Hôm qua, ngày tư vấn xét tuyển ĐH,CĐ năm 2024 do Báo Tuổi trẻ TPHCM chủ trì phối hợp Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH, Sở GD&ĐT Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức tại Hà Nội.
Tại đây có sự tham gia của 150 gian tư vấn của các trường ĐH, CĐ, đơn vị giáo dục trong và ngoài nước.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho biết việc tư vấn xét tuyển trong giai đoạn này rất cần thiết với thí sinh trong định hướng để lựa chọn sáng suốt khi đăng kí nguyện vọng xét tuyển.
Thí sinh trúng tuyển sớm vẫn phải đăng kí nguyện vọng đó lên hệ thống. Nếu không đăng kí, coi như thí sinh từ bỏ nguyện vọng đã trúng tuyển.
“Đối với các em đã có kết quả trúng tuyển sớm của các trường ĐH vẫn phải đăng kí nguyện vọng lên hệ thống xét tuyển của Bộ GD&ĐT.
Các em cần bảo mật tài khoản truy cập vào hệ thống, vì nếu để lộ có thể sẽ bị người khác điều chỉnh, thay đổi nguyện vọng xét tuyển”, bà Thủy lưu ý thí sinh và thông tin năm trước Vụ Giáo dục ĐH đã phải xử lí các trường hợp thí sinh đi du lịch vì yên tâm đã trúng tuyển sớm mà không đăng kí nguyện vọng này lên hệ thống. Khi biết việc phải đăng kí thì hệ thống đã đóng. Đặc biệt, thí sinh phải nhớ các mốc thời gian quy định, không nên chủ quan, vì khi quay lại, hệ thống đã đóng và lúc đấy không còn cơ hội đăng kí.
Để giúp thí sinh trúng tuyển được ngành yêu thích nhất, phù hợp nhất với năng lực, hệ thống xét tuyển chung của bộ cho phép đăng kí không giới hạn số lượng nguyện vọng, không giới hạn số lần điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển.
Thí sinh chỉ cần đăng kí vào ngành/chương trình đào tạo của trường mong muốn xét tuyển, không cần đăng kí phương thức hay tổ hợp xét tuyển.
Từ việc được đăng kí không giới hạn số lượng nguyện vọng xét tuyển, thí sinh cần phải có chiến thuật và chiến lược hợp lí. Nguyện vọng nào thí sinh yêu thích nhất, mong muốn vào học nhất thì đặt lên đầu tiên. Tuy nhiên, thí sinh cũng không nên đặt quá nhiều nguyện vọng không cần thiết gây tốn kém, lãng phí, chỉ cần đặt trên/dưới 10 nguyện vọng.
Theo bà Thủy thí sinh không nên "bỏ hết trứng vào một giỏ", đặt hết nguyện vọng vào nhóm trường có mức độ cạnh tranh cao như nhau, vì có khả năng một nguyện vọng không đỗ, các nguyện vọng sau cũng trượt. Phải có chiến thuật đặt nguyện vọng hợp lí, dàn trải vào những nhóm trường có mức độ cạnh tranh khác nhau để có cơ hội trúng tuyển tốt nhất.
Khi đã được hệ thống xác nhận trúng tuyển, thí sinh cần có thêm thao tác xác nhận nhập học trong khoảng thời gian quy định, nếu không hệ thống sẽ hiểu là từ chối quyền nhập học.
Mất cơ hội vì không tìm hiểu thông tin
Từ thực tế, PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lí Đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương chia sẻ việc một thí sinh tham gia đợt thi cuối cùng kì thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội (cuối tháng 5) và đạt 114 điểm, mức điểm rất ít thí sinh đạt được.
Một trong 5 phương thức xét tuyển sớm của Trường ĐH Ngoại thương là xét kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội với mức điểm 100 và ngày 6/6 hệ thống xét tuyển sớm đóng cổng.
Trước đó, nhà trường có thông báo là chấp nhận kết quả bản mềm đối với những thí sinh dự đợt thi cuối cùng của kì thi đánh giá năng lực, nhưng thí sinh đã không để ý và đợi 14 ngày sau có bản chứng nhận kết quả cứng mới nộp hồ sơ. Vì vậy dù điểm thi đánh giá năng lực cao nhưng thí sinh này không có cơ hội trúng tuyển vì đã quá thời gian quy định.
Những sai sót đáng tiếc như trên năm nào cũng có. Năm 2023, Vụ Giáo dục ĐH cũng đã phải giải quyết tình huống có 23 thí sinh ở Phú Xuyên (Hà Nội) gặp trục trặc do để lộ mật khẩu truy cập vào tài khoản và bị người khác sửa chữa thông tin.
Hiện một thí sinh có thể có hơn 1 số căn cước công dân, vì vậy các chuyên gia khuyên trong suốt quá trình đăng kí dự thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển nguyện vọng ĐH, điều chỉnh nguyện vọng, thí sinh chỉ thống nhất sử dụng 1 số. Tránh tình trạng đăng kí nhiều số căn cước công dân làm hệ thống không nhận diện được và quá trình xét tuyển thí sinh sẽ gặp nhiều trục trặc.