Dại, khôn ai biết đường đi lối về…

TP - Một buổi sáng, mở hộp thư tôi nhận được bài thơ: “Ta về, hoa dại nở đầy lối đi…/Người khôn ở chốn kinh kỳ/Biết đâu hoa dại nở vì người khôn/Sáng nay một trận mưa nguồn/Dại khôn như nước chảy tuôn ngang trời…”. Người cả đời phân vân dại/khôn, ấy chính là thi sĩ Dương Kỳ Anh.
Bạn văn chương lên thăm nhà vườn Sóc Sơn

Không tính được bao nhiêu lần anh băn khoăn về sự dại/khôn: “Bây giờ đi giữa mùa xuân/Ngày xanh lẫn vào tóc bạc/Bước dại vẫn còn ngơ ngác/Bước khôn sao cứ ngập ngừng”.

Chẳng đợi đến khi về ở ẩn, có thời gian thong thả, anh mới ngẫm về dại/ khôn, ngay trong tập thơ “Và anh đợi” (NXB Lao động, 1989) khi đó Dương Kỳ Anh còn bận bịu với cương vị Tổng Biên tập Báo Tiền Phong, anh đã viết: “Gặp em chỉ một lần thôi/Mà đi cuối đất, cùng trời vẫn đi/Mới hay cái bệnh, tình si/Dại, khôn, ai biết đường đi lối về”…

Nếu nói như cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ/ Người khôn người đến chỗ lao xao” thì Dương Kỳ Anh nếm trải đủ dại/ khôn trong đời. 21 năm ở cương vị Tổng Biên tập Báo Tiền Phong là “khôn” đó chứ? Còn bây giờ anh đang thích thú thưởng thức những năm tháng “dại” khi ẩn mình ở nhà vườn Sóc Sơn: “Đã nghe đời chầm chậm/Trôi đến miền hư vô/Đã qua thời vội vã/Bụi phù vân tỏ mờ/Giờ một mình một cõi/Cây một vườn một ta/Mới hay miền tiên cảnh/Vô biên trong mái nhà”.

Tôi bước chân vào báo Tiền Phong khi thi sĩ Dương Kỳ Anh, tức Tổng Biên tập Dương Xuân Nam chỉ còn 3 năm nữa “hạ cánh”. Xét về mặt tuổi tác, đáng ra  tôi nên gọi thi sĩ bằng “chú” nhưng ngay từ buổi gặp mặt những phóng viên mới về báo, tôi đã gọi “sếp” bằng “anh” bởi từ Đông Tây kim cổ chẳng thi sĩ nào thích phái nữ tôn mình thành “chú” (Dương Kỳ Anh cũng có bài thơ nhắc bạn trẻ: Đừng gọi anh bằng chú).

Thực ra không phải nịnh “sếp” mà tôi chỉ nghĩ, cuộc sống vốn ngắn ngủi và mong manh biết bao, nếu có thể làm cho người khác vui mà không ảnh hưởng gì thì cũng không cần quá đắn đo suy nghĩ. Không chỉ Dương Kỳ Anh mà ngay cả những nghệ sỹ già cỡ Lê Công Thành, Tạ Quang Bạo hay tài tử Ngọc Bảo khi còn sống, tôi cũng đều gọi “anh” xưng “em”.

Nhưng tôi ghi điểm trong mắt Dương Kỳ Anh có lẽ không phải vì cách xưng hô, mà bởi vì tôi là một độc giả sẵn sàng lắng nghe thơ anh và đôi khi có bình luận. Cũng là xuất phát từ sở thích, tôi vốn tốt nghiệp khoa Văn, đã từng nuôi mơ ước cháy bỏng trở thành một nhà nghiên cứu phê bình văn học.Cho nên khi gặp Tổng biên tập là một thi sĩ,  máu văn chương ngủ quên ngày nào có dịp thức dậy.

Vào buổi sáng mồng 1 Tết, không nhớ rõ năm nào, từ quê nhà, miền sơn cước,  tôi nhận được cuộc điện thoại của Dương Kỳ Anh, anh khoe, mới sáng tác được một bài thơ. Chẳng cần gợi ý, anh đã đọc diễn cảm bài thơ cho tôi nghe: “Người về Cao Bằng mùa xuân/Mõ trâu lóc cóc/Mõ trâu điểm nhịp/Thời gian luân hồi/Mùa xuân trên lưng trâu/Người chăn thả/Hoang sơ giữa đại ngàn/Buộc vào cổ trâu tiếng mõ/Buộc vào cổ trâu thời gian…”.

Nhưng có một câu thơ trong bài khiến nhiều người đặt “nghi vấn” khi bài thơ được phổ biến: “Người về Cao Bằng mùa xuân/Núi đồi căng nở”. Tôi cho rằng, một trong những cái hay cũng là cái dở của người Việt là thường xuyên suy luận, chính vì vậy một số từ ngữ vốn vô tội bỗng mất hút trong đời sống, thí dụ như tính từ “tươi mát”.

Mùa xuân là mùa của vạn vật sinh sôi, nảy nở thì núi đồi căng nở cũng là sự tưởng tượng  bình thường. Ngày xưa Xuân Diệu viết: “Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi” nhưng trong cuộc sống đời thường, có bao giờ Xuân Diệu cắn “xuân hồng”? Người ta quên Dương Kỳ Anh là thi sĩ,  nên suy luận về anh theo lối đời thường: Một người ngắm núi đồi ra dáng hình chị em, có gì đó không… minh bạch. Và đi tìm xem “người về Cao Bằng mùa xuân” là… người nào?Thế có khổ cho thơ và nhà thơ không?Lại nhớ câu thơ của Xuân Diệu: “Ai đem phân chất một mùi hương”.

Dương Kỳ Anh là tác giả của một đoạn thơ theo tôi rất tiêu biểu cho kiểu đàn ông vừa khát khao, vừa tỉnh táo: “Tiếng đàn em, bến bờ mờ âm thanh/Những bến bờ anh không sao đến được/Có những bến bờ biết là hạnh phúc/Thương mình đã nặng hai vai…”.Tôi nghe nhiều người nói, bài thơ là xúc cảm có dữ liệu đời sống. Một mỹ nhân chơi đàn dương cầm rất mê Dương Kỳ Anh, thi sĩ cảm động trước tình cảm của người đẹp nhưng  ngậm ngùi đứng lại khi nhớ ra “mình đã nặng hai vai”. Bài thơ viết khi anh khoảng 40 tuổi.Mấy ngày trước, anh cũng đưa lên trang cá nhân mấy câu thơ, thế này: “Em hay khóc, hay cười/Cho lòng anh bối rối/Yêu đôi mắt em, như yêu những chân trời/Chưa bao giờ được tới/Sợ đôi mắt em, như sợ nẻo đường đời/Lạc lối…”. Vừa thích, vừa sợ, Dương Kỳ Anh trong thơ tình cứ vừa dại, vừa khôn! Mà tình yêu luôn đòi hỏi tuyệt đích, cho nên  Dương Kỳ Anh dẫu có sáng tác nhiều thơ tình đến đâu cũng khó cạnh tranh danh hiệu “thi sĩ tình yêu” của Xuân Diệu. Người ta vẫn nhớ đến anh nhiều hơn ở biệt danh “ông trùm hoa hậu”.

Sau khi Dương Kỳ Anh về nghỉ hưu, suốt nhiều năm chúng tôi không gặp nhau nhưng vẫn thường liên lạc qua email. Có khi Dương Kỳ Anh khoe một bài thơ mới viết, một bài báo mới đăng, một cuốn sách mới ra, kèm lời hỏi han ngắn cùng lời chúc có một không hai: Chúc em mãi yêu thơ. Đương nhiên, tôi vẫn yêu thơ, không phải vì lời chúc của anh.

May mắn  của tôi khi về báo Tiền Phong là được gặp gỡ, được biết những nhà báo, thi sĩ thực tài. Một Nguyễn Hoàng Sơn “Dắt mùa thu vào phố” hóm hỉnh, sắc sảo ngoài đời. Một Phan Cung Việt với những câu thơ cá tính: “Cả đời chẳng chịu nghe ai/Đêm nằm nghe mọt giảng bài thế gian”.

“Ðã qua thời vội vã/Bụi phù vân tỏ mờ”

 Đã lâu lắm, tôi không gặp Phan Cung Việt. Có hôm mở facebook thấy bài thơ mới viết của anh, vừa thương nhiều, vừa không thể nhịn cười: “Khó đi từ ghế sang bàn/Khó đi từ giường đến tủ/Danh mục liệt đủ thứ/Từ địa ngục đến thiên đàng/Nhớ câu thơ trào nước mắt/Anh quên cài cúc áo cho em”. Trong cuộc đời, có những sự việc, có những gương mặt trôi qua khiến mỗi lần nghĩ hay nhớ lại khiến tôi vui, buồn, xót xa… lẫn lộn. Nhưng khi nhớ về những gương mặt thi nhân của Tiền Phong ngày ấy tôi chỉ nghe lòng ấm áp, nhớ những năm tháng tươi đẹp đã trôi theo thời thanh niên sôi nổi của chính tôi.

Trở lại với nhà thơ Dương Kỳ Anh. Trong giới văn chương, theo quan sát của tôi, có những người thẳng thắn không ưa thi sĩ của nhà vườn Sóc Sơn. Một nhà văn nổi tiếng hỏi tôi nhiều lần rằng: “Này, sao em lại thân với tay Dương Kỳ Anh ấy?”. Tôi chẳng biết nói sao, đành đổ cho cái sự “hữu duyên thiên lí…”. Nhưng lão nhà văn ấy vẫn chẳng chịu buông tha, ông bình: “Anh thấy tay ấy nhạt nhất trần đời”. Có lần tôi nổi cáu: “Anh thử nói xem, Dương Kỳ Anh nhạt thế nào?”. Lão tưng tửng đáp: “Nhạt từ hình thức nhạt đi”. Tôi chọc lại: “Phải chăng anh ghen với người ta cả một phần đời tươi đẹp toàn được sánh vai với mỹ nữ hàng đầu nước Việt?”. Lão nhà văn “tịt”, song vẫn không thôi gán cho Dương Kỳ Anh chữ “nhạt” mỗi khi có chuyện gì đó liên quan đến anh hoặc gợi nhớ anh. Nhưng mặn/nhạt cũng như dại/khôn chẳng có thước đo nào chuẩn xác, tất cả đều do cảm nhận và lựa chọn của mỗi người mà ra. Tôi nghĩ, cả trong nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, mặn chưa chắc hay, nhạt chưa chắc dở. Cuộc sống vốn bộn bề nên tôi lại ưa những người không tỏ ra sâu sắc.