Đào và chặt...

TP - Dường như mô hình phát triển của Việt Nam thời gian qua là “Nhà nước và nhân dân cùng đào”, việc xuất khẩu cũng dựa trên nguyên lý “đào và chặt” - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - TS Trần Đình Thiên từng thẳng thắn chỉ ra tại một hội thảo về tài nguyên khoáng sản cách đây chưa lâu.

Chặt phá rừng và đào bới tràn lan tài nguyên khoáng sản đang thực sự là mối họa với đất nước, không chỉ về môi trường, mà còn đối với cả tương lai của nền kinh tế. Thảm họa môi trường gây ra từ các mỏ vàng, titan, sắt, thiếc, than, đá,... đã đến mức báo động khắp hang cùng ngõ hẻm, rừng cao suối sâu, tràn vào cả từng bữa ăn giấc ngủ, sự an nguy mạng sống, sức khỏe của mỗi người dân.

Ngoài ra, với cung cách khai thác thô sơ “mạnh ai nấy làm”, lấy một bỏ chín như hiện nay, việc cạn sạch vốn tài nguyên trong thời gian không xa nữa là điều chắc chắn, nếu không kịp thời siết lại.

Do công nghệ khai thác lạc hậu, năng lực có hạn chủ yếu đào bới thô để xuất khẩu, các mỏ lại bị xé lẻ manh mún, khiến tỷ lệ thất thoát và lãng phí tài nguyên rất lớn.

Theo các chuyên gia, các mỏ của ta hiện mới chỉ tập trung bóc gỡ lấy đi phần giàu nhất mà bỏ đi các quặng nghèo và khoáng sản khác đi cùng. Tỷ lệ khai thác than hầm lò tổn thất lên tới 40-60%, quặng kim loại 15-30%. Trong khai thác vàng, độ thu hồi quặng vàng trong chế biến chỉ đạt 30-40%…

Đáng nói, phần lớn những khoáng sản thô này đều được xuất qua Trung Quốc. Trung Quốc không đưa vào sản xuất ngay, mà đem... chôn xuống các mỏ nhân tạo, làm của để dành, đợi đến vài chục năm nữa nguồn tài nguyên thế giới thực sự cạn kiệt như dự báo, lúc đó mới đào lên dùng. Chiêu này dường như ai cũng biết, nhưng không tỉnh ra, mà vì cái lợi trước mắt cứ thoải mái đào bới xả láng vô tội vạ, như không cần biết đến ngày mai!

Ngày 1-7 tới đây, Luật Khoáng sản sửa đổi sẽ chính thức được áp dụng. Những quy định mới của Luật như bỏ cơ chế xin - cho, khuyến khích tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân có năng lực, kinh nghiệm tham gia, quy định về đấu giá quyền thăm dò, khai thác khoáng sản để tăng nguồn thu cho ngân sách...

Đây là điều cần thiết nhằm phần nào chấn chỉnh tình trạng khai thác khoáng sản đang hỗn loạn, chồng chéo hiện nay. Luật sửa đổi lần này cũng được kỳ vọng là công cụ pháp lý để thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế như ý kiến của TS Trần Đình Thiên.

Tuy vậy, một công cụ quan trọng khác, đó là Chiến lược phát triển tài nguyên khoáng sản thì đến nay vẫn chưa có. Vấn đề không phải ở chỗ siết lại việc khai khoáng để tăng thu cho nhà nước, mà cần hơn là khai khoáng như thế nào, ở mức độ nào, theo quy hoạch từng giai đoạn, từng loại tài nguyên ra sao trên cơ sở nắm sát dự báo tình hình thế giới. Và làm sao hạn chế dần sự phụ thuộc của nền kinh tế cũng như người dân vào việc đào bới xuất bán khoáng sản thô. Đó mới là gốc rễ quan trọng nhất của vấn đề.

Theo Báo giấy