Dẫm đạp cướp lộc ở hội Rước cây bông

Hàng trăm người ở Vĩnh Phúc giành nhau biểu tượng bông lúa với hy vọng bội thu và may mắn cả năm.
 

Mùng 7 Tết Nguyên đán hàng năm người dân tại xã Đồng Thịnh (Vĩnh Phúc) lại tưng bừng trong đám rước cây bông. Lễ hội gắn liền với địa danh đền Thượng thờ đức thánh Tản Viên Sơn, mong muốn cầu mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt mùa màng bội thu. Công tác chuẩn bị cây bông cho lễ hội bắt đầu từ những ngày 20, 21 tháng Chạp. Cây bông có 3 loại là bông lúa, bông vải và cây đỗ.

Năm nay, mùng 7 (22/2/2018), thôn Bằng Phú được vinh dự rước cây bông tế thần tại đền Thượng. Đoàn rước đi từ thôn Bằng Phú đến đền Thượng, quãng đường hơn 2 km. Khi đoàn rước về đến sân đền Thượng, lễ khai hội bắt đầu.

Mỗi cây bông thường có 60 cành được cắm làm sao cho cây thật xum xuê.

Ba cây bông có thân từ cây chuối được trang trí bằng những dải giấy màu cuốn quanh. Cành của cây bông đỗ có các loại như đỗ đen, đỗ cả, đỗ nhỏ kén bông và chim sâu. Cây bông lúa được nhuộm màu vàng lục từ nước quả giành giành tựa như màu bông lúa chín vàng, cây bông vải màu trắng ngà của màu tre tự nhiên.

Thực hiện xong lễ tế, chủ tế thông báo nghi thức cướp bông bắt đầu. Phần kịch tính và hấp dẫn nhất là phần hội cướp bông.

Hàng trăm người lao vào rút bông, hoặc nếu không thể cướp được bông cũng mong được chạm tay vào thân cây bông. "Quan niệm dân gian, nếu ai cướp được bông hay chỉ cần chạm được tay vào linh vật thì cả năm sẽ gặp nhiều may mắn, mùa màng tốt tươi, cuộc sống no đủ", ông Nguyễn Nho, Trưởng ban tổ chức chia sẻ.

Cảnh chen lấn xô đẩy để cướp bông diễn ra trong khoảng 2 phút.

Người cướp bông có đủ già trẻ, lớn bé, nam nữ. Giữa sân Đình Thượng nơi đặt ba cây bông là nơi người dân chen lấn dẫm đạp lên nhau.

Người lấy được bông tỏ ra phấn khích vui vẻ.

Nhiều người không thể tranh lộc đành nhặt nhạnh những sợi bông sót lại dưới thân cây.

"Năm nào tôi cũng đến để xin lộc, năm nay tôi lấy được rất nhiều. Hy vọng một năm mới nhiều may mắn sẽ đến. Lộc lấy được sẽ đem về đặt trang trọng trên bàn thờ gia tiên", bà Triệu thị Hoan (thôn Yên Bình) vui vẻ nói. Lễ hội được đánh giá là tưng bừng, náo nhiệt và an toàn, không có tai nạn sự cố nào, mọi người vui vẻ, phấn khởi vì được tham gia một ngày hội ý nghĩa.

Theo Theo VnExpress