Ba giờ lênh đênh "rốn lũ"
Nhiều ngày qua, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) mưa lớn cùng với việc Nhà máy Thủy điện Hố Hô xả lũ khiến hơn 20 xã bị cô lập, riêng tại Hương Thủy, Hương Giang, Phương Mỹ, Phương Điền, Hà Linh, Gia Phố… ngập sâu, mọi tuyến đường huyết mạch bị nước lũ bao vây, chia cắt. Nước dâng cao, người dân vùng lũ chung cảnh không điện, thiếu nước sạch, cuộc sống vốn đã chật vật nay càng thêm khó khăn. Chúng tôi lên thuyền cùng hơn 10 thành viên khác trong đoàn cứu trợ của tỉnh Hà Tĩnh do Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn dẫn đầu. Trên đường đi, mưa như trút nước, gió thổi mạnh và dòng nước sông chảy xiết khiến cho việc tiếp cận khu vực gặp rất nhiều nguy hiểm.
Điểm thuyền di chuyển bắt đầu từ xã Hà Linh, sau 3 giờ đồng hồ đi theo đường thủy điểm đầu tiên đoàn cứu trợ tiếp cận là thôn Ấp Tiến, xã Phương Mỹ. Nhìn ra xung quanh, những cánh đồng, nhà dân bị ngập sâu trong biển nước. Thấp thoáng bóng trẻ con, người già ngồi bên khung cửa sổ.
Căn nhà cấp 4 rộng chưa đầy 20m2 của gia đình anh Trần Hữu Vinh (37 tuổi, trú tại thôn Ấp Tiến) bị nước ngập hơn 1m, toàn bộ tài sản có giá trị đã được gia chủ đưa lên sát nóc nhà để gác tránh lũ. Xung quanh bàn ghế, giường chiếu, nhà bếp, bàn học đều không thể sử dụng vì nước lũ bao trùm. Ôm hai cậu con trai vào lòng, chị Lan (vợ anh Vinh) cho biết trong đêm 3/9 vợ chồng thức trắng đêm để thu dọn tài sản đưa lên vị trí cao hơn vì thời điểm đó nước dâng lên rất mạnh. Mặc dù sống chung với lũ đã quen, nhưng mỗi khi vào mùa này cuộc sống gia đình bị đảo lộn hoàn toàn, điện mất, nấu ăn phải đi nhờ nhà hàng xóm, có ngày phải ăn mì tôm sống cầm hơi.
“Chỉ thương lũ trẻ mưa lớn ngập này không đi học được, chỉ quanh quẩn ở nhà. Chỉ mong sao trời ngớt mưa, chứ nước sông vẫn đang liên tục dâng cao”, chị Lan chia sẻ.
Nhà anh Nguyễn Văn Nam (33 tuổi, trú thôn Trung Thượng, xã Phương Mỹ) ngập ngang ngực, toàn bộ tài sản đã được vợ chồng thu dọn từ trước khi nước vào, nhưng vẫn còn sót lại một số nồi niêu, bàn ghế... Người đàn ông khuôn mặt đen nhẻm, khắc khổ lội dòng nước lũ để thu vớt những đồ đạc còn sót lại trong nhà. Chia sẻ về cuộc sống vùng lũ, anh Nam cho biết, từ thủa anh còn nhỏ đến nay lập gia đình hầu như năm nào cũng có lũ. Sống chung với mưa lũ đã quen, nhưng năm nay do chủ quan, nhà lại thấp nên nước vào nhanh không kịp trở tay. “Mưa cộng với thủy điện xả lũ nên nước sông dâng lên rất nhanh. Cái khổ và thiếu thốn nhất ở người dân nơi đây là điện và nước sạch, còn thức ăn giờ dân cũng chủ yếu chuẩn bị thực phẩm khô như bánh mì, lương khô, mì tôm... Nước đang tiếp tục dâng rất mạnh, chỉ mong trời ngừng đổ mưa để lũ rút chứ kéo dài mãi dân tôi khổ lắm”, anh Nam lo lắng.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Quốc Hậu, Chủ tịch UBND xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê cho biết đến ngày 5/9 trên địa bàn có hơn 200 hộ dân bị ngập từ 0,5m-2,5m. Hiện tại mưa lớn khiến mực nước sông Ngàn Sâu đang chảy mạnh, toàn bộ tuyến đường trong xã bị cô lập hoàn toàn. “Điện bị cắt hai ngày qua vì lũ ngập lên các đường dây, thức ăn và nước sạch dân đã chuẩn bị cơ bản nhưng nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống bà con. Hơn 200 hộ bị ngập, trong đó có hộ ngập 2,5m, mưa lớn vẫn đang tiếp tục, nước sông so với ngày hôm qua dâng lên gần 2m. Ngoài ra toàn bộ diện tích hoa màu trên địa bàn xã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, lúa chưa thu hoạch được xem như mất trắng”, ông Hậu nói.
Bỏ lệnh cấm biển
Tại Nghệ An, hai huyện Hưng Nguyên, Thanh Chương ngày 5/9 nhiều nơi nước ngập trắng xóa. Các xã Hưng Thông, Hưng Trung, Hưng Yên Bắc, Hưng Yên Nam thuộc huyện Hưng Nguyên diện tích lúa bị ngập hơn 1.000 ha. Tình trạng ngập lụt không chỉ nước tràn đồng, mà còn làm tê liệt nhiều tuyến đường dân sinh tại huyện Hưng Nguyên. Nhiều nơi lũ lụt gây ngập nhà, khiến không ít gia đình phải sơ tán. Tại Vinh, khoảng 30 khối xóm trên địa bàn thành phố bị ngập từ 20 đến 40cm; khoảng 50 hộ dân nước vào nhà.
Đường qua các điểm tràn ở thôn 2, thôn 7, Khe Mừ (Thanh Thủy) tràn Khe Đẻn, Khe Nu (Thanh Xuân) liên tục bị ngập sâu. Tuyến đường từ thị trấn Mường Xén lên xã biên giới Nậm Cắn (huyện Kỳ Sơn) nhiều nơi bị sạt lở, giao thông gián đoạn do một số điểm đất đá vùi lấp mặt đường. Quốc lộ 48, quốc lộ 15 sạt lở taluy, mặt đường hư hỏng tại nhiều điểm. Thống kê của Chi cục Thủy lợi Nghệ An đến cuối giờ chiều hôm qua cho thấy, diện tích lúa toàn tỉnh bị ngập 2.818ha, thiệt hại nặng nhất là huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc: 1.088 ha; Ngô, rau màu các loại bị ngập 1.039ha. Các công ty Thủy lợi Nam, thủy lợi Bắc, các địa phương ven biển vận hành các trạm bơm tiêu, cống tiêu hết công suất nhằm bảo vệ lúa, hoa màu, chống ngập úng ở vùng trũng. Riêng hồ điều hòa Hưng Hòa - thành phố Vinh đã vận hành tiêu nước trước khi lũ về 200.000m3.
Trong tổng số 625 hồ đập lớn nhỏ của Nghệ An, đã có hơn 170 hồ đầy nước, các hồ còn lại đạt 50 đến 70% dung tích thiết kế. Hồ Vực Mấu mở cửa tràn số 3 với chiều cao 50cm, lưu lượng xả16,91 m3/s. Chánh Văn phòng Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Nghệ An, ông Nguyễn Trường Thành cho hay, UBND tỉnh Nghệ An đã có văn bản số 6280/UBND-NN ngày 5/9/2019 cho phép tàu thuyền ra khơi sau khi áp thấp nhiệt đới tan, trong buổi sáng cùng ngày.
Quảng Bình: Dân cứu lãnh đạo huyện bị lật thuyền trong lũ
Khoảng 8 giờ 30 ngày 5/9, đoàn công tác của UBND huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) gồm: ông Cao Văn Tín, Phó Chủ tịch UBND huyện; ông Hoàng Văn Phúc, Trưởng phòng GD&ĐT huyện và anh Đoàn Thanh Đạm, Phóng viên Đài Truyền thanh huyện, cùng 3 cán bộ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tuyên Hóa đi nắm tình hình, thăm hỏi bà con vùng lũ ven sông Gianh thì bị lật thuyền. Rất may người dân ven sông đã phát hiện và đưa thuyền ra cứu nạn. Khoảng một giờ sau đó, người dân cứu vớt và đưa toàn bộ số cán bộ gặp nạn lên bờ an toàn.
Nước ngập nóc nhà
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Bình ngày 5/9, có gần 2.000 ngôi nhà bị ngập sâu trên 1m. Đặc biệt ở xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, có hàng chục ngôi nhà bị ngập nóc. Các xã Văn Hóa, Châu Hóa (Tuyên Hóa), Phù Hóa (Quảng Trạch) và 10 cồn nổi trên sông Gianh thuộc 9 xã vùng Nam thị xã Ba Đồn cũng bị ngập nặng. Người dân trên các cồn nổi đã bị cô lập từ ngày 2/9 đến nay và nước lũ chưa có dấu hiệu rút.
Trong ngày khai giảng năm học mới, Quảng Bình có 239 trường với 90.000 học sinh không thể tổ chức lễ khai giảng, trong đó, tập trung chủ yếu ở các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, đặc biệt thị xã Ba Đồn 100% trường học không khai giảng.
Ông Đoàn Ngọc Lâm, Bí thư Huyện ủy Minh Hóa cho biết, xã Tân Hóa, rốn lũ của huyện này làm rất tốt công tác “4 tại chỗ” bằng các nhà bè, nên hiện người dân vẫn tuyệt đối an toàn. Những nhà bị ngập nóc đã được di dời đến nơi an toàn vào 3 giờ sáng ngày 5/9. Tuy nhiên, do bị nước lũ bao vây trong nhiều ngày nên thực phẩm dự trữ của người dân bắt đầu cạn kiệt. Đặc biệt, nếu nước lũ tiếp tục lên cao, rất có thể các nhà bè sẽ bị đứt dây néo, trôi dạt khó lường. Theo ông Lâm, lũ ở Tân Hóa đã vượt đỉnh lũ năm 2016 và chưa có dấu hiệu rút xuống.
Trước hiểm họa lũ quá lớn, huyện Minh Hóa đã đề nghị Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình viện trợ khẩn cấp một đội cứu hộ cứu nạn chuyên nghiệp. Ngay lập tức từ sáng sớm 5/9 đã có 25 cán bộ chiến sĩ hành quân cùng xuồng máy lên Tân Hóa ứng cứu giúp dân.