Đàn tế nghìn năm phát lộ dưới Nhà Quốc hội hiện đại

Trong quá trình xây dựng hầm tòa Nhà Quốc hội, các chuyên gia khảo cổ học phát hiện di tích tế lễ Trời - Đất của các Hoàng đế đầu thời Lý, di tích chưa từng có trên thế giới.
Mặt bằng di tích kiến trúc tâm linh đặc biệt thời Lý, tại hố G7-G8 được minh họa bằng người đứng, tượng trưng cho các vị trí cột gỗ.

Đầu năm 2014, công trình tòa Nhà Quốc hội bước vào giai đoạn nước rút, không khí làm việc vô cùng hối hả. Trong khi khai quật khảo cổ học tại khu vực hầm ngầm để xe và đường ngầm từ phía trụ sở Bộ Ngoại giao qua đường Bắc Sơn sang nhà Quốc hội, Viện Khảo cổ học đã phát hiện một di tích đặc biệt với hình thù rất lạ với chất liệu chủ yếu bằng gỗ và đá.

Lập tức, các nhà khảo cổ học, sử học uy tín nhất trong cả nước được mời tới. Song, việc xác định gặp khó khăn bởi đây là lần đầu tiên họ được tiếp cận một di tích có hình thù như vậy.

Đặt vị trí phát lộ lên tấm bản đồ Hồng Đức, các nhà khoa học bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của di tích đặc biệt này. Nó nằm cùng trục, cùng phương vị Bắc - Nam với kiến trúc Bát Giác ở phía Bắc tạo thành một trục trung tâm trong tổng thể cụm kiến trúc đặc biệt thời Lý thuộc di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long ở phía tây của điện Kính Thiên.

Các nhà khảo cổ học cho rằng, di tích này là kiến trúc không thể tách rời trong cấu trúc tổng thể của các vương đô cổ phương Đông. Dù còn những ý kiến khác nhau về tên gọi, chức năng nhưng các nhà khoa học đều công nhận “đây là di tích tâm linh đặc biệt quan trọng”.

Trước sự quan tâm đặc biệt của giới khảo cổ, sử học Việt Nam và quốc tế, đầu tháng 7/2014, Viện Khảo cổ học tổ chức hội thảo quốc tế đánh giá giá trị và đề xuất phương án bảo tồn, nghiên cứu di tích bí ẩn vừa phát lộ. Hội thảo có sự tham dự của các chuyên gia hàng đầu của Việt Nam, Nhật Bản và Trung Quốc.

Các ý kiến tại hội thảo đều công nhận đây là kiến trúc tâm linh để tế Thượng đế và Ngũ đế có phối hưởng tế tự liệt tổ, liệt tông của hoàng đế nhằm khẳng định tính chính đáng của Vương triều được Trời trao thiên mệnh, một loại kiến trúc không thể tách rời trong cấu trúc tổng thể của các vương đô cổ phương Đông.

Tuy nhiên, tên gọi chính xác vẫn còn bỏ ngỏ khi các nhà khoa học đưa tới ba phương án: gọi là Minh Đường - nơi Hoàng đế nhận chính lệnh của Trời để ban hành các chính sách xây dựng đất nước được chính xác, hiệu quả; gọi là Thiên đường - nơi tế Trời cầu cho quốc thái dân án, quốc gia trường tồn.

Ý kiến thứ ba cho rằng, di tích tâm linh đặc biệt mới phát hiện thẳng trục bát giác do đó có thể đây chính là cụm kiến trúc liên hoàn với tên gọi: di tích mới phát hiện là Thiên đường, di tích kiến trúc bát giác là Minh đường.

Kiến trúc trung tâm có 2 vòng tròn đồng tâm.

Để làm rõ hơn giá trị và tên gọi của di tích nhằm báo cáo Thủ tướng, ngày 12/9, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã họp đánh giá giá trị và đề xuất phương án bảo tồn.

Tham dự cuộc họp có các nhà khoa học hàng đầu như giáo sư Phan Huy Lê (Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam), giáo sư Lưu Trần Tiêu (Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia), giáo sư Nguyễn Quang Ngọc (Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội), tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn (Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội), Đại diện UBND TP.Hà Nội, Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và các chuyên gia tư vấn khoa học của Dự án.

Sau khi xem xét, nghiên cứu kỹ các tài liệu, đặc biệt là so sánh về cấu trúc và quy mô, các nhà khoa học thống nhất không nên vội vàng gắn tên gọi nào đó vì di tích vô cùng độc đáo, duy nhất, ở Việt Nam và thế giới chưa từng có. Hơn nữa, khu vực phát hiện rất đặc biệt, thuộc Trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

Các nhà khoa học cũng lưu ý không nên vội vàng lấy tên từ nước ngoài để đặt vì nó không phản ánh đúng tính chất và kết cấu của cụm di tích này.

Do vậy, sau khi trao đổi, thảo luận, vị trí, kiến trúc, di vật, đối sánh với các nghiên cứu ở Thăng Long - Hà Nội như đàn Nam Giao, đàn Xã Tắc ở Việt Nam và các nước khác, bước đầu các nhà khoa học thống nhất đề tên gọi là Di tích tế lễ Trời - Đất của Hoàng đế đầu thời Lý.

Các nhà khoa học nhận định: “Kiến trúc này có giá trị đặc biệt quan trọng trong tổng thể của di tích kiến trúc Lý đã xuất lộ ở Thăng Long”. Niên đại của di tích từ khoảng năm 1010 - 1048 và sau đó vẫn tiếp tục được sử dụng cho đến giữa thế kỷ XII.

Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam kết luận: “Đây là di tích văn hóa tâm linh thuộc loại sớm nhất của Việt Nam, là di tích tâm linh độc đáo chỉ có ở kinh đô đầu triều Lý. Trong bối cảnh phương Đông đương thời, đây là loại di tích thể hiện tinh thần tự chủ, tự cường cao của Đại Việt thời Lý”.

Xem xét bảo tồn nguyên trạng kiến trúc tâm linh đặc biệt

Giá trị vô giá của di tích được khẳng định nhưng phương án bảo tồn lại chưa được thống nhất. Nếu bảo tồn toàn bộ quy mô dấu tích (có diện tích khoảng hơn 6.000 m2) sẽ không xây dựng được bãi đỗ xe của Nhà Quốc hội. Vì thế, Viện Khảo cổ học kiến nghị bảo tồn nguyên trạng phần lõi của di tích đã xuất lộ (25,2 m x 15,4 m).

Được biết đây là diện tích tối thiểu vì xung quanh không thể nới rộng thêm, diện tích bảo tồn này là 388 m2, tương đương với 5% diện tích của gara ngầm.

Mặt bằng tổng thể di tích kiến trúc tâm linh đặc biệt thời Lý, tại hố G7-G8, chiều rộng đông tây là 19,5m.

Cũng có ý kiến đề nghị “bứng” di tích đi để bảo tồn, phục dựng và tạo thuận lợi cho việc xây dựng bãi đỗ xe. Tuy nhiên, ý kiến này bị bác bỏ do di tích tâm linh đã yên vị trong lòng đất nghìn năm dù qua nhiều triều đại. Nếu di chuyển thì tính linh thiêng sẽ mất đi.

Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam sau đó chỉ đạo Viện Khảo cổ học phối hợp với các cơ quan hữu quan thiết kế cơ sở, xây dựng dự toán đầu tư và lập tổng mức đâu tư của dự án, trình Bộ Xây dựng thẩm định. Trong đó có sự tham gia của các chuyên gia Tư vấn thiết kế từ Mỹ và Đức, Úc. 

Viện Khảo cổ học đã tiến hành các biện pháp bảo vệ khẩn cấp di tích như lấp cát tạm thời bảo vệ nguyên tạng. Toàn bộ di tích đã được scan 3D, vẽ, chụp ảnh, đo đạc, ghi chép để xây dựng hồ sơ khoa học.

Các nhà khảo cổ cũng lưu ý, do giá trị to lớn về mặt tâm linh và chính trị, nếu di tích được bảo tồn kết nối với kiến trúc Bát giác, "chúng ta sẽ có trọn vẹn một khu di tích quan trọng để tăng cường tiềm năng du lịch và giáo dục truyền thống dựng và giữ nước hàng nhìn năm của cha ông".

Trước tầm quan trọng đặc biệt của di tích, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH VN đã kiến nghị Thủ tướng xem xét cho phương án bảo tồn nguyên trạng kiến trúc tâm linh đặc biệt này.

Vào đầu tháng 10, chỉ ít ngày trước khi công trình Nhà Quốc hội được đưa vào phục vụ kỳ họp thứ 8 (Quốc hội khóa 13), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có chuyến thị sát. Là người theo sát dự án từ nhiều năm, Thủ tướng bày tỏ sự quan tâm đặc biệt tới di tích tế lễ thời nhà Lý.

"Nhà Quốc hội là công trình công sở đầu tiên quy mô lớn nhất từ khi thống nhất đất nước, có tính mỹ thuật, công nghệ hiện đại, xây dựng trên khu vực có nhiều triều đại nên yêu cầu cao về bảo tồn, bảo tàng", Thủ tướng nói và yêu cầu Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam tổ chức hội thảo bảo tồn di sản để đánh giá đúng giá trị của các di tích lịch sử được phát hiện để có phương án bảo tồn thích hợp.

Theo Theo Zing