Đề xuất giải pháp ngăn 'công ty ma', giám đốc là xe ôm, người bán bún bò

TPO - Đề nghị bổ sung quy định về công chứng điều lệ doanh nghiệp, thỏa thuận góp vốn trong việc thành lập doanh nghiệp vào dự án Luật Công chứng (sửa đổi), đại biểu Quốc hội cho rằng, hiệu quả mang lại là giúp tránh được tình trạng thành lập hàng loạt công ty ma làm ăn phi pháp.

Sáng 25/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công chứng (sửa đổi).

Nêu ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An) cho rằng, hiện nay, văn bản điện tử, văn bản được số hóa ngày càng phổ biến. Có rất nhiều loại giấy tờ điện tử đang được áp dụng trong các giao dịch kinh tế - xã hội hằng ngày.

"Dự thảo luật hiện hành chưa làm rõ công chứng điện tử có chấp nhận các loại hình thức giấy tờ điện tử này hay không, chưa có quy định cụ thể về việc công nhận và sử dụng tài liệu điện tử làm căn cứ công chứng; chưa có quy định cho phép sao y nội dung từ bản điện tử sang bản giấy và ngược lại", đại biểu Hoàng Minh Hiếu nêu, đồng thời đề xuất cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu kỹ để có những giải pháp tổng thể về việc sử dụng các văn bản điện tử, văn bản được số hóa trong hoạt động công chứng.

Ông Hoàng Minh Hiếu cũng nêu vấn đề về hoàn thiện các quy định về cơ sở dữ liệu công chứng. Theo ông, mỗi tỉnh, thành phố lựa chọn một nền tảng công nghệ khác nhau, tiêu chuẩn thiết kế, chức năng, nhiệm vụ khác nhau, chưa có sự kết nối nên không phát huy được hiệu quả.

Đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) nêu, trong hoạt động công chứng có nhiều vấn đề đòi hỏi công chứng viên phải trực tiếp tiếp xúc với người yêu cầu công chứng mới đảm bảo được tính khách quan, tính chính xác mà công nghệ hiện nay chưa thể đáp ứng, chưa thể thay được. Ví dụ như việc đánh giá năng lực hành vi và ý chí tự nguyện của người yêu cầu công chứng, nhất là trong bối cảnh hiện nay đã xuất hiện tội phạm công nghệ cao, dùng công nghệ AI giả giọng nói, hình ảnh để lừa đảo.

"Việc thực hiện công chứng điện tử cần tiến hành hết sức thận trọng, có bước đi hợp lý. Trước mắt dự thảo luật cần quy định rõ chỉ áp dụng ở phạm vi hẹp đối với các giao dịch đơn giản, không áp dụng đối với các giao dịch phức tạp, như giao dịch bất động sản hay thừa kế", ông Nguyễn Hữu Thông nói.

Đại biểu Lã Thanh Tân (TP Hải Phòng) cho rằng, hiện nay, các giao dịch thỏa thuận dân sự để hình thành nên doanh nghiệp hay việc mua bán, sáp nhập chưa có quy định phải công chứng. Thực tiễn cho thấy, thời gian qua nhiều trường hợp thành lập, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã diễn ra.

"Vụ án Vạn Thịnh Phát với hàng loạt hành vi làm giả hồ sơ doanh nghiệp, lập hồ sơ vay vốn khống, thuê người đứng tên cổ phần là một trong những điển hình về tình trạng giả mạo chữ ký trong điều lệ doanh nghiệp, biên bản họp Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên và các văn bản nội bộ doanh nghiệp đã và đang diễn ra, dẫn đến nhiều vụ án liên quan và để lại hậu quả rất lớn trong thời gian qua", ông Lã Thanh Tân nêu.

Đại biểu Lã Thanh Tân cho rằng, cần có cơ chế bảo đảm về tính xác thực và hợp pháp của hồ sơ thành lập doanh nghiệp. Việc quy định bắt buộc công chứng đối với hồ sơ thành lập doanh nghiệp và các văn bản nội bộ doanh nghiệp sẽ khắc phục được tình trạng giả chữ ký trong hồ sơ thành lập doanh nghiệp, hạn chế tình trạng thành lập công ty ma và tình trạng lạm quyền của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

Cơ chế này cũng kiểm soát được việc khai vốn điều lệ, ngăn chặn được hợp thức hóa hành vi rửa tiền, mua bán hóa đơn thông qua thành lập doanh nghiệp, đảm bảo quyền lợi của bên thứ ba khi giao dịch với doanh nghiệp, tránh tình trạng người đại diện theo pháp luật lạm quyền dẫn đến các giao dịch vô hiệu cũng như việc lập khống các chứng nhận cổ phần, chứng nhận góp vốn để chuyển nhượng trái pháp luật.

Cùng mối quan tâm, đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga (Trà Vinh) cho rằng, dự thảo Luật cần bổ sung thêm một điều quy định về công chứng điều lệ doanh nghiệp, thỏa thuận góp vốn trong việc thành lập doanh nghiệp.

"Việc chứng nhận điều lệ doanh nghiệp và các văn bản thỏa thuận của các cổ đông, thành viên góp vốn, thành viên hợp danh rất quan trọng, nhằm tránh tình trạng giả mạo chữ ký trong các hồ sơ, tài liệu khi thành lập doanh nghiệp hoặc khi quyết định các vấn đề quan trọng khác của doanh nghiệp", bà Huỳnh Thị Hằng Nga nói.

Theo bà Nga, quy định này sẽ giúp hạn chế khai khống vốn điều lệ, hợp thức hóa các hành vi rửa tiền, mua bán hóa đơn thông qua việc thành lập khống doanh nghiệp và việc lạm quyền của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

Quy định này nếu được bổ sung cũng giúp tránh được tình trạng thành lập hàng loạt các công ty ma làm ăn phi pháp.

"Khi các cơ quan chức năng phát hiện, nhiều công ty ma, tổ chức buôn lậu, mua bán hóa đơn giá trị gia tăng có giám đốc là xe ôm, bán bún bò, hàng trăm container vô chủ tồn đọng ở các cảng, trong đó không ít lô hàng của công ty ma gây khó khăn cho các cơ quan chức năng khi điều tra, xử lý", bà Nga nêu.