Đại dịch COVID-19, chất lượng học trực tuyến, gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ ra sao?

TPO - Hầu hết các đại biểu đều dành sự quan tâm đặc biệt nói về đại dịch COVID-19 khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội, sáng 8/5.
Đại biểu đề nghị đánh giá hiệu quả qua việc học trực tuyến. Ảnh TP

Chưa bao giờ lòng tin của dân lại cao như thế

Tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị phải nêu bật được bối cảnh đặc biệt trong những tháng đầu năm này. Theo ông Hiển, trong lịch sử, với hơn 30 năm đổi mới, chưa khi nào phải đứng trước thách thức lớn về kinh tế- xã hội như đại dịch lần này. Hơn cả khủng hoảng tài chính, kinh tế toàn cầu trước đây, COVID-19 đã gây tác động toàn cầu, đến mọi ngành nghề kinh tế.

“Chưa bao giờ kinh tế lại bị tác động ghê gớm thế này, kể cả sau chiến tranh thế giới thứ hai”, ông Hiển đánh giá.

Cùng đề cập đến vấn đề dịch bệnh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị phải quan tâm đến cả những tác động gây khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh nhỏ lẻ khi phải đóng cửa tạm thời. Thủ tục hành chính vướng rất nhiều, từ cấp phòng, cấp sở, rồi cấp bộ và lên đến Chính phủ, rất nhiều vấn đề chưa giải quyết được cho doanh nghiệp, cần những chính sách kịp thời để tháo gỡ.

Đặc biệt, theo Chủ tịch Quốc hội, trong dịch bệnh khó khăn như thế, nhưng chúng ta đã thể hiện được tinh thần đoàn kết, đồng lòng sẻ chia với những hình ảnh rất đẹp. Cây “ATM gạo” thế giới chưa có. Trong lúc khó khăn có sự chia sẻ như vậy, hình ảnh đẹp mang đậm giá trị văn hóa Việt Nam như vậy cần được đề cập.

Cũng chưa có quốc gia nào mà bảo hộ công dân như chúng ta, dịch bệnh không cho chuyến bay nước ngoài tới, nhưng sẵn sàng đưa máy bay đón người Việt Nam ở nước ngoài về. Rồi doanh nghiệp Việt Nam cũng rất năng động, từ may quần áo thời trang sang may khẩu trang, tặng nhiều nước trên thế giới…

Hay ý thức cộng đồng rất tuân thủ. “Trong khi các nước phản đối, biểu tình cách ly, thì chúng ta lại tuân thủ rất nghiêm ngặt. Chưa bao giờ lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước lại cao như bây giờ”, bà Ngân nhấn mạnh.

Nâng khống máy xét nghiệm, nghe mà đau

Cùng mối quan tâm, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề nghị đề cập sâu hơn đến việc giảng dạy trực truyến thế nào. Theo bà Hải, cử tri băn khoăn lo lắng chất lượng học trực tuyến và thi, nên phải đánh giá rõ.

“Thi kết quả có thể đạt nhưng chất lượng ra sao? Bộ GD&ĐT cần có kế hoạch bổ sung thêm kiến thức trong thời gian học trực tuyến. Ở nhiều nơi, các em phải dựng lán trại, không có điều kiện, không có máy tính thì học trực tuyến thế nào, có biện pháp xử lý ra sao?”, bà Hải nêu, đồng thời đề nghị cần quan tâm hơn đến gói hỗ trợ, vì cử tri mong việc chi trả công khai, công bằng, mình bạch, tránh trục lợi trong chi trả tiền hỗ trợ.

Cùng quan đến đến gõi hỗ trợ 62 nghìn tỷ, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, một số đối tượng đã được hỗ trợ kịp thời, như người có công với cách mạng, người nghèo, hộ cận nghèo…địa phương theo dõi được. Nhưng còn doanh nghiệp bị ảnh hưởng, lao động tự do không có hợp đồng, theo phản ánh của nhiều đại biểu, các đối tượng này chưa được tiếp cận gói hỗ trợ kịp thời.

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu, việc kiểm soát dịch bệnh thành công của Việt Nam trong thời gian qua đã được người dân trong nước và thế giới đánh giá rất cao, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Bên cạnh đó, ông Giàu cũng đề nghị làm rõ những bất cập, tiêu cực trong việc phòng chống dịch vừa qua. “Trong khi cả nước chống dịch mà lại đi nâng giá thiết bị y tế, máy xét nghiệm, rất kỳ cục, nghe mà đau”, ông Giàu nói.