Ðau thương ập xuống một gia đình

TP - Ðám tang sáng 7/8 ngoài sắc áo đen còn có rất nhiều áo trắng học trò. Họ là học sinh trường Ngô Sĩ Liên và Nguyễn Trãi- bạn học cấp 2 và 3 của Ðàm Minh Hiếu vừa tử nạn thương tâm ở Ðà Nẵng.
Bạn bè thương tiếc Hiếu. Ảnh: Huy Hà.

NGHIỆT NGÃ

Những tiếng nấc nghẹn, tiếng khóc xé lòng. Bác ruột nạn nhân thay mặt gia đình lên cảm ơn, không nói được tròn câu. Lúc thì gọi tên cháu mình là Hiếu lúc gọi Nghĩnh, vì tên ở nhà của Hiếu là Nghĩnh. Anh là Ngộ em là Nghĩnh.

Buổi chiều oan nghiệt 2/8, anh Trần Ðức Tâm thuê mô tô nước dạo biển, trên xe chở con gái. Còn Hiếu- con của Ðàm Xuân Ðắc bạn anh thuê một xe. Trên xe có My, 21 tuổi, em họ anh Tâm. Dù đang ngoài biển nhưng xe của Hiếu đang trôi từ từ chứ chẳng phóng nhanh vượt ẩu gì cả. Bỗng đâu có chiếc xe lao tới đâm thẳng vào Hiếu, hất hai chị em xuống biển.

Phương Anh, 18 tuổi, con gái anh Tâm kể với phóng viên giây phút kinh hoàng: “Bố con cháu đang chạy xe gần đó vớt được chị My lên còn T. (người đâm Hiếu) vớt Hiếu lên xe mô tô nước của anh trai T”. Họ loay hoay không biết làm gì trong nhiều phút, không ai ra ứng cứu vì thấy bảo các mô tô đã được cho thuê hết.

Xe anh Tâm chở My cập bờ, lúc đó nhân viên khu nghỉ dưỡng mới dùng xe này phi ra chỗ tai nạn. Người nhà Hiếu gào khóc kêu mọi người cứu, gọi hộ xe cấp cứu.

Cuối cùng cũng có hai người đàn ông mặc đồng phục xanh chừng như là nhân viên cho thuê xe, làm động tác hô hấp cho Hiếu. Một dân mạng Otofun bình luận khá tinh khi xem clip đăng hình ảnh này: “Nhìn cách hô hấp là cấp cứu đuối nước, chứ tai nạn va chạm mà cấp cứu kiểu này đi nhanh hơn”.

Người nhà Hiếu cho biết: “Hai người này không phải nhân viên y tế và nhân viên cứu nạn. Không có phương tiện cấp cứu, đến bông băng cũng không. Mất mấy chục phút chơ vơ, mãi rồi chúng tôi cũng tự gọi được taxi chở cháu đến bệnh viện”.

Kết luận pháp y sau đó: Nạn nhân bị vỡ hộp sọ, vẹo cổ, rách cằm, giập gò má, gãy xương sườn... Ðã chấn thương cực nặng, cấp cứu muộn lại còn không đúng cách. Thật đúng là khổ nạn. Khi đi thì tưng bừng, chọn khách sạn đẹp biển đẹp để hưởng lạc, khi về thì bất động tử vong, trên xe y tế ra Hà Nội. Trong tích tắc, cả một gia đình, dòng họ sụp đổ.

Nhìn thiếu niên 16 tuổi áo trắng, kính cận trong bức ảnh tang, không ai cầm được nước mắt. Minh và Huy, những bạn học ở trường Nguyễn Trãi và Ngô Sĩ Liên của Hiếu, buồn thảm: “Hiếu hiền, ngoan lắm”. Hai anh em Hiếu- Thành thuộc loại “ngoan ra mặt”. Kiều Hạnh, hàng xóm cũ của bố con Hiếu ở 17 phố Huế, nhân vật trong bài Nhan sắc phố phường của tôi, nói: “Cả nhà tử tế mà sao khổ thế này”.

Một đoạn dài hai bên đường đầu phố Huế, ai cũng biết gia đình ông bà Vân mất khá sớm nhưng có 7 con rất thương yêu đùm bọc nhau. Trong gia đình, Ðàm Xuân Ðắc là con út nhưng trách nhiệm với cả nhà. Ðạt, tôi gọi là em, là anh trai của Ðắc tức bác ruột Hiếu, đau khổ: “Nó sống tốt với bạn bè và mọi người, ai cũng quí, có dám ăn ở có lỗi với ai đâu mà sao số phận nghiệt ngã”. Tôi biết anh em Ðạt- Ðắc từ tấm bé, đúng là không thể chê trách họ điều gì.

TAI NẠN BÁO TRƯỚC Ở KHẮP NƠI

Từ vụ việc đau thương, tìm hiểu thì hóa ra tai nạn mô tô nước không hề hi hữu. Khắp biển Bắc Trung Nam đều từng xảy cơ sự, từ bị thương đến tử vong. Báo chí đưa khá nhiều nhưng có vẻ chưa đủ?

Nhiều người chia sẻ trên diễn đàn mạng sau tai nạn thương tâm của Hiếu, kể cảm giác của mình với hung thần biển cả này: “Ði bơi thấy mấy ông mô tô nước lướt vè vè ngay cạnh mà khiếp, chẳng may đang lặn lại nổi lên nó đi qua chém cho vài đường, toi” “Lại còn kiểu phóng kéo theo cái phao dài ngoẵng cho người bám nữa, nhìn xe chạy một hướng phao chạy một hướng, không biết đường nào mà tránh”  “Ði tắm sợ nhất bọn này. Cửa Lò thì nó chỉ cho ngồi sau nhưng bọn lái lượn lờ gần chỗ tắm để bắt khách, mùi xăng sặc sụa”. Có người đề đạt: “Phải xem lại qui định lái loại xe này, chỉ cho kinh doanh mô hình khách ngồi ôm phía sau thôi (như lái dù lượn ở Khau Phạ). Lại phải có khu riêng chứ chung với bãi tắm rất nguy hiểm”.

Có người kể: “Một bạn khách hàng bên công ty xi măng thuê xe lướt sóng (mô tô nước) tự va vào tàu chết. Tự lái mà, lẽ ra phải có bằng”.      

Không phải ai cũng thích chơi trò mạo hiểm trong bối cảnh quản lý dịch vụ biển như hiện nay. Như một người phát biểu sau vụ tai nạn mô tô nước ở Ðà Nẵng 2/8: “Ra bãi tắm nhiều khi không dám bơi (nằm ngang) vì sợ không kịp tránh mấy thằng mô tô nước. Chưa nói cái mùi xăng bọn nó xả ra”. Ra đến biển mà muốn bơi tử tế cũng khó bởi “chỗ nước hơi sâu mà bơi đứng mãi cũng chán, chỗ nước cạn người đông thì càng chán bơi!”