Dân là gốc, dân là chủ
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng vai trò là chủ, làm chủ của nhân dân. Trong tư tưởng của Người, nhà nước phải là nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; phải phục vụ nhân dân. Bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 do Người làm trưởng ban soạn thảo, đã thể hiện đầy đủ tinh thần ấy, ghi nhận các quyền con người và quyền công dân. Toàn bộ quyền lực của nhà nước đều bắt nguồn từ nhân dân. Tư tưởng này cũng là kết tinh truyền thống lấy dân là gốc, dân là chủ, “sức dân như sức nước”, “đẩy thuyền cũng là dân mà lật thuyền cũng là dân” của dân tộc ta từ xưa đến nay.
Có thể thấy, trong bất cứ hoàn cảnh, điều kiện nào thì mục tiêu của Đảng cũng là vì dân. Mối quan hệ giữa Đảng với Nhân dân là mối quan hệ máu thịt. Khi nào mối quan hệ đó tốt thì sự nghiệp cách mạng sẽ thành công, song khi nào mối quan hệ đó bị lơ là, hoặc chưa đạt nguyện vọng mong muốn của nhân dân thì sự nghiệp cách mạng có thể gặp khó khăn. Vì thế, trong Di chúc để lại, lời cuối cùng mà Bác nhắn nhủ chính là xây dựng đất nước Việt Nam hòa bình, độc lập dân chủ và giàu mạnh để đem lại cuộc sống ấm lo và hạnh phúc cho nhân dân.
Tuy nhiên, mục tiêu lý tưởng mà Đảng đặt ra phụ thuộc vào sự quyết định ở nhân dân. Khi nào nhân dân thấy mục tiêu của Đảng là của chính mình, đồng hành, cùng phấn đấu thì sự nghiệp cách mạng thành công. Ngược lại, khi nào mà chủ trương của Đảng đề ra chưa phù hợp với lòng dân, sẽ khó phát huy được sức dân.
Xây dựng đội ngũ cán bộ tin dân, hiểu dân và trọng dân
Đại hội Đảng lần thứ XIII sắp diễn ra là một sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng đối với toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng tới đây tiếp tục đặt vấn đề sâu sắc hơn về mối quan hệ giữa Đảng với Nhân dân và coi đó là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng. Trong điều kiện đảng cầm quyền thì mối quan hệ giữa Đảng và Nhân dân chủ yếu thông qua các đảng viên trong các cơ quan Nhà nước. Cho nên để tăng cường sự gắn bó máu thịt giữa Đảng và Dân phải xây dựng đội ngũ cán bộ thực sự gần dân, tin dân, hiểu dân, trọng dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”. Người cũng chỉ rõ: Nhà nước ta là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Người dạy “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại cho dân, ta phải hết sức tránh”. Vì thế, Đại hội Đảng tới đây phải lựa chọn những người thực sự có đức, có tài, trọng danh dự; thực sự là những công bộc của dân.
Nhiệm vụ quan trọng của Đảng và các cơ quan nhà nước là phải đem lại môi trường đáng sống cho nhân dân. Muốn thế, mọi cán bộ, đảng viên đều phải ghi nhớ điều Bác Hồ từng nói: “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”, PGS.TS Nguyễn Minh Tuấn, Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng
Tuy nhiên, việc bầu cán bộ là một chuyện, việc quan trọng hơn là giám sát và kiểm soát quyền lực của những người có chức, có quyền khi họ được bầu. Một cán bộ, đảng viên khi mới được quy hoạch, giới thiệu để bầu vào chức vụ cao hơn có thể rất tốt, song khi có chức, có quyền có thể sa ngã trước sự cám dỗ bởi lợi ích vật chất, nếu bản thân cán bộ đó thiếu rèn luyện, nếu thiếu sự giám sát của nhân dân. Những gì diễn ra ở nhiệm kỳ XII của Đảng đã cho chúng ta thấy rõ điều đó. Có rất nhiều cán bộ khi có chức, có quyền đã không giữ được bản lĩnh của người cán bộ, đảng viên dẫn đến có những hành vi vi phạm và bị xử lý kỷ luật.
Vì thế, việc xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực đối với những người có chức, có quyền là rất quan trọng. Nếu quyền lực không được kiểm soát rất dễ dẫn đến lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực vì lợi ích cá nhân, tham nhũng, “lợi ích nhóm”. Phải quản lý chặt chẽ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, đặc biệt là người đứng đầu, không để xảy ra tình trạng tha hóa quyền lực, tham nhũng, “lợi ích nhóm”. Bản thân những người được bầu vào các vị trí quyền lực cũng phải không ngừng tu dưỡng đạo đức, giữ gìn sự trong sạch, liêm chính, không để sa ngã bởi những cám dỗ về quyền lực và vật chất.
Ngoài công tác cán bộ, cần tiếp tục đổi mới công tác dân vận. Dân vận là phải đề ra chủ trương sát với cuộc sống của dân, nhu cầu của dân và giải quyết những vấn đề bức xúc trong nhân dân. Đặc biệt phải chú ý phát huy môi trường dân chủ trong nhân dân. Muốn vậy, phải phát huy thực sự vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong việc phản biện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.
Các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng lần này, ngoài việc nhấn mạnh, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra còn có một điểm rất mới nữa được nêu bật là dân thụ hưởng.Tinh thần là dựa vào dân để xây dựng Đảng, có giải pháp thiết thực, cụ thể, thực sự dựa vào dân để xây dựng đội ngũ cán bộ. Đó là những nét mới, những điểm nhấn trong công tác dân vận được đề cập trong các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.