Hà Nội

Dang dở công trình giao thông nghìn tỷ - Bài cuối: Nên dừng cấp vốn cho dự án 'khuyết tật'

TP - Cho ý kiến về các công trình, dự án giao thông tại Hà Nội được đầu tư bằng tiền ngân sách nhưng dở dang, không có kết nối, ông Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội cho rằng, cần thanh tra, điều chỉnh, dừng cấp vốn cho các dự án giao thông có "khuyết tật".

Dự án không hiệu quả là chiếm dụng ngân sách

Ông đánh giá thế nào về việc thực hiện các dự án sử dụng ngân sách tại Hà Nội và các địa phương khác hiện nay. Vì sao lại xảy ra vấn đề đầu tư dở dang không hiệu quả?

Căn cứ vào nhu cầu vốn để phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có đầu tư cho các dự án hạ tầng giao thông, hằng năm các tỉnh, thành phố trong đó có Hà Nội đều đề xuất Chính phủ, Quốc hội phân bổ vốn đầu tư ngân sách (đầu tư công).

Thực tế giám sát, kiểm tra của Ủy Ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội trong các năm qua cho thấy, vốn đầu tư được Trung ương phân bổ cho Hà Nội rất lớn, trong đó năm 2022 là hơn 51.000 tỷ đồng, năm 2023 là hơn 46.900 tỷ đồng.

Ông Lê Thanh Vân

Tuy nhiên, thực tế việc giải ngân vốn đầu tư ngân sách tại Hà Nội trong những năm qua chưa bao giờ giải ngân hết, riêng năm 2022 đạt 87%; khoảng 23% số vốn được phân bổ (tương đương 12.400 tỷ đồng) vẫn còn tồn đọng, chưa tiêu được.

Ngoài ra, nhiều công trình đã được phân bổ vốn ngân sách nhưng lại thực hiện, sử dụng vốn chưa hiệu quả như phản ánh của báo chí là một câu chuyện rất đáng tiếc. Trong khi các địa phương khác đang thiếu vốn, đói vốn, Hà Nội lại thừa vốn, có tiền không tiêu được.

Để tồn tại một số dự án giao thông thi công dở dang, không có kết nối, bỏ hoang là do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân căn bản là việc thực hiện quy hoạch manh mún, không bài bản. Cụ thể, phát triển các dự án hạ tầng giao thông nhưng lại không có thứ tự ưu tiên. Làm quy hoạch bài bản phải làm từng bước, làm theo lộ trình.

Tuy nhiên, ở Hà Nội đang có tình trạng làm đường lớn, cầu lớn trước, sau đó mới làm đường nhỏ, cầu nhỏ. Đường thông, cầu thông rồi nhưng vẫn chưa có đường kết nối, phương tiện đi vào đây rồi không biết đi đâu. Đường Chu Văn An (Thanh Trì), đường Mai Chí Thọ (Long Biên), trục phía Nam đầu tư cả nghìn tỷ đồng không có đường kết nối, thông xe đã nhiều năm nhưng hiện điểm cuối tuyến đi thẳng ra bờ ruộng, vào vườn nhà dân…

Ngoài ra, không chỉ dự án sử dụng ngân sách, với hình thức dự án cấp bách, trọng điểm cần phải đầu tư, trong thời gian qua nhiều địa phương còn đề xuất Chính phủ, Quốc hội duyệt chi nhiều dự án giao thông hàng nghìn tỷ đồng theo dạng phát hành trái phiếu.

Tuy nhiên, khi xin được chủ trương huy động vốn, các dự án này triển khai ì ạch, thậm chí là dở dang. Trong khi đó, các dự án phục vụ dân sinh, cộng đồng khác như trường học, bệnh viện, trạm y tế, nước sạch lại đang thiếu vốn, khát vốn.

Đường Mai Chí Thọ (Long Biên) xây dựng rộng 8 làn xe đồng bộ nhưng phía cuối đường dẫn xuống ruộng. Ảnh: T.Đảng

Ưu tiên đầu tư dự án “kích nổ”

Giải pháp nào để khắc phục thực trạng này, thưa ông?

Để giảm, ngăn chặn tình trạng để dự án giao thông dang dở, đường cụt, không có kết nối, Hà Nội và các địa phương khác cần phải bắt đúng bệnh và đưa ra được các giải pháp phù hợp, tránh bị Quốc hội, Chính phủ giám sát, kiểm tra, dẫn đến cắt vốn, điều chuyển vốn.

Theo tôi, giải pháp cần thực hiện là phải siết chặt quản lý quy hoạch, việc thực hiện các công trình đầu tư công trong đó có dự án giao thông bài bản, có trình tự, việc này phải gắn liền với nhu cầu, lợi ích thiết thực của phát triển kinh tế - xã hội.

Tiếp đến, phải xác định các thứ tự ưu tiên để dồn vốn và nguồn lực để đầu tư những công trình có tính chất “kích nổ”, tạo lan tỏa cho các lĩnh vực phát triển khác.

Ví dụ, làm một trục giao thông trọng yếu đúng quy hoạch, thực hiện bài bản, đúng tiến độ sẽ gỡ ùn tắc cho nhiều nút giao thông khác, có vai trò dẫn dắt, điều tiết, làm phân tán giao thông trong khu vực. Những dự án này phải tập trung nguồn lực và ưu tiên vốn thực hiện chứ không phải xây những con đường, cây cầu lớn nhưng nằm cách xa dân cư, không tạo được tính “kích nổ”.

Ví dụ, các đường vành đai nếu Hà Nội tập trung và quyết liệt để làm thì sẽ cho thấy hiệu quả ngay trong việc điều tiết lưu lượng phương tiện giao thông, giảm đi vào nội thành. Tuy nhiên, thực tế dù đã thực hiện hàng chục năm nhưng hệ thống các tuyến đường từ vành đai 1 đến vành đai 3 chưa có tuyến nào hoàn thiện việc khép kín.

Cùng với đó, những dự án dở dang, không mang lại hiệu quả, thì phải xác định trách nhiệm của tập thể và đặc biệt là người đứng đầu trong việc đề xuất triển khai, ký quyết định đầu tư. Thậm chí, công trình đầu tư không đúng mục đích, để xuống cấp, gây lãng phí ngân sách thì cần thiết phải quy thanh tra, quy trách nhiệm, sau đó phải xử lý về mặt pháp luật.

Dừng cấp vốn cho dự án dang dở, không rõ mục tiêu

Với những địa phương sử dụng vốn ngân sách chưa hiệu quả tại một số dự án, các cơ quan chuyên trách của Quốc hội cần làm gì?

Hằng năm, trong từng kỳ họp Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội thường tham mưu cho Quốc hội các chương trình giám sát theo chuyên đề, bao gồm giám sát về chính sách; giám sát trong thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về đầu tư công; giám sát việc thực hiện chính sách, nghị quyết tại địa phương, bộ ngành.

Cùng với đó, hằng năm Quốc hội vẫn xem xét các hoạt động thanh, kiểm tra thường xuyên của hệ thống các cơ quan chuyên trách của Nhà nước về thực hiện theo thẩm quyền các đợt giám sát về đầu tư công. Nội dung xem xét bao gồm việc thực hiện công trình đầu tư công có đúng chủ trương, quy hoạch; giải pháp chấn chỉnh, xử lý vấn đề còn tồn tại đã hợp lý chưa…

Trong nhiệm kỳ Quốc hội hiện nay, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã và đang thực hiện giám sát các nội dung theo chuyên đề. Qua đó đã phát hiện ra nhiều dự án phát triển hạ tầng không cần thiết, mục tiêu đầu tư, sử dụng dự án không rõ ràng, hiệu quả, dự án triển khai chậm, dang dở… Với những dự án này, chúng tôi đề nghị ngay là dừng giải ngân hoặc chuyển vốn.

Cảm ơn ông.