Hướng thứ nhất, theo ông Phấn, là phân định rạch ròi giữa công trình và đất. Cơ quan quản lý Nhà nước tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất rồi lấy tiền trả cho công trình. Tức là đấu thầu công trình rồi đấu giá quyền sử dụng đất sau đó lấy tiền trả cho công trình.
Hướng thứ 2 là đấu thầu quyền sử dụng đất của dự án có sử dụng đất, trong gói thầu sẽ phân định làm 2, một là đấu thầu giá công trình, hai là đấu thầu giá quyền sử dụng đất. Trên cơ sở đó, tính toán đưa bài thầu, lợi nhuận cao nhất sẽ được chọn thầu theo luật đấu thầu và Nghị định 30.
Ông Phấn cho biết thêm, thời gian tới, trong quá trình sửa Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục xin ý kiến cơ quan chức năng địa phương, doanh nghiệp để đưa ra được phương án tối ưu nhất.
Thời gian qua, các dự án được đầu tư theo hình thức BT gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. Cuối năm 2018, Thủ tướng có chỉ đạo các Bộ, ngành, UBND các địa phương và nhà đầu tư các dự án BT chịu trách nhiệm rà soát lại các Hợp đồng dự án, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với các sai phạm (nếu có); không được chấp nhận sai trái, vi phạm pháp luật; không làm thất thoát tài sản công, không để xảy ra tham nhũng, lơi ích nhóm.
Thủ tướng yêu cầu đối với trường hợp phát hiện có vi phạm nhưng chưa gây thất thoát tài sản nhà nước thì phải thực hiện điều chỉnh lại hợp đồng BT; nếu phát hiện vi phạm (vi phạm pháp luật về ngân sách nhà nước, xây dựng, quản lý đất đai, đấu thầu, đầu tư công, quản lý tài sản công và pháp luật liên quan khác) thì phải tự hủy hợp đồng dự án, thu hồi ngay tài sản nhà nước, đồng thời xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân sai phạm theo đúng quy định của pháp luật.