ĐBSCL: Hàng nghìn héc ta lúa đang chết, dân lần lượt rời làng kiếm sống

TP - Cuối tháng 2/2020, chưa phải là đỉnh điểm của hạn mặn, tuy nhiên ĐBSCL đang chịu ảnh hưởng nặng nề khi hàng nghìn héc ta lúa đang chết và “hấp hối”. Để hiểu hơn về đời sống của người dân, PV Tiền Phong tìm về một ấp ở tỉnh ven biển Sóc Trăng đang hứng chịu tác động của hạn mặn. 
Nhiều nhà cửa đóng then cài rời làng kiếm ăn

Làm không có ăn

Giữa trưa ngày cuối tháng 2/2020, ấp Giồng Chát, xã Liêu Tú (Trần Đề, Sóc Trăng) không khí buồn bã, nhiều căn nhà lá xập xệ cửa đóng then cài. Hai bên đường lúa vừa thu hoạch xong còn trơ gốc rạ, hoa màu héo hon chờ chết, thậm chí có nơi cháy đen vì thiếu nước, còn dưới sông nước cạn kiệt.

Chủ tịch UBND xã Liêu Tú Trần Trung Tính cho biết, ấp Giồng Chát nằm ở cuối nguồn của huyện. Nếu nước ngọt theo sông Hậu về, tới huyện Long Phú và các xã phía trên của huyện Trần Đề lấy nước trước, đến đây cũng chẳng còn bao nhiêu. Còn phía trong giáp với sông Mỹ Thanh từ biển Đông vào, nước mặn nên chủ yếu phục vụ nuôi tôm.

Vì là giáp ranh với vùng nước mặn nên trong quá trình nuôi tôm nước mặn rò rỉ sang khu trồng lúa. Đó là chưa kể năm nay mặn về sớm hơn cả tháng và luôn ở mức cao, hiện tại độ mặn là trên 10%0. “Năm nay xã chủ trương xuống giống sớm hơn 1 tháng để né hạn mặn nhưng cuối cùng vẫn không tránh được, có gần 100 ha ở ấp Giồng Chát bị thiệt hại từ 30 đến 70%”, ông Tính nói.

Bà Châu Thị Sa Ly, Chi hội trưởng chi hội Phụ nữ ấp Giồng Chát buồn bã nói: “Nhà có 0,3 ha trồng ớt, hành lá và dưa hấu, đầu tư gần 30 triệu đồng đến gần thu hoạch thì chết rụi vì không có nước tưới. Giờ còn nợ tiền đại lý vật tư nông nghiệp không biết lấy đâu trả”.

Gia đình bà Ly  còn 0,2 ha lúa lúc mới làm đòng mặn xâm nhập vào khiến bông trổ không nổi, vớt vát được 14 bao nhưng không có người mua vì thương lái chê lúa lép nhiều. Theo bà Ly, không chỉ riêng gia đình bà mà nhiều gia đình khác trong ấp cũng chung số phận. Điển hình bên xóm đạo (cùng ấp) có người vài chục công bị mất trắng do không có nước tưới, thua lỗ mấy chục triệu đồng.

Bà  Lai Thùy Dương (ở cùng ấp) trồng 0,2 ha rau cần nước, ớt và dưa hấu. Bà đầu tư gần 15 triệu đồng nhưng giờ trắng tay vì rau màu chết rụi. “Hầu như của ai cũng như vậy, dưới sông nước cạn queo, còn trên đồng khô cằn, đất nứt nẻ thì hoa màu nào sống nổi”, bà Dương than thở.

Bình Dương ... miền đất hứa

Chạy dọc ấp Giồng Chát chúng tôi bắt gặp nhiều căn nhà xập xệ cửa đóng then cài. Ông Thạch Chưa, một trong số ít người dân còn ở lại nói: “Đó là những gia đình trồng lúa và hoa màu thua lỗ, nợ nần nên bỏ xứ đi làm thuê. Sau vụ này, sẽ còn nhiều nhà đóng cửa đi nữa”.

Gia đình ông Thạch Chưa có 0,7 ha đất gắn bó với cây lúa mấy chục năm nay. Vụ này ông trồng giống Đài Thơm 8 may mắn hòa vốn nhưng lỗ công chăm sóc mấy tháng trời. Ông cho biết, vụ này năm trước năng suất đạt 10 tấn/ha nhưng năm nay giảm còn hơn một nửa do mặn xâm nhập. Ông kể, lúc lúa được 60 - 70 ngày trong giai đoạn trổ bông, xanh tốt, không ngờ mặn xâm nhập khiến hạt bị lép. Thu hoạch lúa xong, ở đây không có việc gì làm nên con trai lớn của ông đã lên Bình Dương làm thuê.

Cũng ở trong ấp, gia đình bà Liêu Thị Dẫm có hơn 0,1 ha trồng hành lá nhưng chết rụi gần hết. Giữa cái nắng gay gắt, bà Dẫm cầm bụi hành ốm tong teo mà muốn rơi nước mắt. “Gia đình hằng ngày sống nhờ hoa màu nhưng khô hạn kéo dài, nên chết gần hết rồi. Con cái không còn cách nào khác là phải đi Bình Dương làm thuê”.

Bà Dẫm có 8 người con, đều có gia đình riêng. Trước đây các con của bà sống quanh quẩn gần cha mẹ nhưng đều đã rời quê lên Bình Dương làm thuê. Chồng bà, tuổi cao nhưng cũng cố gắng đi phụ hồ kiếm tiền mua gạo.

Ông Trần Trung Tính cho biết, toàn xã Liêu Tú có 3.424 hộ với 15.996 nhân khẩu; hộ nghèo 234 hộ chiếm 6,69%. Riêng ấp Giồng Chát có 848 hộ với 3.573 nhân khẩu. Cuộc sống người dân chủ yếu làm nông và nuôi trồng thủy sản. Ấp Giồng Chát gặp khó khăn nhất về nguồn nước nên bị ảnh hưởng nhiều nhất so với các ấp còn lại. Hạn mặn khốc liệt, kéo dài đã ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống người dân ở khu vực này, điển hình là tình trạng người dân đi làm ăn xa khá nhiều.

“Dân ở đây đi gần hết, hầu như những người trẻ đều rời quê lên Bình Dương làm thuê, chiếm khoảng 70 - 80% trong toàn ấp, còn lại chủ yếu người già ở nhà nuôi cháu, nên làng xóm đìu hiu”.
Bà Châu Thị Sa Ly, Chi hội trưởng phụ nữ ấp Giồng Chát