Đại hội cổ đông Vietnam Airlines: Không chia cổ tức năm 2019

TPO - Sáng 10/8, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA, mã cổ phiếu HVN) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020. Các cổ đông đã thông qua không chia cổ tức năm 2019, dù VNA có lợi nhuận cao nhất từ trước tới nay, cùng đó năm 2020 sẽ lỗ lớn, cổ đông Nhà nước sẽ hỗ trợ 12.000 tỷ đồng.

Tại đại hội, Chủ tịch HĐQT VNA Phạm Ngọc Minh cho biết, đã đề xuất Nhà nước (với tư cách là cổ đông lớn sở hữu trên 86% cổ phần) có giải pháp hỗ trợ như tăng vốn, cho vay để đảm bảo dòng tiền hoạt động. Theo ông Minh, các báo lên cơ quan có thẩm quyền đều được ghi nhân và phản hồi tích cực.

“Chính phủ đã chỉ đạo Ủy ban quản lý vốn và VNA hoàn tất thủ tục để trình cấp cao hơn Chính phủ ra quyết định phương án hỗ trợ VNA thời gian tới. Trong đó, giải pháp quan trọng là Nhà nước cho VNA vay 4.000 tỷ đồng và tăng vốn chủ sở hữu thêm khoảng 8.000 tỷ đồng. Hiện các thủ tục cuối cùng đang hoàn thiện để trình”, ông Minh tiết lộ.

Dù có lợi nhuận năm tài chính 2019, nhưng cổ đông đã thống nhất thông qua việc không chia cổ tức năm vừa qua để đảm bảo dòng tiền và cân đối tài chính cho năm 2021 và các năm tới.

 Giải pháp vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh, ông Minh cho rằng, điều quan trọng là lãnh đạo VNA đều chủ động ứng phó theo từng tình huống cụ thể, xây dựng các phưng án ít xấu nhất. Cùng với đó, không chỉ đợi phục hồi hàng không toàn cầu, mà luôn sẵn sàng khai thác thị trường ngách dù là nhỏ nhất.

Điển hình, trong tháng 6-7 vừa qua, khi thị trường nội địa phục hồi, hãng đã mở tới 18 đường bay mới, nhiều và nhanh nhất nhất từ trước tới nay (trước đây mở 1 đường bay mới phải mất 6 tháng).

 Tại đại hội, các cổ đông đã thông qua báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh năm 2019, chỉ tiêu năm 2020; Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2019 và phương án phân phối lợi nhuận, cổ tức; thông qua chủ trương mua 50 máy bay thân hẹp mới và bán máy bay A321Ceo sản xuất năm 2007...

 Năm 2019, doanh thu hợp nhất của VNA đạt 100.316 tỷ đồng, tăng 1,4% so sánh cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 3.389 tỷ đồng, tăng 2,3% so sánh cùng kỳ; tổng các khoản nộp ngân sách gần 7.930 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2018. Nhờ kết quả kinh doanh tốt, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu về mức 2,7 lần.

 Từ ngày 7/5/2019, VNA đã chính thức niêm yết cổ phiếu HVN trên sàn chứng khoán TPHCM (HoSE). Cùng với đó, năm tài chính vừa qua, VNA có đội máy bay đạt 100 chiếc, với 100 đường bay trong và ngoài nước, tiếp tục giữ thứ hạng là hãng hàng không 4 sao.

Các cổ đông VNA tham dự đại hội thường niên năm 2020 trong bối cảnh phòng chống dịch bệnh.

Năm 2020, VNA cũng đối mặt nhiều khó khăn do dịch COVID-19. Trong bối cảnh dịch bệnh, hãng đã cắt giảm nhiều loại chi phí, tiết kiệm được hơn 5.000 tỷ đồng. Cùng với đó, hãng đẩy mạnh vận tải hàng hóa để bù đắp nguồn thu sụt giảm từ hành khách.

Trước khó khăn của dịch bệnh, dù có lợi nhuận năm tài chính 2019, nhưng cổ đông đã thống nhất thông qua việc không chia cổ tức năm vừa qua để đảm bảo dòng tiền và cân đối tài chính cho năm 2021 và các năm tới.

Kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2020 được Đại hội cổ đông thông qua hướng tới mục tiêu đạt doanh thu hợp nhất hơn 40.500 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ hơn 32.500 tỷ đồng; lỗ hợp nhất không quá 15.177 tỷ đồng, lỗ công ty mẹ không quá 14.487 tỷ đồng.