Con thuyền nhôm nhỏ của ông Nguyễn Mẫn (tổ 6, thôn Lệ Sơn Nam, xã Hòa Tiến) mấy ngày nay là phương tiện di chuyển của hầu hết bà con trong xóm. “Cả xóm có mấy chiếc đò “grab” rứa đó, chèo không ngơi tay”, ông Mẫn cười đùa lúc trả 2 “hành khách” xuống khu vực đường nhựa liên xã.
Nhà bà Nguyễn Thị Vinh (tổ 6, thôn Lệ Sơn Nam) ở tận sâu trong hẻm, nước ngoài đường xóm đã ngập quá đầu người. Từ hôm qua đến giờ, muốn di chuyển ra khu vực phía ngoài để mua sắm thuốc men…, bà đều cậy nhờ thuyền nhỏ của ông Mẫn.
“Tối qua khoảng hơn 10h khuya, nước lên nhanh khiến tui không kịp trở tay. Nhà đơn chiếc, chỉ có mấy mẹ con, lại bị cắt điện do bão nên có biết thông tin chi mô. Thấy nước lên là dọn lấy dọn để, giờ trong nhà tui nước cũng ngập bụng, mấy người rồi chó, mèo, đồ đạc, lúa má… chen chúc trên gác xép. Đây đã là trận lụt thứ 4 trong tháng này rồi”, bà Vinh ngao ngán.
Bà Vinh chỉ là một trong gần 400 hộ bị ngập lụt sau bão số 9 vì thủy điện xả lũ khiến nước sông dâng cao.
Thôn La Bông (xã Hòa Tiến) là địa phương có số nhà ngập lụt nhiều nhất trên toàn xã với hơn 300 nhà bị ngập. Ông Nguyễn Trường, Trưởng thôn La Bông cho hay, các nhà trong thôn đã ngập lụt gần 1 ngày trời, chỗ sâu nhất nước ngập 1,5m đến 2m. “Hai ngày nay không có điện, không có nước sạch để dùng. Cả thôn chỉ có 2 chiếc thuyền nhôm để bà con di chuyển, chủ yếu chỉ để tiếp tế lương thực thực phẩm”, ông Trường nói.
Tính đến 15h30 ngày 29/10, nước tại các khu vực ngập lụt trên địa bàn xã Hòa Tiến đang rút chậm. Hiện các tuyến đường DH409, cầu Nghị Nam Sơn, khu vực cầu Bến Giang, cầu cống Trung Lương thôn Lệ Sơn 2, cầu Bà Điềm thôn La Bông, bị ngập; các tuyến đường khu dân cư các thôn đều bị ngập sâu từ 1m đến 2m.
Theo ông Đặng Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực UBND xã Hòa Tiến, từ 8h tối 28/10, UBND xã đã phát loa cảnh báo về nguy cơ lũ lụt trở lại do thủy điện xả lũ, đồng thời, cử lực lượng đi nhắc nhở bà con.
“Xã chỉ đạo, sử dụng lực lượng xung kích phòng chống thiên tai tại chỗ để giúp dân, tổ chức chốt chặn, đặt cảnh báo các khu ngập lụt nguy hiểm. Những nhà bị ngập sâu đã được di tản đến những nhà cao kiên cố”, ông Tuấn nói thêm.
Theo báo cáo của BCH Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Hòa Vang, thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ với thực tế có thời điểm lên đến 7.000m3/s. Trên địa bàn huyện có 15 thôn thuộc 4 xã với gần 600 hộ bị ngập lụt.
Hà Tĩnh di dời khẩn cấp hàng ngàn dân
Hôm qua, 29/10, các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) đã phát lệnh di dời dân khỏi địa bàn có nguy cơ sạt lở, ngập úng. Tại huyện Hương Sơn, 16/25 xã, thị trấn phải sơ tán 799 người dân; Hương Khê: 149 người; Hơn 4.144 nhân khẩu tại các xã Ân Phú, Đức Lĩnh, Đước Giang, Đức Liên (huyện Vũ Quang) phải di dời khẩn cấp đến nơi an toàn, tránh ngập lụt, lở núi. Toàn tỉnh có 302 trường, 147.000 em học sinh được nghỉ học do mưa lớn kéo dài.
Chiều 29/10, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Võ Văn Lương - Chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy, Kon Tum cho biết đã tiếp cận được những hộ dân bị cô lập ở xã Đắk Pne. UBND huyện cũng đã phân công lực lượng trực sẵn, ứng cứu khi cần thiết, đồng thời chuẩn bị đầy đủ nhu yếu phẩm để cung cấp cho người dân xã này.