Khốn đốn vì nằm trong quy hoạch
Dự án Công viên hồ Đầm Hồng nằm trên địa bàn các phường Khương Trung, Khương Đình (quận Thanh Xuân) được lập từ cuối năm 1999, theo Quyết định số 112/1999/QĐ-UB của thành phố Hà Nội. Dự án được lập bao trùm lên cả khu dân cư, bởi trong quy hoạch có phần thu hồi đất tạo cảnh quan cho công viên. Tuy nhiên, đã gần 20 năm trôi qua, thời điểm triển khai dự án vẫn chưa được thông báo rõ ràng, dẫn đến việc hơn 200 gia đình, với khoảng gần 1.000 người dân phải sống trong cảnh thấp thỏm lo âu, không biết lúc nào sẽ phải rời đi nhường đất cho dự án.
Vì đất nằm trong vùng đã có quy hoạch nên cả chục năm qua, mọi việc liên quan đến cấp sổ đỏ, cấp Giấy phép xây dựng của người dân đều không được thực hiện, trong khi đất của người dân có đầy đủ tiêu chuẩn để được cấp sổ đỏ. Không có sổ đỏ, dẫn đến hàng loạt quyền lợi của người dân không được đảm bảo như nhập hộ khẩu, xin nhập học cho trẻ em đủ tuổi đến trường, hưởng những ưu đãi về điện, nước…
Trao đổi với PV Tiền Phong, bà Hoàng Thị Kim Dung, Tổ trưởng Tổ dân phố số 9 (cụm dân cư 4), phường Khương Đình cho biết, cụm dân cư số 4 được hình thành từ trước năm 1993. Sau hàng chục năm ăn ở ổn định, khu dân cư số 4 đã có đầy đủ hệ thống chính trị và các tổ chức đoàn thể. Tuy nhiên, do đất nằm trong quy hoạch dự án Công viên hồ Đầm Hồng, nên người dân không được xét cấp sổ đỏ, dẫn đến việc không được sửa chữa nhà, mặc dù nhà đã xuống cấp nghiêm trọng và có thể đổ sập bất thình lình.
Dự án không lấy đất, dân vẫn không được cấp sổ đỏ
Ngày 3/4/2003, UBND thành phố Hà Nội ký Quyết định số 1809/QĐ-UB, thu hồi 2,6 triệu m2 đất thuộc thị trấn Đức Giang và các xã Thượng Thanh, Việt Hưng, Gia Thụy, Giang Biên, huyện Gia Lâm (nay là quận Long Biên) giao cho Cty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị (Tổng Cty HUD) tổ chức điều tra lập phương án GPMB, triển khai dự án đầu tư cải tạo chỉnh trang tuyến phố Ngô Gia Tự và Xây dựng Khu đô thị mới Việt Hưng - Gia Lâm.
Trong quá trình triển khai dự án, năm 2011, Tổng Cty HUD có văn bản xin điều chỉnh mục đích sử dụng đất và được UBND thành phố Hà Nội chấp thuận bằng Quyết định số 720. Theo đó, lô đất có ký hiệu CT-12 thuộc Tổ 10, phường Đức Giang đã được chuyển thành đất ở, người dân đủ điều kiện được làm thủ tục cấp sổ đỏ như các khu dân cư không thuộc vùng quy hoạch. Nhưng đến nay, mong muốn được cấp sổ đỏ để làm cơ sở xin GPXD của hàng trăm hộ dân, với hàng ngàn nhân khẩu ở Tổ 10 chưa được giải quyết do Quyết định số 1809/QĐ-UB thu hồi 2,6 triệu m2 chưa được UBND thành phố Hà Nội điều chỉnh, dẫn đến việc UBND quận Long Biên không thể làm hồ sơ cấp sổ đỏ cho người dân theo quy định.
Khu dân cư “nhiều không”
Một trường hợp điển hình khác về những khó khăn người dân vấp phải do quy hoạch treo là khu dân cư số 1, 2 và 4 phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng. Dự án mở rộng Công viên Tuổi trẻ Thủ đô được lập ra từ năm 1970. Đến năm 2001, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 442/QĐ-TTg, về việc giao đất để tổ chức GPMB, chuẩn bị đầu tư xây dựng với diện tích 26,2 ha. Đến ngày 6/5/2010, thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 2035/QĐ-UBND, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Dự án Công viên Tuổi trẻ Thủ đô. Tuy nhiên, đến nay, Dự án công viên Tuổi trẻ Thủ đô vẫn chưa có lộ trình triển khai, do chưa tìm ra nguồn vốn, mặc dù thành phố đã đổi chủ đầu tư.
Ông Nguyễn Hữu Căn, cử tri phường Thanh Nhàn cho biết: “Dự án Công viên Tuổi trẻ được lập ra từ năm 1970, nhưng không có tiến độ triển khai rõ ràng. Trong lúc dự án bị “treo” vô thời hạn, những người sở hữu nhà đất hợp pháp không được cấp sổ đỏ, không được cấp GPXD khiến người dân lâm vào cảnh khó khăn, dẫn đến đời sống của trên 3.500 nhân khẩu tại đây bị kìm hãm. Dự án treo dài hạn đã và đang đẩy gần 1.000 hộ gia đình rơi vào cảnh “Nhiều không: Không sổ đỏ, không được xây nhà, không chia khẩu, tách khẩu”.
Trao đổi với PV Tiền Phong, giáo sư Đặng Hùng Võ nhận định, việc để nhiều dự án không thực hiện từ năm này sang năm khác chứng tỏ thành phố Hà Nội chưa thực hiện đúng Luật Đất đai. Cụ thể, tại Nghị định 181/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai 2013 đã nêu rõ: Sau 3 năm mà quy hoạch không được thực hiện thì phải điều chỉnh, trong đó có việc xem xét hủy bỏ dự án. Luật Đất đai 2013 cũng nêu rõ, sau 3 năm kể từ khi công bố mà quy hoạch không được thực hiện đều phải thực hiện việc điều chỉnh, nếu xét thấy không khả thi thì phải hủy bỏ quy hoạch...
Ông Đặng Hồng Thái, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cho biết, trong lúc chờ UBND thành phố và các cơ quan chức năng xem xét lại quy hoạch dự án, trước mắt UBND quận Thanh Xuân đang đẩy nhanh việc giải quyết vấn đề hộ khẩu cho gần 300 gia đình, tạo cơ sở giúp người dân được hưởng các quyền lợi theo quy định.
Cả chục năm qua, mọi việc liên quan đến cấp sổ đỏ, cấp Giấy phép xây dựng của người dân đều không được thực hiện, trong khi đất của người dân có đầy đủ tiêu chuẩn để được cấp sổ đỏ. Không có sổ đỏ, dẫn đến hàng loạt quyền lợi của người dân không được đảm bảo như nhập hộ khẩu, xin nhập học cho trẻ em đủ tuổi đến trường, hưởng những ưu đãi về điện, nước…