Mua nhiều, trừ nhiều
Người dân ở huyện Khoái Châu, Hưng Yên nói với chúng tôi rằng, một tháng nay nhiều cây xăng trong huyện tự đặt ra mức “khấu trừ máy móc, xăng dầu”, có cây xăng còn đưa ra quy định mua càng nhiều mức trừ càng cao.
Tăng giá trá hình
Ông Nguyễn Ngọc Giao – Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường Hưng Yên (QLTT) cho biết: “Một số cây xăng bán hàng như báo Tiền Phong nêu là biểu hiện của tăng giá trá hình. Tuy nhiên, theo Nghị định 112 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại thì hành vi trên chỉ bị phạt 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng”. Ông Giao cho rằng mức phạt trên chưa đủ mức răn đe. Nếu phạt 10 triệu đến 15 triệu đồng theo Nghị định 107 của Chính phủ về xử lý vi phạm đầu cơ, tăng giá thì không áp dụng được, bởi doanh nghiệp vẫn bán theo mức 21.300 đồng/ lit, ông Giao nói.
Chiều 6 – 5, Đội QLTT số 1, phụ trách hai huyện Khoái Châu, Văn Giang cho biết, đã lập biên bản xử phạt hành chính và yêu cầu một số cây xăng ở hai huyện này bán xăng cho dân theo đúng mức giá quy định của Liên bộ Tài chính – Công thương.
Nguồn tin từ Chi cục QLTT Hưng Yên cho biết, chủ cây xăng Đỗ Kính có người nhà làm trong Hội đồng nhân dân Khoái Châu nên “nhiều lần thách thức lực lượng chức năng, chây ỳ trong việc chấp hành xử phạt hành chính”.
Sáng 5 – 5, chúng tôi đến cây xăng Đỗ Kính ở xã Đông Kết, huyện Khoái Châu, Hưng Yên mua 30.000 đồng tiền xăng. Bà chủ nhận tiền rối bấm đồng hồ bán 29.000 đồng. Rồi bà chống nạnh, trợn mắt trả lời thắc mắc của chúng tôi: “Bán đúng giá Nhà nước thì không có xu nào tiền lãi nhé. Mở ra một cây xăng cũng nhọc lắm, cả huyện này bán thế, kêu ca gì”.
Bà chủ tên Dung nói rằng, cây xăng của bà thuộc hạng “có đạo đức kinh doanh” nhất huyện Khoái Châu. Bởi mỗi 10.000 đồng tiền xăng, bà chỉ khấu trừ 1.000 đồng gọi là tiền khấu hao máy móc, thừa ra chút đỉnh làm lãi.
Chiều 5 – 5, từ ngã ba Quán Táo gần UBND huyện sang xã Tân Châu, huyện Khoái Châu, ba cây xăng ở đây nơi treo biển mất điện, nơi đóng cửa im ỉm. Trong cây xăng duy nhất mở cửa, chủ nhà nằm đu đưa trên võng xem TV, thản nhiên bảo: “Mất điện, không bán hàng. Chú thông cảm”.
Nguyễn Văn Dũng, người xã Tân Châu kể: “Từ hôm có tin xăng tăng giá, chủ cây xăng nhất định không chịu bán. Năn nỉ mãi họ mới mở cửa, nhưng bán bằng cây xăng bơm tay, “khấu trừ” 1.000 đồng cho mỗi 10.000 đồng tiền xăng”.
Những hôm cây xăng đóng cửa, dân xã Tân Châu phải đi đò sang Phú Xuyên, Hà Nội mua xăng. “Tiền đò đi đi về về mất 20.000 đồng. Cây xăng trong xã thì lúc mở lúc không, như là dử mồi ngưòi mua”, anh Dũng nói.
Sáng 6 – 5, phải nhờ đến sự “bảo lãnh” của dân trong xã, chúng tôi mới năn nỉ được chủ cây xăng Đỗ Kính tại ngã ba Quán Táo, Đông Kết bán hàng. Mức khấu trừ ở đây cao hơn: đổ 20.000 đồng đựợc 19.000 đồng; đổ 30.000 đồng được 28.500 đồng. Chủ hàng nói rằng “khan hàng nên bán nhiều lỗ nhiều, không trừ tiền thì không sống nổi”.
Cũng chung mức “khấu trừ” 1.000 đồng, chủ cây xăng Thành Nhàn, xã Đông Ninh nói với chúng tôi rằng, họ phải “bồi dưỡng” cho lái xe chở xăng mỗi lần 300 nghìn đến 500 nghìn cho một lượt lấy xăng: “Đại lý lúc nào cũng nói khan hàng. Không bồi dưỡng lái xe thì không có hàng, thế nên phải bán kiểu này” chủ cây xăng nói.
Đất rộng người thưa, khó kiểm tra
Ông Phạm Huy Bình - Chủ tịch UBND huyện Khoái Châu cho biết: “Sau khi tiếp nhận phản ánh, chúng tôi đã yêu cầu lãnh đạo xã trực tiếp xuống kiểm tra. Một số chủ cây xăng đang có dấu hiệu găm hàng, chúng tôi đã đề nghị phải lập biên bản xử phạt hành chính”.
Theo ông Bình, trước đợt tăng giá xăng lần trước, nhiều chủ cây xăng cố ý găm hàng và đều bị nhắc nhở. “Chủ cây xăng luồn lách lực lượng kiểm tra, đóng cửa hoặc chuyển sang bán bằng bơm tay sau khi chúng tôi rời đi. Chưa giải quyết triệt để vì lãnh đạo xã chưa sâu sát”, ông Bình nói.
Lý giải phản ánh của người dân về việc chủ cây xăng luôn biết trước thời điểm bị kiểm tra, ông Bình cho rằng “chưa thể biết tại sao, và cũng chưa quản lý được”.
Sau ba lần phạt hành chính, huyện sẽ đề nghị Sở Công thương tỉnh Hưng Yên thu hồi giấy phép kinh doanh, ông Bình cho biết.
Trong khi đó, ông Nguyễn Ích Tuấn - Trưởng phòng Công thương huyện Khoái Châu nói rằng “trách nhiệm kiểm tra thuộc về đội Quản lý thị trường tỉnh, huyện chỉ phối hợp chứ không biết cụ thể”.
Theo ông Tuấn, do diện tích huyện Khoái Châu rộng nhất Hưng Yên, có hơn 20 cây xăng nên “khó kiểm soát hết bởi ít người, có trách nhiệm phối hợp Quản lý thị trường tỉnh là chính, và cũng chỉ tham mưu phạt hành chính và kiến nghị Sở Công thương thu hồi giấy phép kinh doanh”.
Nhưng ông Tuấn không nắm được mức xử lý hành chính thế nào, và từ đầu năm có bao nhiêu trường hợp bị xử phạt. “Tôi rất bận nên trong các chuyến kiểm tra, cán bộ phòng Công thương huyện đi”, ông Tuấn nói.