Tân Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng:

Đánh võng, cửa quyền là không được

TP - Trả lời câu hỏi của Tiền Phong sáng 10/4, tân Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng khẳng định, không thể chần chừ trước guồng máy đã hội nhập quốc tế. Ông Dũng cũng chia sẻ, cán bộ nếu giỏi mà đánh võng, cửa quyền, mặc cả là không được.
Tân Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng trao đổi với báo Tiền Phong, ngày 10/4.

Đánh võng, cửa quyền là không được

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói: Tôi sẽ phát huy những kết quả các đồng chí tiền nhiệm đã làm tốt, chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, và chuyển tải những thông tin từ Chính phủ, Thủ tướng tới người dân. Các đồng chí tiền nhiệm làm tốt công việc này là áp lực rất lớn đối với tôi. 

Khi có chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, tôi sẽ cố gắng thông qua báo chí để toát lên tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng. Bởi vì mỗi thời điểm, giai đoạn có những nhiệm vụ trọng tâm khác nhau. Tôi cùng với tập thể VPCP xây dựng một bộ máy hành chính mang tính chuyên nghiệp, hiện đại. Tôi sẽ cố gắng làm hết sức mình, bằng cái tâm, cái đức, bằng trách nhiệm. Khi ở địa phương, tôi thường nói với anh em là đừng để người ta chê là mình thiếu trách nhiệm. Người ta chỉ có thể góp ý mình là hạn chế về năng lực, chứ không phải năng lực có mà thiếu trách nhiệm. Có thể cái này mình chưa biết, chưa hiểu, hoặc hiểu nhưng cách làm của mình chưa đạt hiệu quả cao nhất, người ta còn thông cảm được. Nhưng nếu giỏi mà đánh võng, cửa quyền, mặc cả là không được.

Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất rõ ràng, Chính phủ phải đoàn kết nhất trí, hành động quyết liệt, lấy hiệu quả hiệu lực làm gốc, mục tiêu là vì người dân, đất nước phồn vinh, tăng trưởng, cuộc sống người dân hạnh phúc. 

Hiện nay đại biểu Quốc hội, nhân dân đều mong muốn xây dựng một Chính phủ kiến tạo, đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp. Tinh thần quyết liệt hành động từ Thủ tướng cho đến các tư lệnh ngành rất rõ rệt. Cá nhân ông cảm nhận điều đó như thế nào?

Khi được giao một nhiệm vụ mới, các thành viên Chính phủ, ngay cả tôi cũng vậy, phải cố gắng hết sức mình. Cơ hội như vậy nhưng khó khăn, thách thức cũng rất lớn, không gì bằng là mỗi người ở cương vị của mình đều cố gắng. 

Ông Mai Tiến Dũng

Điều đó thể hiện sự quyết liệt của Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ. Trách nhiệm của tôi là làm sao kết nối các tư lệnh ngành, các bộ, các địa phương, để thực hiện tinh thần đó. Tôi không thể chần chừ trước guồng máy đã tham gia hội nhập quốc tế, trước yêu cầu của xã hội, người dân, mong muốn đất nước tăng trưởng nhanh và bền vững, do vậy tôi không thể nào ngồi chờ. Tôi sẽ phải tạo sự kết nối, cung cấp thông tin, thường xuyên báo cáo tiến độ công việc của bộ ngành địa phương để Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo công việc sát hơn.

Là cơ quan tham mưu tổng hợp, ông sẽ chọn điểm gì để đột phá?

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu một số nhiệm vụ trọng tâm khi trả lời báo chí sau khi được bầu làm Thủ tướng. Đó chính là chương trình hành động của Chính phủ, Thủ tướng, VPCP có nhiệm vụ tham mưu, giúp Chính phủ thực hiện tốt 6 nhiệm vụ ưu tiên mà Thủ tướng đã đặt ra. Trách nhiệm của tôi là làm tốt việc đó.

Nhân ông nhắc đến tinh thần trách nhiệm, liệu việc chuyển đổi từ vai trò một bí thư tỉnh ủy, quyết định và chịu trách nhiệm tập thể, sang một tư lệnh ngành, chịu trách nhiệm cá nhân trước mọi quyết định của mình, Bộ trưởng có thấy là một việc nặng nề?

Đây đúng là tâm tư, băn khoăn lo lắng nhất của tôi. Nhận nhiệm vụ mới này là vinh dự lớn cho cá nhân. Nhưng bất cứ ai nhận nhiệm vụ mới thì luôn có những thách thức, khó khăn. Ví dụ trước đây là bí thư một tỉnh, hoạt động là mang tính tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, nhưng trên cương vị mới, trách nhiệm là của cá nhân người thủ trưởng, đứng đầu cơ quan. Khi tôi nhận diện được những khó khăn, thách thức đó, cá nhân phải cố gắng. Tôi có lòng tin là có tập thể lãnh đạo Chính phủ, trực tiếp là Thủ tướng, và các cộng sự trong VPCP, sẽ giúp tôi và VPCP vượt qua những khó khăn, thách thức đó, biến thành những cơ hội. 

VPCP không phải là “siêu bộ”

Việc chuyển giao sớm lần này được cho là một cơ hội để các bộ trưởng sớm bắt tay vào công việc, đồng thời là một bước thử thách trong ba tháng trước khi bước vào nhiệm kỳ mới, Quốc hội sẽ bầu lại các chức danh. Trong 3 tháng thử thách này, Bộ trưởng muốn thể hiện hình ảnh của mình như thế nào để thuyết phục Quốc hội và cử tri?

Chủ trương kiện toàn sớm bộ máy Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ được cử tri, nhân dân và đảng viên cả nước hoan nghênh và quan tâm. Khi kết thúc thành công Đại hội Đảng XII, đã kiện toàn các cơ quan lãnh đạo của Đảng, thì đồng bộ phải là các cơ quan của nhà nước, để bắt tay vào công việc luôn. Chắc chắn đây là áp lực, thử thách của tất cả các thành viên Chính phủ, nhưng cũng là cơ hội tốt nhất để được tiếp cận, nắm bắt và thực hiện công việc của mình. Khi được giao một nhiệm vụ mới, các thành viên Chính phủ, ngay cả tôi cũng vậy, phải cố gắng hết sức mình. Cơ hội như vậy nhưng khó khăn, thách thức cũng rất lớn, không gì bằng là mỗi người ở cương vị của mình đều cố gắng. Tôi chắc chắn là đồng chí nào cũng thế, đều có chương trình hành động, suy nghĩ, băn khoăn, tâm tư, lo lắng... Nhưng lo lắng mới là tốt. Nếu ai cũng bảo “cái này tôi làm ngon” thì không hẳn đã là tốt.

Ông Đinh La Thăng khi về làm Bí thư Thành ủy TPHCM đã có đột phá là lập đường dây nóng. VPCP có tính tới xây dựng một đường dây nóng để kết nối, lắng nghe những quan tâm, bức xúc của người dân để giải quyết kịp thời?

Hiện VPCP đã làm tốt việc chuyển tải thông tin về chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng tới xã hội và người dân. Chiều xuống đã rất tốt, nhưng chúng tôi cũng nhận thấy hạn chế là cập nhật phản hồi từ tổ chức, người dân và doanh nghiệp, tức là chiều lên, mặc dù đã làm nhưng chưa được nhuyễn, được tốt. Thông qua cập nhật dư luận xã hội, qua Cổng thông tin Điện tử Chính phủ, báo chí…VPCP cũng tiếp nhận thường xuyên, tới đây sẽ xem xét cách nào để làm tốt hơn, cập nhật rồi thì xử lý tốt hơn.

Dư luận vẫn cho VPCP là một “siêu bộ”, là cửa khó đối với nhiều doanh nghiệp, địa phương và thậm chí là các bộ ngành khác. Bộ trưởng dự dịnh thay đổi điều này như thế nào và bao lâu thì gạt bỏ được suy nghĩ đó?

Câu cửa miệng ta hay nói là siêu bộ thôi chứ thực ra không phải. Ở địa phương cũng vậy, Văn phòng UBND tỉnh không phải là cơ quan “siêu sở”. Thực tế, khi Thủ tướng giao cho các bộ chuyên ngành chuẩn bị các đề án, chương trình thì VPCP có nhiệm vụ thẩm định, kết nối và xử lý thông tin giữa các bộ, ngành chủ trì đến các bộ, ngành liên quan và các địa phương. Ban hành bất cứ văn bản nào, đặc biệt là của Chính phủ, sẽ có ảnh hưởng lan tỏa rất lớn đến kinh tế - xã hội, an sinh, vấn đề phát triển lâu dài bền vững và hội nhập quốc tế nên cần phải chính xác, không được sơ sảy. Đó là những vấn đề vĩ mô chứ không chỉ mang tầm một doanh nghiệp, địa phương, mà phải cân nhắc, xử lý một cách tổng thể. Các cơ quan, địa phương thấy chậm thì cho là rào cản, siêu bộ nhưng thực tế không phải vậy.

Cảm ơn Bộ trưởng.