiển nói.
Liên hệ đến trường hợp một cán bộ cấp sở ở Hà Nội mà báo chí vừa đưa tin kê khai tài sản, thu nhập năm 2012 đã phát sinh tài sản tăng thêm giá trị lớn, ông Khiển cho rằng nên sớm có quy định cụ thể về việc công khai tài sản, thu nhập ở nơi cư trú.
Ông Trần Ngọc Vinh - ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - cũng cho rằng việc có thêm các quy định để nâng cao hiệu quả kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn là cần thiết, tuy nhiên vấn đề là tính khả thi của dự án luật đến đâu, nhất là dự án luật về kiểm soát tài sản, thu nhập trong bối cảnh việc sử dụng tiền mặt đang phổ biến như hiện nay.
“Nếu xây dựng luật về kiểm soát tài sản, thu nhập chung chung thì đối tượng rất lớn, luật sẽ bị dàn trải, còn nếu chỉ tập trung vào đối tượng có chức vụ, quyền hạn thì lại chỉ là một bộ phận trong xã hội. Và nếu chỉ là một bộ phận thì nên chăng đồng bộ hóa trong Luật phòng chống tham nhũng” - ông Vinh nói.
Theo V.V.Thành
Tuổi Trẻ