Chúng tôi biết rằng, bất kì sự đổi mới nào cũng là một hành trình và nó cần có khởi đầu năm học 2013 - 2014 được xem là điểm xuất phát. Nhưng, điều đáng nói là không một động thái nào được phát đi từ đầu năm học. Không một ai, ngay cả các chuyên viên phụ trách môn Ngữ Văn của các Sở Giáo dục và Đào tạo có thông tin nào về sự thay đổi này.
Quan điểm của bạn về vấn đề này, xin gửi ý kiến về địa chỉ email: online@tienphong.vn
Khi đưa ra quyết định này, các nhà giáo dục đang tích cực kiến tạo một tư duy dạy và học Văn mới. Chúng tôi trông chờ và nhiệt thành ủng hộ. Nhưng, đây là một chặng đường cần sự lay chuyển gốc rễ, chứ không phải theo cách khi thời cơ đến phải chớp lấy để đánh nhanh, thắng nhanh.
Giáo dục cũng không phải là thương trường để có thể đi tắt, đón đầu. Bộ đưa ra quyết định đổi mới trước kì thi 6 tuần. Đột ngột, gấp gáp, nôn nóng một cách khó hiểu.
Thầy trò choáng váng, không chỉ vì trở tay không kịp, mà là cảm giác như ra trận và bị giáng một đòn "đánh úp". Bộ nhìn vào đâu, hướng đến đối tượng nào trong công cuộc đổi mới này mà quăng một quả pháo vào lớp lớp học trò gần một năm trời "lặn ngụp" trên đống kiến thức ngồn ngộn mà Bộ cũng "đổi mới" từ năm học 2008 - 2009???
Lãnh đạo Bộ còn khiến chúng tôi "chết đứng" khi công bố đề thi có thể ngoài Sách giáo khoa. Tôi đồ rằng, người đó chưa đọc bộ SGK Ngữ văn 12, hoặc có cũng chỉ là "cưỡi ngựa xem hoa".
Xin thưa, với qui định 3 tiết/ tuần và khối lượng kiến thức đồ sộ, cùng phương châm "học gì thi đó", thầy trò chúng tôi vắt chân lên cổ còn chưa kịp tiến độ thời gian. Chạy cho đủ, cho kịp chương trình là cả một nỗ lực rất lớn của cả thầy và trò. Giờ lại kiểm tra đọc hiểu ngoài SGK với thời gian còn hơn một tháng nữa thì có khác nào đẩy chúng tôi ra biển với một cái bè?!
Xin hãy nghĩ đến con trẻ, chúng đã phải gánh trên vai một lượng kiến thức khổng lồ (không chỉ riêng môn văn). Và giờ đây, trước ngưỡng cửa kì thi quan trọng nhất, chúng nhận được bài học mới: Những định hình mà thầy cô chúng tạo dựng không phải là bền vững. Nó có thể bị đập bỏ. Đơn giản vì họ không phải là người ra đề mà chỉ là người tuân thủ theo các chủ trương (kể cả những chủ trương bất ngờ đến vô lí).
Đó là bài học về niềm tin, về đạo lí giáo dục quá đau xót. Nhưng có thể nhờ thế mà các học trò của tôi thấm thía hơn về nhân vật Nam Tào, Bắc Đẩu trong vở kịch "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" của Lưu Quang Vũ chăng?
Tôi có lúc ngồi lặng yên nhìn các học trò của mình, nhìn ngắm các trạng thái xúc cảm của chúng. Tôi nhận ra trí não chúng, cơ thể chúng thích ứng một cách kinh ngạc với thời khoá biểu dày đặc hàng ngày.
Tôi đã nói với học sinh của mình rằng: Nếu cô là các em, bắt cái đầu của mình hoạt động tích cực và thực sự đúng theo yêu cầu của thời gian biểu chắc chỉ 10 ngày, một tháng cô sẽ điên...
Thế nên, có lúc tôi để yên cho một học trò của mình gục đầu ngủ trên bàn; tôi kiên nhẫn với bài kiểm tra không đạt yêu cầu; tôi vào hùa với một trò nghịch ngợm nào đó của chúng trong giờ học...
Đó là cách giáo viên chúng tôi chia sẻ áp lực với trò. Và thời gian này đây, trên các diễn đàn, chúng tôi đang tập hợp nhau cùng tìm cách để ứng phó (và cả đối phó) nhanh nhất, hiệu quả nhất với sự thay đổi của Bộ.
Thầy cô trắng đêm soạn câu hỏi, tìm tòi văn bản để học sinh tiếp cận thần tốc với kiểu đề mới. Thầm nghĩ, chỉ cần năm nay môn Văn cả nước đỗ Tốt nghiệp 50% thôi, chúng tôi cũng sẽ trở thành "Siêu thầy" và "Siêu trò"!
Nhưng trong tận cùng trông đợi, chúng tôi vẫn mong chờ một nhìn nhận công tâm và quyết định sáng suốt trước những thay đổi lớn của kì thi tốt nghiệp THPT. Nếu xem sự đổi mới đề thi môn Văn nay là sự khởi đầu cho một công cuộc lớn thì e rằng kết quả thu được chỉ là "ăn xổi ở thì".
Tướng Giáp trong trận Điện Biên năm xưa, khi nhận ra lực chưa đủ mạnh, đã dũng cảm đưa ra một quyết định lịch sử: lùi ngày tổng tiến công khi thời điểm nổ súng chỉ còn tính bằng giờ. Chiến thắng sau đó đã khiến cả thế giới phải nghiêng mình trước một Việt Nam anh hùng.
Tri thức là sức mạnh dân tộc mà giáo dục là nòng cốt. Ở đó, sự nôn nóng, vội vã nhất định không phải là sự lựa chọn bằng mọi giá.
* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, một giáo viên dạy văn phổ thông trung học.
Nguyễn Lam Thi